Phong trào sinh vật cảnh ở một vùng quê

Ở xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy những năm gần đây phong trào sinh vật cảnh khá phát triển, góp phần tô điểm thêm cảnh quan môi trường, đồng thời mang lại nguồn thu đáng kể cho những ai biết đầu tư đúng hướng.

                                             
Cây dúi trên 15 năm luôn được chú Đức chăm sóc cẩn thận.

Trồng hoa, cây cảnh vốn là thú chơi tao nhã đã có từ lâu, tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở mức độ tự phát, nhỏ lẻ. Mỗi nhà trồng vài chậu để tô điểm thêm không gian gia đình. Từ năm 2008, khi có lớp Sinh vật cảnh được mở đào tạo sơ cấp cho mọi người yêu cây cảnh ở xã, nên ai cũng tranh thủ học và từ đó hiểu biết hơn về cách chơi cũng như cách chăm sóc kiểng. Vào ngày 16/6/2009, Hội Sinh vật cảnh xã Hiệp Đức được thành lập, có 37 hội viên tham gia sinh hoạt ở 3 chi hội: Hiệp Ngãi, Phú Quới, Hiệp Thành, với đủ mọi lứa tuổi, nghề nghiệp và tùy theo điều kiện kinh tế gia đình để có mức đầu tư phù hợp. Hội tập trung những người thích chơi cây kiểng, được gọi là nghệ nhân không chuyên. Hội viên thường xuyên tổ chức giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong việc trồng và chăm sóc cây hoa kiểng, giúp đỡ nhau về giống, cây trồng cũng như kinh nghiệm, kỹ thuật tạo dáng cho cây, chăm sóc cây khoẻ, đẹp. Các loại cây trồng chủ yếu là mai chiếu thủy, mai vàng, nguyệt quế, vạn niên tùng.

Đầu năm 2013, Hội thành lập 1 tổ chưng nghi long phụng. Tuy mới thành lập sau so với các địa phương khác, nhưng tiếng tăm không thua kém chút nào. Năm 2010, Hội Sinh vật cảnh xã Hiệp Đức đã đạt 2 huy chương vàng về chưng ngũ quả do huyện Cai Lậy đăng cai tổ chức cho toàn tỉnh Tiền Giang. Hàng quý, Chi hội đều họp, Ban chấp hành gồm 11 người tham gia họp 6 tháng/1 lần. Ở mỗi cuộc họp, Hội lồng ghép việc chỉnh sửa một cây cảnh để các hội viên có cơ hội trao đổi cùng nhau.

Vào các ngày lễ tết, đặc biệt là Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 hàng năm, các hội viên của Hội thường tập trung cắt tỉa cây kiểng cho Ủy ban nhân dân xã, các trường học trên địa bàn tạo vẻ mỹ quan trên địa bàn. Chú Cao Thanh Hoàng- Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh xã Hiệp Đức cho biết: “Phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, Hội Sinh vật cảnh xã sẽ tiếp tục vận động mọi người dân trong xã cùng tham gia để mở rộng diện tích cũng như phát triển phong trào sinh vật cảnh của địa phương”.

Tham gia vào Hội Sinh vật cảnh sẽ giúp mọi người vừa nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho hội viên, vừa góp phần cải thiện môi trường sinh thái, làm đẹp cảnh quan gia đình, xã hội là ý nghĩa thiết thực mà nghề làm sinh vật cảnh đang mang lại. Như chú Nguyễn Văn Thanh ở ấp Hiệp Ngãi, ngoài việc chú tự ươm trồng, chú còn đi tìm mua ở các nơi. Trong khoảng thời gian dài sưu tầm và chơi cây cảnh, kinh nghiệm thành công của chú chính là phải có niềm đam mê, khả năng sáng tạo, tích cực nghiên cứu học hỏi và biết kiên trì nuôi dưỡng ý tưởng. Hiện tại trong vườn nhà chú có khoảng 300 cây lớn nhỏ nhưng chưa bán đại trà, giờ chủ yếu là chú tạo dáng cho cây. Chú Nguyễn Văn Thanh cho biết: “Từ khi thành lập Hội Sinh vật cảnh, tôi tình nguyện xin gia nhập Hội, cùng với các anh em trao đổi kinh nghiệm cũng như các kỹ thuật để tạo được một cây cảnh đẹp, nó đem lại cho tôi niềm vui về tinh thần rất lớn”.

Để tạo được một chậu cây đẹp mắt, người chơi phải thường xuyên uốn nắn, tạo thế, dáng, mới giữ cho cây được bền lâu, nếu không cây sẽ bị phá thế, hoặc bị cỗi, mắc bệnh chết sớm. Chú Cao Long Đức sinh năm 1955, trồng hàng rào cây xanh trên 4 năm tạo được vẻ thẫm mỹ trước căn nhà, đặc biệt trong sân vườn nhà chú còn có cây dúi đã được trồng và chăm sóc trên 15 năm, để cho đẹp mắt chú đã uốn nắn cho cây để làm bàn “Ông thiên”. Sau những giờ làm vườn mệt mỏi được chăm sóc cây cảnh, hít thở không khí trong lành sẽ làm cho bản thân quên đi sự mệt mỏi. Chú Đức bày tỏ: “Nói chung anh em địa phương cũng thích cây cảnh lắm nên ngoài công việc vườn tược của gia đình, tôi tranh thủ dành thời gian thư giãn cùng với cây cảnh, nó mang lại cho lòng mình niềm vui thật khó tả”.

Trước đây, mọi người chơi cây cảnh chỉ để thỏa sở thích cá nhân, nhưng từ khi nhận thấy tiềm năng kinh tế của nghề này mang lại, mọi người đã chịu khó cải tạo, uốn nắn những cây cảnh của mình thành những tác phẩm nghệ thuật và bán cho người có nhu cầu. Mới đây, 6 hội viên của Hội đã bán các cây cảnh như mai, mai chiếu thủy với trên 40 triệu đồng, tạo sự phấn khởi cho mọi người.