Bưu điện Washington điều tra ”tin tặc Trung Quốc” xâm nhập bí mật quốc phòng Mỹ
Từ đầu năm đến nay, tin tặc Trung Quốc đã trở thành vấn đề hóc búa trong quan hệ Mỹ-Trung. Sau các cáo buộc từ Chính phủ Mỹ hồi đầu năm, hôm qua, tờ Bưu điện Washington đã đăng bài báo điều tra cho thấy, thiết kế của hàng loạt hệ thống vũ khí tiên tiến tối mật của Mỹ đã bị tin tặc Trung Quốc xâm nhập.
Theo một báo cáo do Ủy ban Khoa học Quốc phòng Mỹ lập ra để gửi cho Lầu Năm góc, trong số hơn hai mươi bản thiết kế của các hệ thống vũ khí quan trọng đã bị xâm nhập có những chương trình cực kỳ quan trọng đối với hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ cũng như các thiết kế máy bay chiến đấu và tàu chiến tối tân.
Các chuyên gia cảnh báo rằng, các vụ xâm nhập đã giúp Trung Quốc tiếp cận được với những công nghệ tiên tiến có thể giúp nước này tăng tốc độ phát triển các hệ thống vũ khí của họ và làm giảm lợi thế về quân sự của Mỹ trong các cuộc xung đột tương lai.
Ủy ban Khoa học Quốc phòng, một nhóm cố vấn cao cấp bao gồm các chuyên gia của Chính phủ Mỹ cùng một số chuyên gia dân sự, không cáo buộc Trung Quốc đã đánh cắp các thiết kế này. Nhưng các quan chức trong giới quân sự và ngành công nghiệp quốc phòng biết rõ thông tin về các vụ xâm nhập nói rằng, phần lớn các vụ này là một phần trong một chiến dịch cực lớn của Trung Quốc nhằm do thám các nhà thầu quân sự và các cơ quan thuộc chính phủ Mỹ.
Tầm quan trọng và quy mô của các mục tiêu bị tấn công đã giúp giải thích tại sao chính quyền của ông Obama đã nâng mức cảnh báo với Chính phủ Trung Quốc nhằm ngăn chặn cái mà Washington coi là “vấn nạn trộm cắp qua mạng”.
Hồi tháng 1, Ủy ban cố vấn này đã công bố một bản báo cáo công khai nói rằng, Lầu Năm góc đã không có sự chuẩn bị để chống lại một cuộc xung đột toàn diện trên thế giới ảo.
Một vài vũ khí có tên trong danh sách hiện đang là xương sống của hệ thống phòng thủ tên lửa của Lầu Năm Góc ở khu vực châu Á, châu Âu, và vùng Vịnh Ả-rập. Đó là các thiết kế của hệ thống tên lửa Patriot tiên tiến, hay còn gọi là PAC-3; hệ thống bắn hạ tên lửa đạn đạo có tên là THAAD và hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis của Hải quân Mỹ.
Cũng được liệt kê trong bản báo cáo còn có các loại tàu chiến và máy bay chiến đấu quan trọng của Mỹ như máy bay phản lực F/A-18, V-22 Osprey, máy bay lên thẳng Black Hawk và loại tàu chiến Littoral mới của Mỹ, được thiết kế để tuần tra ở các vùng duyên hải. Thậm chí, trong danh sách này còn có cả loại vũ khí tiến tiến nhất của Mỹ là máy bay F-35 Joint Strike Fighter.
Trung Quốc, hiện đang theo đuổi một chiến lược dài hạn toàn diện nhằm hiện đại hóa quân đội của họ, đang tìm mọi cách để xóa bỏ lợi thế về quân sự của Mỹ. Và trong một bản báo cáo về Trung Quốc mà Lầu Năm góc gửi tới Quốc hội Mỹ tháng này đã đánh giá, việc do thám qua mạng được Trung Quốc xem là một công cụ quan trọng phục vụ nỗ lực này. Lần đầu tiên, Lầu Năm Góc đã chỉ đích danh Chính phủ và quân đội Trung Quốc đứng sau những vụ xâm nhập vào các hệ thống máy tính của chính phủ và các hệ thống khác của Mỹ.
Khi mối đe dọa từ những vụ gián điệp qua mạng của Trung Quốc đang gia tăng, chính phủ Mỹ đã công khai nhiều hơn mối lo ngại của họ. Trong một bài phát biểu hồi tháng 3, Thomas Donilon, một Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Obama, đã thúc giục Trung Quốc kiểm soát các hoạt động trên mạng của họ. Còn trong các lời chỉ trích công khai của mình, Chính phủ Mỹ thường tránh nêu ra những mục tiêu cụ thể của các vụ xâm nhập.
