Máy bay không người lái của Việt Nam sẽ bay khảo sát Tây Nguyên


 

 Những chiếc UAV được bay thử nghiệm ngày 3/5.
Ảnh do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ cung cấp.

Sự kiện các nhà khoa học của Viện Công nghệ không gian (Viện Hàn lâm Khoa học – Công nghệ Việt Nam) bay thử nghiệm thành công 3 mẫu máy bay không người lái đã đánh dấu bước đột phá trong lĩnh vực công nghệ cao, đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia sản xuất được UAV.

Theo TS. Phạm Ngọc Lãng, Giám đốc Viện Khoa học công nghệ không gian, Chủ nhiệm Dự án, ý tưởng chế tạo UAV xuất phát từ đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu chế tạo tổ hợp máy bay không người lái phục vụ nghiên cứu khoa học” được bắt đầu từ năm 2008.  Việc sản xuất thành công UAV không chỉ có ý nghĩa khoa học mà còn có ý nghĩa kinh tế rất lớn bởi nhập khẩu UAV từ nước ngoài có chi phí rất lớn chưa kể các chi phí phải trả cho các dịch vụ kĩ thuật kèm theo trong khi việc mua bán chỉ đơn thuần là giao dịch thương mại (mua nguyên chiếc), đối tác không chuyển giao công nghệ. Khi xảy ra sự cố kĩ thuật nào, việc thay thế linh kiện, phụ tùng hoàn toàn phụ thuộc vào đối tác, đồng thời phải chịu thêm chi phí thuê chuyên gia ngoại sang Việt Nam sửa chữa. Trong khi đó, những mẫu UAV do Việt Nam sản xuất cũng đáp ứng đầy đủ công năng mà giá thành chỉ bằng 30% so với nhập ngoại.

Với dây chuyền công nghệ hiện tại, mỗi năm nhóm dự án có thể sản xuất được 36 chiếc UAV. Những chiếc UAV đầu tiên đã có được đặt hàng từ Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam tham gia chương trình bay khảo sát tình trạng hoang mạc hóa, biến đổi khí hậu, thiên tai vùng Tây Nguyên.

UAV cũng sẽ tiến hành bay lấy mẫu khí quyển phục vụ nghiên cứu khoa học theo yêu cầu của Viện Vật lí địa cầu; bay chụp ảnh phục vụ đo đạc bản đồ quốc gia theo đặt hàng của Bộ Tài nguyên – Môi trường…

Đặc biệt, ngoài mục đích dân sự thì UAV còn phục vụ cho mục đích an ninh quốc phòng như làm máy bay trinh sát chiến lược tầm xa, xử lí ảnh phục vụ trinh sát mục tiêu…

TS Phạm Ngọc Lãng cũng cho biết, hiện nay ban dự án sản xuất được 20 chiếc UAV, trong đó có 12 chiếc hoàn thiện, bay thử 3 chiếc. Kết quả bay thử nghiệm và kết quả đo kiểm tra kỹ thuật theo giấy phép của Bộ Quốc phòng, các tính năng thiết kế đều đạt. Mục tiêu sắp tới của nhóm dự án là thiết kế máy bay mang được tải trọng lớn hơn, bay xa hơn, kéo dài thời gian bay, mở rộng hành trình bay trải khắp lãnh thổ Việt Nam. Hiện tại, chiếc máy bay lớn nhất bay được bán kính 100km, nếu có các trạm truyền tiếp có thể bay xa 500 – 600km, thời gian bay là 6h, tốc độ 180km/h./.