Thảo luận tại tổ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

        Ngày 27/5 Quốc hội đã dành một ngày để thảo luận tại tổ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sau khi chỉnh lý, tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân. Những quy định về chế độ chính trị; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; sở hữu đất đai, thu hồi đất đai; chính quyền địa phương… là những vấn đề được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tập trung thảo luận.

 

 ĐBQH thảo luận ở tổ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
 (Ảnh: Kim Thanh)

Trước đó, trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5 (ngày 20/5/2013), Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Trưởng Ban Biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến nhân dân và chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Trong phiên thảo luận tại tổ, các ĐBQH đều nhất trí đánh giá hoạt động lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã thực sự là đợt sinh hoạt chính trị – pháp lý dân chủ, sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân và cả hệ thống chính trị. Việc lấy ý kiến nhân dân không chỉ huy động được sự tham gia tích cực của nhân dân ở trong nước và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài để góp ý, hoàn thiện Dự thảo, mà còn phát huy quyền làm chủ của nhân dân; nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc xây dựng Dự thảo Hiến pháp, cũng như thực thi Hiến pháp sau này.

Đồng ý giữ nguyên tên nước

Trong cuộc thảo luận, nhiều đại biểu tập trung góp ý đối với Điều 1 của chương I về tên nước.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP. Hồ Chí Minh) bày tỏ đồng tình với việc giữ nguyên tên nước như hiện nay. Đại biểu lý giải, “mặc dù có ý kiến góp ý đổi tên nước nhưng cá nhân tôi cũng như qua các đợt góp ý của TP. Hồ Chí Minh, đại bộ phận nhân dân nhất trí với tên nước hiện nay, bởi cho rằng phù hợp với nguyện vọng và thực tế mà chúng ta đang xây dựng đất nước”.

Đại biểu Đào Văn Bình (Hà Nội) cũng nhất trí với phương án giữ nguyên tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để khẳng định mục tiêu, con đường xây dựng và phát triển đất nước lên chủ nghĩa xã hội, bảo đảm tính ổn định, tránh việc phải thay đổi về quốc huy, con dấu, quốc hiệu trên các văn bản, giấy tờ. Hơn nữa, trải qua 37 năm, tên gọi này đã trở nên quen thuộc đối với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Mặt khác, theo đại biểu, việc thay đổi tên nước trong thời điểm hiện nay sẽ làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính, gây tốn kém, phức tạp.

Đồng ý giữ nguyên tên nước, đại biểu Dương Văn Thống (đoàn Yên Bái) cho rằng, tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã gắn với chế độ, thời gian dài, gắn với sự hình thành, phát triển của đất nước và đã quen thuộc với người dân. Nếu đổi tên nước sẽ kéo theo nhiều sự thay đổi trong đời sống chính trị, kinh tế.

Thảo luận tại tổ về Dự thảo, nhiều đại biểu đồng tình khẳng định việc giữ Điều 4 quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng là cần thiết. Quy định này là kế thừa quy định tại Điều 4 của Hiến pháp hiện hành, khẳng định tính lịch sử, tính tất yếu khách quan về sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nước ta.

Cần xác định nguyên tắc của việc thu hồi đất

Một trong những vấn đề được ĐBQH quan tâm thảo luận là vấn đề thu hồi đất. Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, phải thống nhất quan điểm đất đai là sở hữu toàn dân, nhưng quản lý đất đai phải rõ ràng, minh bạch. Theo đại biểu, phải định nghĩa thu hồi đất cho rõ ràng, trong trường hợp nào đền bù, trường hợp nào không đền bù? Đại biểu đề nghị, nếu dùng khái niệm thu hồi chung cho tất cả các trường hợp thì đền bù phải ngang nhau cho những dự án cùng khu vực, không được phân biệt tính chất dự án để đền bù cho người dân.

