Gần 1/3 dân số Việt Nam thiếu hoạt động thể lực

Theo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Dự phòng và kiểm soát bệnh tật vừa được Bộ Y tế gửi đến Bộ Tư pháp xin ý kiến thẩm định, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới trong việc cải thiện các chỉ số sức khỏe, kiểm soát bệnh tật và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

 

Thể dục đồng diễn với chủ đề “Phụ nữ khỏe, đẹp, tự tin” tại TPHCM

Thể dục đồng diễn với chủ đề “Phụ nữ khỏe, đẹp, tự tin” tại TPHCM

 Bộ Y tế cho biết, theo số liệu giám sát dinh dưỡng tại Việt Nam năm 2014, tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ dưới 5 tuổi ở thể nhẹ cân là 14,5%, thể thấp còi 24,9%, thể gầy còm 6,8%, thừa cân béo phì 4,8%. Tỷ lệ thiếu vi chất ở trẻ em và phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ cao trên 20%, ở nông thôn cao hơn ở thành thị. Trong khi đó, thừa cân béo phì tăng nhanh từ 0,6% năm 2000 lên 4,8% năm 2014. So sánh với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về hoạt động thể lực thì gần 1/3 dân số Việt Nam (28,1%) không đạt mức hoạt động thể lực.

Nghiên cứu theo dõi chiều sâu về sự phát triển trẻ em từ sơ sinh đến 18 tuổi của Viện Dinh dưỡng cho thấy, mức tăng cân của trẻ em Việt Nam trong 3 tháng đầu không khác với tiêu chuẩn quốc tế, thậm chí còn cao hơn, nhưng sau đó kém dần. Có hai thời kỳ sự thua kém biểu hiện cao nhất: từ 6-12 tháng và 6-11 tuổi (lứa tuổi tiểu học). Đáng lưu ý, tình hình thiếu vi chất dinh dưỡng ở Việt Nam được coi là ở mức “mang ý nghĩa sức khỏe cộng đồng”. Đơn cử, kết quả tổng điều tra dinh dưỡng năm 2010 của Viện Dinh dưỡng cho thấy khoảng 14,2% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu vitamin A tiền lâm sàng. Tỷ lệ vitamin A trong sữa mẹ thấp vẫn ở mức 35%, chứng tỏ khẩu phần ăn của cộng đồng chưa đáp ứng nhu cầu vitamin A. Có tới  36,5% phụ nữ có thai, 28,8% phụ nữ không có thai, 29,2% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu máu. Tỷ lệ thiếu kẽm ở Việt Nam rất cao – tỷ lệ thiếu kẽm ở cộng đồng trên 20% được xác định là vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng.

Nguồn SGGP