Tembin là cơn bão dị thường nhất trong lịch sử
Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trường hợp xấu nhất là sau khi vào Biển Đông, bão Tembin mạnh cấp 12.
Bão Tembin có thể mạnh cấp 12 khi đổ bộ Biển Đông
Tại hội nghị trực tuyến ứng phó với bão Tembin vào sáng 23/12, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, bão Tembin đang cách phía nam đảo Palawan (Philippines) khoảng 270 km.
Cơn bão đã quét qua phía nam quần đảo Philippines đồng thời tăng lên cấp 10, gió giật cấp 13. Hoàn lưu cơn bão lệch về phía bắc và tây so với tâm bão và hình thái này sẽ tồn tại đến khi bão Tembin tiệm cận vùng biển Việt Nam.
Dự báo của các đài khí tượng Nhật Bản, Hong Kong, Mỹ đều chung nhận định bão Tembin di chuyển chủ yếu theo hướng tây và liên tục mạnh thêm sau khi vào Biển Đông. Đến phía tây quần đảo Trường Sa, bão sẽ ở cấp mạnh nhất 11-12, ảnh hưởng trực tiếp vùng biển Nam Bộ.
Trên cơ sở phân tích các mô hình của trung tâm trên thế giới, ông Cường cho rằng đêm 23/12, bão vào Biển Đông, mạnh cấp 10-11 và di chuyển chủ yếu theo hướng tây. Bão hướng trực tiếp Nam Bộ (cụ thể khu vực từ Bà Rịa – Vũng Tàu đến Cà Mau).
“Nhận định mưa do bão Tembin sẽ tập trung nhiều ở phía Bắc của tâm bão. Khi bão vào khu vực quần đảo Trường Sa sẽ mạnh lên cấp 12, giật cấp 15. Nhưng khi bão di chuyển vào bờ sẽ suy yếu ở cấp 10-11, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4. Nhưng trong trường hợp xấu, bão vào bờ vẫn duy trì ở cấp 12, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 5 – đây là cấp độ cảnh báo rất nguy hiểm” – ông Hoàng Đức Cường nói.
Về lượng mưa, ông Hoàng Đức Cường cho biết, do bão di chuyển nhanh và có khả năng suy yếu nên lượng mưa không lớn, khoảng 100-200mm ở vùng trung tâm bão, khu vực xa hơn là 100-150mm.
Ngoài ra, đến ngày 26-27/12, xuất hiện một đợt không khí lạnh mạnh kết hợp với hoàn lưu bão xa nên sẽ gây ra một đợt mưa diện rộng, từ Quảng Bình đến Phú Yên từ 150-250mm; gây ra đợt rét đậm, rét hại ở miền Bắc.
Ông Cường nhấn mạnh đây là cơn bão trái mùa, dị thường nhất trong lịch sử, từ trước đến nay chưa từng ghi nhận bão mạnh cấp 12 vào Biển Đông trong tháng 12.
“Phải cảnh báo cấp độ thiên cấp 5, mức cao nhất”
Đưa ra kịch bản của bão Tembin, ông Cường cho rằng khi vào quần đảo Trường Sa, bão Tembin đạt cấp mạnh nhất cấp 12, có gió giật cấp 15. Đêm 25, rạng sáng 26/12, bão đổ bộ vào đất liền, bão sẽ giảm cấp 10-11, ít nhất là cấp 9.
“Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng xấu là khi vào bờ, bão vẫn giữ nguyên cấp 12. Như vậy, chúng ta sẽ phải cảnh báo cấp độ thiên tai cấp 5, mức cao nhất”, ông Cường khẳng định.
Khả năng thứ 2, với tốc độ di chuyển nhanh, bão Tembin suy yếu khi vào quần đảo Trường Sa và tan nhanh trên đất liền. Do vậy, lượng mưa trong đợt này không lớn, khoảng 100-200 mm.
Ông Cường lưu ý bão Tembin sẽ gây sóng biển, nước dâng cao. Tại các đảo Trường Sa, Song Tử Tây, Huyền Trân, sóng cao 10 m, khu vực ngoài khơi Nam Bộ sóng cao từ 6 đến 8 m.
“Theo quy luật, cứ 10 năm sẽ xuất hiện một cơn bão mạnh vào cuối mùa như vậy. Nhưng chúng tôi chưa ghi nhận được cơn bão mạnh cấp 12 bao giờ”, ông Cường nói đồng thời lưu ý bão Tembin có diễn biến rất phức tạp.
Trung tâm khí tượng cho biết khoảng ngày 26-27/12, một đợt không khí lạnh rất mạnh sẽ tràn xuống nước ta. Hoàn lưu xa của cơn bão Tembin kết hợp với không khí lạnh gây mưa lớn ở Trung Bộ, các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên. Lượng mưa khoảng 150-250 mm trong 3-4 ngày. Bắc Bộ xuất hiện đợt mưa trái mùa.
Nguồn VOV
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.