“Hiện nay, chúng ta đang thực hiện đền bù theo kiểu hai mảnh đất gần nhau nhưng một mảnh đất thu hồi làm trường học, một mảnh thu hồi làm kinh tế thì giá khác nhau nên tạo ra sự bất công bằng cho người sử dụng đất. Nếu chúng ta không làm rõ vấn đề này thì tình trạng khiếu kiện, khiếu nại đất đai còn kéo dài mãi.” – Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh.

Bàn về vấn đề thu hồi đất, đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cho biết, điểm cơ bản là người dân và Ban soạn thảo đều thống nhất cao, đất đai thuộc sở hữu toàn dân nhưng do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Trong Dự thảo, cái mới là ở Điều 57, Điều 58 thừa nhận quyền sử dụng đất là quyền tài sản. Chính vì vậy, đất đai được pháp luật bảo hộ và phải tôn trọng. Theo Dự thảo, ban đầu có 4 trường hợp thu hồi, nay thêm trường hợp 5, đó là thu hồi đất phục vụ dự án phát triển kinh tế – xã hội. “Theo quan điểm của tôi, 4 trường hợp thu hồi đất quy định trong Hiến pháp trên là bồi thường theo giá của Nhà nước, còn thu hồi đất thuộc trường hợp để phục vụ dự án phát triển kinh tế – xã hội phải thoả thuận với dân và bồi thường sát với giá thị trường” – đại biểu Đinh Xuân Thảo nói.

Đại biểu Phạm Văn Tấn (Nghệ An) cho rằng, phát triển kinh tế  – xã hội dựa trên các cơ sở, các quy định của pháp luật, dựa trên môi trường đầu tư và nguồn lực đầu tư. Trong các nguồn lực đầu tư có một nguồn lực rất quan trọng không thể thiếu, đó là đất đai.  Đại biểu  Phạm Văn Tấn cho rằng, theo Điều 57, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước đại diện chủ sở hữu thống nhất quản lý, Nhà nước có quyền thu hồi là hợp lý. “Vừa qua, rất nhiều các dự án kinh tế – xã hội do việc thu hồi đất không minh bạch đã tạo ra sự bức xúc xã hội. Tuy nhiên, không phải vì đó mà chúng ta không làm. Chúng ta đã có những bài học kinh nghiệm và có thể điều chỉnh, bổ sung được bằng các quy định của pháp luật” – Đại biểu Phạm Văn Tấn thẳng thắn nói.

Cần tổng kết việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND

Đánh giá Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có tinh thần cầu thị, tiếp thu những ý kiến góp ý về chương Chính quyền địa phương, song đại biểu Trương Thị Ánh (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị, nhanh chóng tổng kết việc 3 năm thí điểm không tổ chức HĐND ở một số địa phương, để từ đó đưa vào cách thiết kế mô hình HĐND ở các cấp. Cũng theo đại biểu, về mô hình tổ chức chính quyền địa phương thì Thành phố trực thuộc Trung ương nên có mô hình thành phố trong thành phố, bởi đây là xu thế xây dựng chính quyền đô thị.

Cũng quan tâm tới vấn đề chính quyền địa phương, ĐB Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) nhấn mạnh, chúng ta đã thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường ở một số địa phương vài năm, nhưng đến nay mới chỉ có sơ kết chứ chưa tổng kết rõ ràng về việc này. ĐB đề nghị Ban soạn thảo nên nghiên cứu kỹ và khẳng định đơn vị hành chính có tổ chức HĐND hay không?

ĐB Đào Văn Bình (Hà Nội) tán thành giữ các quy định về các đơn vị hành chính như Điều 118 của Hiến pháp hiện hành và mô hình chính quyền địa phương được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính theo nguyên tắc ở đâu có cơ quan hành chính thì ở đó phải có cơ quan đại diện để giám sát.

Theo Chương trình, Quốc hội sẽ dành hai ngày (3 – 4/6) thảo luận ở hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và nội dung này sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp./.