Sức sống mãnh liệt của đề tài người lính và chiến tranh cách mạng
Nhà văn, Đại tá Ngô Vĩnh Bình, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ |
Sau 5 năm triển khai (2004 -209), chương trình đã đạt được những thành công nhất định. Đây cũng là lần đầu tiên một cuộc vận động sáng tác văn học được Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị tiến hành theo phương thức “đặt hàng” các nhà văn.
Đến nay, đã có gần 100 nhà văn tham gia chương trình. Đó là những nhà văn quân đội, những nhà văn từng tham gia hai cuộc kháng chiến trường kỳ, những nhà văn là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đang công tác ở cả ba miền đất nước.
Đã có hơn 70 tác phẩm được Ban Tổ chức thẩm định và nghiệm thu, trong số này nhiều cuốn đã được xuất bản. Tiêu biểu là các tiểu thuyết “Không phải huyền thoại” của nhà văn Hữu Mai, “Ngày rất dài” (Giải thưởng Bộ Quốc phòng năm 2009) của Nam Hà, “Những bức tường lửa” (Giải thưởng Hội Nhà văn năm 2005, Giải thưởng Nhà nước về văn học – nghệ thuật năm 2007) , “Những cánh rừng lá đỏ” (Hồ Phương), “Kinh thành rực lửa” (Nguyễn Quang Hà), “Sóng Hàm Luông” (Thanh Giang), “Phòng tuyến Sông Bồ” (Giải thưởng Bộ Quốc phòng năm 2009) của Đỗ Kim Cuông, “Một ngày là mười năm” ( Giải thưởng Sông Mê kông của Phạm Quang Đẩu)…
Cùng với các tập tiểu thuyết, chương trình còn nhận được nhiều tập trường ca, một số tác phẩm đã được in và được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt: “Mở bàn tay gặp núi” của Nguyễn Đức Mậu; “Metro” của Thanh Thảo, “Vạn lý Trường Sơn” của Nguyễn Hữu Quý…
Tại lễ tổng kết, Ban Tổ chức đã trao tặng một số tác phẩm của cuộc vận động sáng tác cho cán bộ chiến sĩ Hải quân và cán bộ công nhân viên, học viên trường Sĩ quan Chính trị Bắc Ninh.
Chương trình đầu tư sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang đã khép lại một giai đoạn. Sự ra mắt của nhiều tác phẩm văn học được hoàn thành trong khuôn khổ chương trình đã góp phần làm phong phú thêm tủ sách văn học về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính – một tủ sách sáng đẹp và đáng trân trọng, đáng kiêu hãnh nhất của văn học Việt Nam nửa sau thế kỷ XX./.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.