Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Tết Nguyên tiêu – Rằm tháng Giêng
Rằm tháng Giêng – Tết Nguyên Tiêu là ngày lễ lớn của người Việt, là ngày trăng tròn đầu tiên của năm mới.
Tết Nguyên Tiêu – Ngày trăng tròn đầu tiên của năm mới.
Về cội nguồn của Tết Nguyên Tiêu
“Nguyên” là thứ nhất, “tiêu” là đêm. Tết Nguyên Tiêu còn gọi là Tết Thượng Nguyên, bởi còn có Tết Trung Nguyên (rằm tháng bảy) và Tết Hạ Nguyên (rằm tháng mười).
Có truyền thuyết cho rằng, Tết Nguyên Tiêu bắt nguồn từ việc đồng áng. Vào dịp rằm tháng giêng, bà con nông dân khẩn trương chuẩn bị cho công việc đồng áng, nên tối ngày 15/1 âm lịch là thời điểm ra đồng ruộng tập trung cỏ khô, lá khô, châm lửa tiêu hủy sâu bọ. Một số ý kiến khác cho rằng Rằm tháng Giêng bắt nguồn từ hoạt động của Phật giáo. Vào ngày này, chư Tăng tập trung đông đủ để nghe Phật thuyết Pháp.
Bởi vậy, những người theo đạo Phật dùng ngày này để tưởng nhớ đến đức Phật. Rằm tháng Giêng tuy không phải là lễ quan trọng của Phật giáo so với rằm tháng Tư (Phật đản) và rằm tháng Bảy (Vu lan) nhưng trùng hợp với lễ Thượng Nguyên và Tết Nguyên Đán trong dân gian, đồng thời ngày này là rằm đầu tiên của năm mới, thời điểm thích hợp nhất để cầu nguyện an lành cho cả năm, nên thu hút sự tham gia đông đảo của giới Phật tử và toàn thể dân chúng.
Ý nghĩa của ngày Tết Nguyên Tiêu
Ngày rằm tháng Giêng còn được coi là ngày vía của đức phật A Di Đà, mà trong Phật giáo, đức phật A Di Đà là giáo chủ ở cõi Tây phương cực lạc. Là một vị Phật gắn với tương lai tốt đẹp, huy hoàng, không có khổ đau.
Phái Tịnh độ tông chủ trương khuyên quần chúng chú tâm tụng niệm danh hiệu Phật A Di Đà để khi chết đi được vãng sanh vào cõi Tây phương cực lạc của đức Phật này. Bởi thế nên cúng cả năm cũng không bằng rằm tháng giêng là như vậy.
Về điều này, website Thư viện gia đình phật tử có nói kỹ hơn như sau: Ngày rằm tháng Giêng ở Việt Nam ngày càng xa dần điển tích nguyên thủy và sinh hoạt của Trung Hoa mà hòa nhập vào sinh hoạt Phật Giáo.
Dù kinh điển Phật giáo không nói đến ngày rằm tháng Giêng nhưng trong đại đa số dân chúng (truyền thống Tam Giáo: Phật – Khổng – Lão) thì đây là dịp lên chùa lạy Phật, cúng sao giải hạn, ước nguyện điềm lành.
Còn với Phật tử thuần thành, ngày rằm đầu năm mới để lễ bái chư Phật, Bồ-tát, cúng dường Tăng Ni, phóng sanh, làm những việc phước thiện nhằm cầu nguyện cho gia đình, cho cộng đồng tha nhân, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, chúng sanh an lạc.
Thành ngữ “Lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng Giêng” đã nói lên tầm quan trọng của hội rằm tháng Giêng trong tâm thức người Việt và những dân tộc Á Đông nói chung.
P.H (tổng hợp)
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.