Sau cuộc tọa đàm, không chỉ là những lời hứa hẹn tài trợ kinh phí mà còn là những cái “bắt tay” thật chặt để hợp tác hoàn thiện sản phẩm.
Về xứ dừa Bến Tre hỏi mua máy xe chỉ xơ dừa 8 trục, các vựa dừa sẽ chỉ liền tay sang Cơ sở cơ khí Văn Liêm (xã Tân Hội, huyện Mỏ Cày Nam). Điều đặc biệt là ông chủ của cơ sở này – anh Lê Văn Liêm là một nhà sáng chế “chân đất” đúng nghĩa, bởi anh xuất thân với nghề sửa xe gắn máy và chưa một ngày đứng máy tiện, máy hàn. Tuy nhiên, khi nhìn thấy nhiều người dân địa phương xe chỉ xơ dừa bằng chiếc máy thủ công khung gỗ một trục, anh Liêm đã tự mày mò chế tạo ra máy xe chỉ xơ dừa 8 trục cho năng suất cao hàng chục lần. Nhờ máy tốt, khách hàng đi trước “mách tiếng” cho khách hàng mới tìm đến anh Liêm ngày càng đông hơn. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, anh thuê đất để mở cơ sở sản xuất, rồi thu nhận và dạy nghề miễn phí cho hơn 10 công nhân địa phương.
Anh Lê Văn Liêm với máy xe chỉ xơ dừa do mình sáng chế
“Người dân tìm đến nghề xe chỉ xơ dừa đa phần nghèo, nên máy bán ra có khi cả năm trời chưa thu hồi lại vốn. Giờ mua cái điện thoại, xe máy còn mua góp được, nhưng dân mình biết vay ở đâu để mua trả góp máy móc phục vụ sản xuất”, anh Liêm nêu ra trăn trở và mong tìm được những trợ giúp cụ thể từ Trường Đại học Công nghiệp TPHCM.
Với bản chất cần cù, chịu khó tìm tòi nghiên cứu, anh nông dân Phi Anh Đệ (xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa, Phú Yên) là chủ nhân của hàng chục máy nông cụ phục vụ sản xuất mía. Ban đầu là cải tiến chiếc cày đất truyền thống thô sơ, sau đó chế tạo thành máy cày ngầm bỏ phân mía, máy xới cỏ mía, máy phun thuốc cỏ mía và máy băm rác mía sau thu hoạch.
Với lòng say mê, kiên trì tìm tòi, sáng tạo suốt 10 năm ròng, đến đầu tháng 10-2017, Phi Anh Đệ đã chính thức cho ra đời chiếc máy thu hoạch mía, có giá 1 tỷ đồng. Trong ngày ra mắt chạy thử nghiệm máy thu hoạch mía, đông đảo bà con trồng mía vỡ òa niềm vui cùng anh khi chiếc máy chạy băng băng trên ruộng mía với những công đoạn thu hoạch mía nhanh gọn, hiệu quả. Anh Phi Anh Đệ bày tỏ mong muốn “đứa con tinh thần” của mình sớm được đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ, sản xuất số lượng lớn và ứng dụng rộng rãi. Điều anh ấp ủ nhiều năm qua, đến nay chưa được giải quyết.
Các nhà sáng chế không chuyên như anh Liêm, anh Đệ, anh Nguyễn Văn Hai (Bình Thuận), anh Nguyễn Vĩnh Duy (An Giang), anh Phan Công Sỹ (Nghệ An)… không chỉ mang đến tọa đàm những thành quả khoa học như Robot 9 thao tác, máy cơ khí phun thuốc trừ sâu điều khiển từ xa, máy cày bừa siêu đa năng 4 trong 1… mà còn mang đến sự nhiệt huyết, niềm đam mê, những bức bách từ hoạt động sản xuất của người dân truyền đến các nhà khoa học.
PGS-TS Phan Chí Chính, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, nêu lại bài học đau đớn khi cách đây 50 năm chúng ta đã để tụt mất cơ hội chiếm lĩnh thị trường máy gặt đập liên hợp ở ĐBSCL về tay nhà sản xuất nước ngoài, chỉ vì chậm chân trong khâu hoàn thiện sản phẩm, và cho rằng những thành quả khoa học của các nhà sáng chế có thể “mất trắng” nếu không đăng ký bản quyền và tiêu chuẩn hóa chi tiết máy. “Các nhà khoa học ở các trường viện như chúng tôi hoàn toàn có thể trực tiếp hỗ trợ hoặc làm cầu nối giúp nhà sáng chế tiến tới sản xuất công nghiệp trên cơ sở khoa học”, PGS-TS Phan Chí Chính đặt yêu cầu.
TS Nguyễn Thiên Tuế, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, cho biết nhà trường có hệ thống máy móc chế tạo đa dạng, có độ chính xác cao và sẵn sàng mời gọi tất cả nhà sáng chế “chân đất” đến nghiên cứu, đồng chế tạo. “Nhà trường dành hơn 10 tỷ đồng hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp. Các nhà sáng chế với kinh nghiệm thực tế, hoàn toàn có thể cùng sinh viên nhà trường tổ chức các nhóm khởi nghiệp, để có nhiều hơn máy móc, công cụ sản xuất đến được với người nông dân trong tương lai”, TS Nguyễn Thiên Tuế kỳ vọng.
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.