Y đức của người thầy thuốc và hạnh phúc của bệnh nhân
(THTG) Vấn đề y đức ngày càng được đặt ra một cách bức thiết hơn trong đời sống xã hội hiện nay. Ngành Y tế là ngành đặc thù, liên quan trực tiếp đến sức khoẻ và sinh mạng con người, có các đặc điểm hoàn toàn khác với các ngành nghề khác. Mỗi sinh viên y khoa trước khi ra trường đều phải đọc và nguyện làm theo lời thề Hippocrates.Y đức được nhìn nhận như thế nào dưới góc độ của người trực tiếp chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân và của người nhận sự chăm sóc điều trị từ ngành y.
ThS Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang thăm hỏi bệnh nhân( bên trái ảnh)
Y đức là đạo đức trong ngành y. Bất cứ ngành nghề nào cũng cần có đạo đức nghề nghiệp. Riêng đối với đặc thù của ngành y, y đức đóng vai trò quan trọng hàng đầu, nó đòi hỏi những tiêu chuẩn khắc khe về đạo đức. Người thầy thuốc phải có tâm, phải hết lòng hy sinh vì cộng đồng.
Các thế hệ thầy thuốc đi trước là tấm gương sáng về y đức, họ đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp y học nước nhà. Thế hệ thầy thuốc ngày nay phải làm gì đó để xứng đáng với thế hệ thầy thuốc đi trước, xứng đáng với sự tôn trọng của mọi người và tôn vinh của xã hội.
Để giữ gìn y đức của người thầy thuốc hiện nay, ThS Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang cho biết: “Để giữ gìn y đức của người thầy thuốc, hiện nay bác sĩ cần thực hiện những điều sau: Đối với bệnh nhân, phải tân tình, dành cả tâm và trí để chăm sóc bệnh nhân thân yêu, không phân biệt đối xử, không vụ lợi; Đối với đồng nghiệp phải biết đoàn kết, hợp tác chân thành, luôn luôn sẵn sàng trao đổi, chia sẻ và học hỏi lẫn nhau; Đối với nghề nghiệp, phải luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, luôn học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cán bộ, công nhân viên ngành y tế luôn luôn phải tu dưỡng, rèn luyện về y đức; phải luôn luôn học tập để nâng cao trình độ chuyên môn. Người bác sĩ có y đức sẽ không dễ dàng bị cám dỗ bởi đồng tiền. Người bác sĩ có y đức rất xứng đáng với lòng mong ước của Bác Hồ là “Lương y như từ mẫu”.
Cảm kích trước sự chăm sóc bằng tình thương và trách nhiệm của tập thể bác sĩ, điều dưỡng tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh Tiền Giang, Bà Kim Anh, ngụ phường 4, TP. Mỹ Tho chăm sóc chồng đang điều trị tại khoa Nội A, bộc bạch:
Bà Kim Anh và chồng cảm kích trước sự chăm sóc bằng tình thương và trách nhiệm của tập thể bác sĩ, điều dưỡng Khoa Nội A
“Bác sĩ và nhân viên làm tôi yên tâm lắm! Chồng tôi mắc nhiều chứng bệnh lắm, thường xuyên ra vào bệnh viện điều trị. Lần nào vô bệnh viện cũng được bác sĩ phục vụ tận tâm, tận tình lắm.
Gần đây, hôm 27 Tết, chồng tôi bị ngất ở nhà và được đưa vô bệnh viện cấp cứu, sau đó đưa về khoa Nội A nằm điều trị với tiên lượng rất xấu. Nhưng tại khoa, bác sĩ và điều dưỡng chu đáo, tận tình lắm. Bác sĩ và điều dưỡng cứ thay nhau túc trực canh chừng để xứ lý khi bệnh diễn biến. Trong suốt mấy ngày Tết, các bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân kỹ lưỡng, không bỏ bữa nào.
Không chỉ trị bệnh, bác sĩ còn động viên tôi, hướng dẫn tôi cách chăm sóc người bệnh kỹ lưỡng từng li, từng tí. Chính thái độ vui vẻ, tận tình của bác sĩ, điều dưỡng làm tôi và gia đình yên tâm, chồng tôi cũng yên tâm điều trị. Không chỉ chăm sóc, điều trị bệnh nhân bằng chuyên môn mà bác sĩ, điều dưỡng còn đối đãi với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân bằng cái tâm và cái tình nữa. Đó mới là điều quý.
Chồng tôi từ chỗ tiên lượng xấu, nay đã có thể tự ngồi dậy và tự ăn cơm. Với gia đình tôi, đó là một kỳ tích do cái tâm và cái tình của y bác sĩ khoa Nội A đem lại.”
Bước vào thời kỳ mới, ngành Y tế nước ta có nhiều điều kiện phát triển, đội ngũ cán bộ y tế có nhiều tiến bộ và cống hiến to lớn, nhưng cũng đứng trước những thách thức mới, trong đó có sự xuống cấp về y đức. Mặc dù ngành Y tế đã có những chủ trương, biện pháp với quyết tâm củng cố và nâng cao y đức để xây dựng và phát triển ngành, nhưng đây đó vẫn còn những trường hợp những biểu hiện tiêu cực vi phạm về y đức, tuy chỉ là “con sâu làm sầu nồi canh”, nhưng nó đã làm vẫn đục sự thanh cao của nghề y, làm đau lòng, tổn thương những người cống hiến cả đời cho nghề y. Những biểu hiện tiêu cực có thể thấy như bác sĩ nhận tiền “hoa hồng” của trình dược viên, lôi cuốn bệnh nhân về phòng mạch tư, đối xử không công bằng gây phiền hà cho bệnh nhân…
Lý do tiêu cực đó có thể là do thu nhập từ lương thấp, chế độ đãi ngộ chưa phù hợp với đặc thù của ngành, thời gian học tập dài và trách hiệm cao, bệnh nhân quá tải, sự không đồng đều giữa các bác sĩ nên bệnh nhân chọn lựa những bác sĩ giỏi để khám và điều trị cho mình và người nhà của mình, từ đó dễ dàng phát sinh những tiêu cực… Tuy nhiên những lý do đó không thể “lấn áp” sự kỳ vọng của hàng triệu bệnh nhân dành cho lực lượng bác sĩ và đặc biệt là những cán bộ ngành y đang ngày đêm cống hiến sức mình cho người bệnh.
Có thể nói, cùng với việc thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thì những quy định về y đức được dư luận trong và ngành cả nước ủng hộ. Những điều quy định đó đã giúp cho việc giáo dục, rèn luyện, cũng như cổ vũ phong trào thi đua phấn đấu trở thành những cán bộ, nhân viên y tế giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, trong sáng về đạo đức.
Bài và ảnh: Thanh Hoàng
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.