Quốc tế lo ngại chiến sự vượt tầm kiểm soát ở Đông Ghouta (Syria)
Cộng đồng quốc tế đang tỏ ra hết sức quan ngại trước tình hình bạo lực leo thang nghiêm trọng tại khu vực Đông Ghouta, Syria.
Theo số liệu mới cập nhật của Liên Hợp Quốc, có tới 346 dân thường thiệt mạng, 878 người bị thương tại khu vực chiến sự kể trên kể từ ngày 4/2 vừa qua, mà hầu hết họ đều là nạn nhân trong các cuộc không kích ác liệt nhắm vào các khu vực đông dân cư.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres bày tỏ lo ngại khi gần 400.000 người tại Đông Ghouta đang trong cảnh “địa ngục trần gian” và trở thành “mục tiêu của các cuộc không kích, pháo kích và oanh tạc”.
Trước bối cảnh người dân ở Đông Ghouta đang phải sống trong điều kiện hết sức ngặt nghèo, ông Guterres hối thúc tất cả các bên tôn trọng những nguyên tắc cơ bản của luật nhân đạo, bao gồm cả việc bảo vệ thường dân.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc cũng một lần nữa nhắc lại rằng, Đông Ghouta đã được Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí coi là một khu vực giảm leo thang, vì vậy ông đề nghị tất cả các bên thực hiện đầy đủ cam kết về vấn đề này.
Ngoài việc thông báo các cuộc đàm phán đang được xúc tiến tại Hội đồng Bảo an về dự thảo nghị quyết vạch ra một lệnh ngừng bắn 30 ngày, cho phép cung ứng khẩn các khoản trợ cấp nhân đạo và sơ tán y tế, ông Guterres cũng cho biết thêm: “Tôi biết rằng các cuộc thảo luận rất quan trọng đang diễn ra tại hội đồng này nhằm mục đích chấm dứt chiến sự trong vòng một tháng tại Syria với một số điều kiện đặt ra. Dĩ nhiên là tôi hoàn toàn ủng hộ nỗ lực đó. Nhưng tôi tin rằng Đông Ghouta không thể chờ đợi thêm được nữa.
Tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan cần ngay lập tức dừng hoạt động chiến sự tại đây, cho phép tiếp cận với những người đang rất cần được viện trợ nhân đạo hay sơ tán khoảng 700 người đang cần được điều trị y tế khẩn cấp. Một bi kịch đang mở ra trước mắt chúng ta, tôi không nghĩ chúng ta lại để mọi thứ xảy ra theo cách tồi tệ này”.
Liên Hợp Quốc gần đây liên tục lên án các cuộc tấn công vào Đông Ghouta, bao gồm các mục tiêu là bệnh viện và cơ sở hạ tầng dân sự, là ‘không thể chấp nhận được’, đồng thời cảnh báo các cuộc không kích có thể bị xem là “tội ác chiến tranh” và rằng tình hình tại Đông Ghouta đang vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia ngày 21/2 nhấn mạnh, Nga muốn Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhóm họp công khai trong ngày hôm nay (22/2) để thảo luận về tình hình Đông Ghouta, nơi lực lượng ủng hộ chính phủ đang “dội bom” khu vực bị quân nổi dậy bao vây gần Damascus.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng vừa lên án tình trạng bạo lực tại Đông Ghouta, đồng thời kêu gọi một lệnh ngừng bắn nhân đạo: “Lý do Pháp yêu cầu ngừng bắn ở Đông Ghouta là để đảm bảo cho việc sơ tán dân thường vốn rất cần thiết, để duy trì và đúng hơn là tạo điều kiện cho viện trợ nhân đạo càng nhanh càng tốt. Do đó, chúng tôi yêu cầu ngay lập tức thông qua nghị quyết của Liên Hợp Quốc về phương diện này”.
Trong khi đó, Uỷ ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) kêu gọi việc tiếp cận nhân đạo đối với khu vực Đông Ghouta của Syria, đặc biệt là tiếp cận với những người bị thương đang cần được điều trị khẩn cấp.
Người phát ngôn của Ủy ban này, bà IOLANDA JAQUEMET cho biết: “Nhiều người đang chết dần chỉ vì không được tiếp cận đầy đủ với việc chăm sóc sức khỏe cũng như điều trị y tế, đặc biệt là những người đang bị thương nặng. Đây là tình huống khẩn cấp với các tổ chức nhân đạo như chúng ta, để có thể cứu thêm nhiều mạng sống, ngay thời điểm này, ngay bây giờ chứ không phải là ngày mai”.
Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), chỉ tính riêng ngày hôm qua (21/2), ít nhất 45 người đã thiệt mạng tại thị trấn Kafr Batna và hơn 250 người bị thương ở Đông Ghouta.
Cũng theo tổ chức này, ít nhất 310 người thiệt mạng tại Đông Ghouta kể từ đêm 18/02 , trong khi cũng có hơn 1.550 người bị thương. Còn theo thông tin đã được Tổ chức Các bác sĩ không biên giới xác nhận, tổng cộng 13 bệnh viện tại khu vực này bị tàn phá nghiêm trọng trong 3 ngày qua.
Căng thẳng chiến sự bùng phát tại Đông Ghouta diễn ra giữa lúc tình hình hiện tại tại Syria theo nhận định của giới phân tích là “chưa từng có” trong bối cảnh cuộc nội chiến diễn ra tại quốc gia đầy bất ổn này sắp tròn 7 năm vào tháng 3 tới, tước đi hàng trăm nghìn sinh mạng và khiến 5 triệu người phải bỏ chạy khỏi đất nước.
Syria trước đây chưa bao giờ lâm vào tình cảnh rối ren như hiện nay khi quân đội nhiều quốc gia cùng hiện diện trên lãnh thổ trong lúc nội bộ nước này chia rẽ nặng nề với nhiều phe phái. Một kịch bản dễ dàng nhìn thấy trước đó là thế trận tranh giành ảnh hưởng của các bên ở Syria sau khi IS bị đánh bại.
Chiến trường Syria “chia năm sẻ bảy” vì sự can dự của quá nhiều bên khiến giới chuyên gia cảnh báo sẽ càng khiến tình hình chiến sự tại đây trở nên phức tạp hơn với những nguy cơ khó lường.
Cũng không thể loại trừ khả năng Syria sẽ trở thành mồi lửa thổi bùng lên “thùng thuốc súng” Trung Đông, lâu nay vốn tiềm ẩn rất nhiều mâu thuẫn giữa các lực lượng và phe phái đối địch.
Giống như nhận định của giới truyền thông rằng Syria đang trong tâm điểm của một cuộc xung đột địa chính trị phức tạp và rộng lớn, khó có thể giải quyết bằng vũ lực.
Rõ ràng, vào thời điểm hiện tại, bất kỳ tính toán sai lầm của một trong các bên đều có thể khiến Syria- đất nước vốn bị tàn phá nặng nề bởi chiến sự sẽ lại càng lún sâu hơn vào vòng xoáy bất ổn không dễ gì tìm được lối thoát.
Nguồn VOV
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.