Hôm nay, Quốc hội bàn về sửa đổi Hiến pháp 1992
|
Hôm nay thứ 2 ngày 3/6, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII bước vào tuần làm việc thứ 3.
2 ngày đầu tiên trong tuần là 3 và 4/6 được dành để các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và được Đài Tiếng nói Việt Nam tường thuật trực tiếp.
Trước khi thảo luận ở Hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ngày 27/5, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về dự thảo này.
Trong các buổi thảo luận ở tổ, đa số các đại biểu Quốc hội tập trung đóng góp ý kiến về Điều 4 nhấn mạnh vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam, tên nước, những quy định đối với các thành phần kinh tế, phân chia địa giới hành chính…
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ngày 2/1/2013, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến nhân dân. Các cơ quan, tổ chức, địa phương đã tổ chức triển khai việc lấy ý kiến nhân dân một cách khẩn trương, đồng bộ, dân chủ, rộng khắp và đúng tiến độ.
Theo Ủy ban Dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992, việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2013, đã thu hút và nhận được sự quan tâm sâu sắc, đồng tình ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Một nội dung của Dự thảo nhận được nhiều ý kiến góp ý của nhân dân là vấn đề sở hữu đất đai được quy định tại điều 57. Về vấn đề này Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nêu rõ: Quy định đất đai, các tài nguyên thiên nhiên, các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý… thuộc sở hữu toàn dân là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã được xác định từ năm 1980 đến nay.
Vấn đề sở hữu đất đai không chỉ là kinh tế mà còn là vấn đề chính trị, xã hội. Để làm rõ hơn nội dung này, Dự thảo đã xác định đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Vì vậy đề nghị giữ nguyên cách dùng khái niệm sở hữu toàn dân và không quy định đa sở hữu về đất đai.
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được phổ biến, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và được tổ chức góp ý bằng nhiều hình thức thích hợp và đã được chuyển đến từng hộ gia đình, đến công nhân, học sinh, sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng, đến các tổ viên, hội viên của các tổ chức đoàn thể xã hội. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cũng đã được gửi xin ý kiến các đồng chí nguyên lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước.
Hoạt động lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã thực sự là đợt sinh hoạt chính trị – pháp lý dân chủ, sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân và cả hệ thống chính trị. Việc lấy ý kiến nhân dân không chỉ huy động được sự tham gia tích cực của nhân dân ở trong nước và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài để góp ý, hoàn thiện Dự thảo mà còn phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc xây dựng Dự thảo Hiến pháp, cũng như thực thi Hiến pháp sau này.
Với sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, theo báo cáo của các cơ quan, tổ chức hữu quan, tính đến nay, đã có hơn 26 triệu lượt ý kiến góp ý của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, với hơn 28.000 hội nghị, hội thảo, tọa đàm được tổ chức.
Cũng trong tuần làm việc thứ 3 này, các đại biểu quốc hội còn thảo luận và cho ý kiến về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa 13 và năm 2013 của Quốc hội.
Nghe tờ trình; báo cáo thẩm tra và thảo luận góp ý cho nhiều dự án Luật quan trọng khác như: Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi); Luật đấu thầu (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật doanh nghiệp; Luật việc làm; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú và dự thảo Luật Phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai. Nghe Báo cáo và thảo luận về kết quả giám sát việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006-2012./.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.