Nhưng các quan chức Mỹ cho biết, một vài thí dụ đã đưa ra một cách riêng tư với đại diện cao cấp của chính phủ Trung Quốc trong một cuộc họp kéo dài 4 giờ đồng hồ, được tổ chức một năm trước đây. Các quan chức giấu tên này cho biết, quan chức ngoại giao và quốc phòng cao cấp của Mỹ đã trình bày với phía Trung Quốc các chứng cứ chi tiết của các vụ xâm nhập lớn vào các công ty Mỹ, bao gồm cả các nhà thầu quốc phòng.
Ngoài ra, một bản Đánh giá Tình báo Quốc gia tuyệt mật mới được công bố gần đây về gián điệp kinh tế qua mạng đã kết luận rằng, Trung Quốc là quốc gia tích cực nhất trong việc đánh cắp các quyền sở hữu trí tuệ từ các công ty Mỹ.
Còn Chính phủ Trung Quốc thì khẳng định rằng, họ không thực hiện việc do thám qua mạng đối với các công ty và cơ quan thuộc Chính phủ Mỹ. Người phát ngôn của Chính phủ Trung Quốc thường phàn nàn rằng, Bắc Kinh mới là nạn nhân của các vụ tấn công qua mạng của Mỹ.
Ông Obama dự kiến sẽ đề cập tới vấn đề này khi ông gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng tới tại California.
Một người phát ngôn của Lầu Năm Góc từ chối nói về danh sách từ bản báo cáo của Ủy ban Khoa học Quốc phòng. Nhưng qua một bức thư điện tử, ông này viết: “Bộ Quốc phòng đang ngày một lo ngại về mối đe dọa toàn cầu tới an ninh kinh tế và an ninh quốc gia từ các vụ xâm nhập qua mạng kéo dài nhằm đánh cắp các quyền sở hữu trí tuệ, các bí mật thương mại và các dữ liệu thương mại, từ đó đe dọa tới khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Mỹ như các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng”.
Danh sách tuyệt mật các công nghệ và thiết kế hệ thống vũ khí bị xâm nhập đã thể hiện cái nhìn rõ ràng nhất tới các mục tiêu mà Trung Quốc bị nghi ngờ là đang nhắm tới. Khi các chuyên gia quốc phòng độc lập đọc được danh sách này, họ nói rằng họ đã bị “sốc bởi quy mô của vụ do thám và nguy cơ các hệ thống quốc phòng Mỹ bị xâm nhập”.
Ông Mark Stokes, Giám đốc điều hành của Viện Dự án 2049, một cơ quan nghiên cứu các vấn đề về an ninh châu Á, nói: “Đây là những hệ thống vũ khí cực kỳ trọng yếu đối với an ninh quốc gia của chúng ta. Tôi thực sự sửng sốt khi được nghe về danh sách này”.
Các chuyên gia nói rằng những tin tặc đã tạo ra ba vấn đề lớn. Đầu tiên, việc tiếp cận các thiết kế tiên tiến của Mỹ đã mang lại cho Trung Quốc khả năng hành động tức thời có thể được áp dụng trong một cuộc xung đột. Thứ hai, nó giúp Trung Quốc sớm có được công nghệ quân sự tiên tiến và tiết kiệm được hàng tỷ USD chi phí nghiên cứu phát triển. Và thứ ba, các thiết kế của Mỹ có thể được dùng để làm lợi cho ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc. Từ lâu nay, đã xuất hiện những nghi vấn cho rằng, việc Trung Quốc đánh cắp được thiết kế của các máy bay F-35 đã giúp Bắc Kinh tiết kiệm được rất nhiều thời gian trong việc phát triển một phiên bản máy bay tàng hình của riêng họ.
Ông James A. Lewis, một chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, nói: “Bạn đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể năng lực quân sự Trung Quốc thông qua việc họ sẵn lòng chi tiền, việc mua lại các vũ khí tiên tiến của Nga và từ chiến dịch do thám qua mạng của họ. Mười năm trước, tôi thường gọi PLA là bảo tàng quân sự ngoài trời lớn nhất thế giới. Giờ đây tôi không thể nói như thế được nữa”.
Phiên bản công khai của bản báo cáo đã lưu ý rằng các vụ gián điệp qua mạng và phá hoại qua mạng có thể mang lại “những hậu quả nghiêm trọng tới những lực lượng đang tham chiến của Mỹ”. Những hậu quả đó có thể bao gồm những liên kết thông tin quan trọng đối với hoạt động của quân đội Mỹ bị cắt đứt. Việc mất dữ liệu có thể làm sai lệch các chiến dịch của Mỹ. Các vũ khí có thể sẽ không hoạt động đúng dự kiến. Các máy bay, vệ tinh hay máy bay không người lái có thể bị rơi.
Nói một cách khác, “nếu họ hiểu rõ hơn về thiết kế của THAAD hoặc thiết kế của PAC-3, họ sẽ có thể làm cho các tên lửa đạn đạo của họ tăng khả năng vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa của các đồng minh của chúng ta”, ông Stokes giải thích..
