Đầu Xuân đến Tiền Giang thăm di tích Gò Thành
Di tích Gò Thành (thuộc ấp Tân Thành, xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) là một khu di tích đặc biệt vì còn lưu giữ khá nguyên vẹn và phong phú về nhiều loại hình di chỉ như di chỉ cư trú; kiến trúc; mộ táng…
Đầu năm mới 2018, dù trời nắng nóng như đổ lửa nhưng biết chúng tôi đang tìm đường vào khu di tích văn hóa cấp Quốc gia mang tên Gò Thành, em Nguyễn Thị Kim Hoa, học sinh lớp 6 hăng hái dẫn đường và cho biết: “Đây là niềm tự hào của người dân bởi đây là một di tích rất lạ thường, quý hiếm. Vì vậy chúng em có trách nhiệm hướng dẫn du khách đến tham quan…”.
Muốn đến di tích Gò Thành có nhiều con đường thuận tiện như đi từ hướng thị xã Gò Công; hướng TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang); hướng từ tỉnh Long An.
Cổng vào khu di tích
Về nguồn gốc hai từ “Gò Thành”, có nhiều giả thiết khác nhau nhưng người dân tại đây đều thống nhất cho rằng do trước đây khi khai quật di tích nầy, người ta đã tìm thấy trên gò đất có nhiều gạch biểu hiện vết tích của một cổ thành xưa nên đặt tên là Gò Thành.
Năm 1979, qua một số thông tin đáng tin cậy của các nhà khoa học, Bảo tàng tỉnh Tiền Giang đến đây khảo sát, đến tháng 7/1987, một cuộc điều tra khảo cổ học mới chính thức được tiến hành và đã đi đến kết luận: Di tích khảo cổ Gò Thành thuộc nền văn hoá Óc Eo. Trong 3 năm từ 1988 đến 1990, các nhà khoa học đã tiến hành khai quật 3 lần tại di tích này. Kết luận cho thấy: Khu di tích Gò Thành có niên đại từ thế kỷ IV đến thế kỷ VIII sau Công nguyên.
Đây là một khu di tích đặc biệt vì còn lưu giữ khá nguyên vẹn và phong phú về nhiều loại hình di chỉ như di chỉ cư trú; kiến trúc; mộ táng… Đặc biệt nhất phải kể đến là di chỉ kiến trúc với nhiều đền tháp ở cạnh nhau có quy mô khác nhau, rất hoành tráng.
Ngoài ra, còn đặc biệt vì các hiện vật nơi đây rất đa dạng, biểu thị cho nền văn minh của một quốc gia cổ khi đó có tên là Vương quốc Phù Nam, không chỉ có ở phía Đông và Tây Nam Bộ của Việt Nam mà trải dài đến cả miền đông Campuchia và một phần duyên hải Thái Lan.
Một số hiện vật đang trưng bày
Ông Trần Văn Sáng, ngụ ấp Tân Thành kể lại: “Trước khi khai quật, khu này là một sân banh. Sau một trận mưa lớn, nhiều người dân đã nhặt được những mảnh vàng nhỏ và mỏng, những mảnh gốm màu hoặc không có màu, một vài mảnh tượng vỡ và khá nhiều viên đá cuội…”.
Sau khi chính thức khai quật ở độ sâu khoảng 1,5 đến 3 mét, các nhà khoa học phát hiện có nhiều gốm cổ bị vỡ; nhiều vòi bình; nhiều di cốt trâu bò, heo và xương cá; nhiều dấu vết tro, than, vỏ trái cây, lá dừa nước; cọc gỗ có dấu vết gia công. Ở trung tâm gò cao là những đền tháp bằng gạch được xây dựng cạnh nhau, hiện chỉ còn phần nền. Chính giữa các đền tháp là những hố thờ dạng giếng hình vuông với nhiều kiểu dáng khác nhau. Nền tháp được xây dựng kiên cố với những lớp gạch có kích thước đa dạng.
Các nhà khảo cổ đã phát hiện 271 di vật bằng vàng, đồng đá, đất nung mang nét đặc trưng cơ bản của nến văn hóa Óc Eo. Năm 1994, Bộ Văn hoá – Thông tin đã công nhận di tích khảo cổ Gò Thành là “Di tích lịch sử văn hoá Quốc gia”.
Hôm chúng tôi đến tham quan, các hiện vật đang được bảo quản chu đáo tại nhà trưng bày. Toàn bộ khu di tích Gò Thành đã được trùng tu, tôn tạo, có tường rào bao quanh, cổng chính được thiết kế theo những hoạ tiết, hoa văn thuộc nền văn hóa Óc Eo rất độc đáo, có một nhà bao che một số đền tháp quan trọng, một nhà trưng bày hiện vật của di tích và một đình thần trong khuôn viên rộng lớn, khang trang.
Thú vị, uy nghiêm, linh thiêng là những gì mà du khách sẽ cảm nhận được khi có dịp đặt chân đến khu di tích còn ẩn chứa nhiều điều bí ẩn, lạ thường này.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.