Còn ông Winslow T. Wheeler, Giám đốc Dự án Cải cách Quân sự Straus thuộc Dự án Giám sát Chính phủ, cũng đưa ra quan điểm tương tự: “Nếu họ xâm nhập được vào các hệ thống chiến đấu, nó sẽ cho phép họ hiểu được nó để có thể gây nhiễu nó hoặc thậm chí vô hiệu hóa nó. Nếu họ có được các thuật toán cơ bản của tên lửa và cách chúng vận hành, ai đó tốt nhất là lấy ra một tờ giấy trắng và bắt đầu thiết kế lại tất cả mọi thứ”.
Bản danh sách không miêu tả quy mô hoặc thời gian của các vụ xâm nhập. Nó cũng không cho biết liệu chúng đã bị đánh cắp từ các mạng máy tính của chính phủ Mỹ, các nhà thầu hay nhà thầu phụ hay chưa.
Các quan chức Mỹ nói rằng Lầu Năm Góc rất lo lắng bởi quy mô của các vụ xâm nhập từ các nhà thầu quân sự, những công ty vẫn thường xuyên xử lý các dữ liệu mật nhạy cảm. Những quan chức cao cấp này bao gồm Tướng Martin Dempsey, Tổng Tham mưu trưởng, và Đô đốc James A. Winnefeld Jr, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Mỹ cũng như Tướng Keith Alexander, Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ.
Một quan chức quân sự cao cấp nói: “Trong rất nhiều trường hợp, họ không biết họ đã bị xâm nhập cho tới khi FBI thông báo cho họ biết. Chúng đã tiết kiệm được cho chính phủ Trung Quốc hàng tỷ USD cũng như rút ngắn được 25 năm nghiên cứu và phát triển”.
Với nỗ lực ngăn chặn các vụ xâm nhập, Lầu Năm Góc đã triển khai một chương trình thử nghiệm kéo dài hai năm để giúp ngành công nghiệp quốc phòng củng cố khả năng bảo vệ các máy tính của họ, cho phép các công ty sử dụng các dữ liệu tuyệt mật về các mối đe dọa từ Cơ quan An ninh Quốc gia để bảo vệ mạng máy tính của họ chống lại các phần mềm phá hoại. Người Trung Quốc đã bắt đầu nhắm tới các nhà thầu phụ, và giờ đây chính phủ đang mở rộng việc chia sẻ dữ liệu về các mối đe dọa tới nhiều nhà thầu quốc phòng và các ngành công nghiệp khác hơn.
Năm ngoái, một nỗ lực tìm cách thay đổi các quy tắc đấu thầu quốc phòng, theo đó buộc các công ty phải bảo vệ mạng máy tính của họ nếu không muốn gặp phải nguy cơ bị mất các hợp đồng với Lầu Năm Góc đã bị ngừng trệ. Nhưng Đạo luật Cấp phép Quốc phòng 2013 có một điều khoản yêu cầu các nhà thầu quốc phòng nắm giữ giấy phép sử dụng thông tin mật phải báo cáo các vụ xâm nhập vào mạng máy tín của họ và cho phép các điều tra viên của chính phủ được quyền truy cập và phân tích các vụ xâm nhập.
Các hệ thống có tên trong danh sách của Ủy ban khoa học được chế tạo bởi hàng loạt các nhà thầu quốc phòng lớn, trong đó có Boeing, Lockheed Martin, Raytheon và Northrop Grumman. Không công ty nào trong số này trả lời câu hỏi về việc liệu hệ thống của họ có bị xâm nhập hay không.
Tuy nhiên, người phát ngôn của Northrop Grumman Randy Belote thừa nhận, công ty này “đã phát hiện một số lượng lớn các nỗ lực tìm cách xâm nhập vào mạng máy tính của họ” và nói rằng công ty này rất “cảnh giác” trong việc bảo vệ mạng máy tính.
Còn một quan chức của Lockheed Martin khẳng định rằng họ “đang bỏ ra nhiều thời gian hơn để đối phó với với các vụ tấn công vào chuỗi cung ứng” của các đối tác, nhà thầu phụ và nhà cung cấp hơn là đối phó với những vụ tấn công trực tiếp vào công ty. Ông nói: “Giờ đây, hệ thống bảo vệ của chúng tôi đủ mạnh để ngăn chặn các vụ tấn công, và hầu hết những kẻ tấn công đều biết điều đó, bởi vậy chúng quay sang các nhà cung cấp. Tất nhiên là chúng luôn tìm cách đưa ra những phương thức tấn công mới”.
Bản báo cáo của Ủy ban Khoa học Quốc phòng cũng liệt kê một loạt các công nghệ đã bị xâm nhập, thí dụ như hệ thống video trên các máy bay không người lái, công nghệ nano, hệ thống chiến đấu điện tử và liên kết dữ liệu chiến thuật, tất cả những lĩnh vực mà Lầu Năm góc và quân đội Trung Quốc đang đầu tư nghiên cứu mạnh mẽ.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.