Bài phát biểu của Thủ tướng tại Shangri-La gây ấn tượng

      Ông David Camroux cho rằng bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Shangri-La có ý nghĩa biểu tượng quan trọng.

Cuộc đối thoại Shangri-la và bài phát biểu của Thủ tướng Việt nam Nguyễn Tấn Dũng thu hút sự chú ý của nhiều chuyên gia nước ngoài, trong đó có các chuyên gia chiến lược của Pháp. PV Đài TNVN thường trú tại Pháp phỏng vấn ông David Camroux – chuyên gia nổi tiếng về Đông Nam Á, hiện là giảng viên trường Chính trị Paris (Sciences Po Paris), đồng thời giảng dạy ở các trường Đại học Keio (Tokyo), Yonsei (Seoul) và Malaya (Kuala Lumpur).

Ông từng là Giám đốc Trung tâm Âu – Á, tư vấn khoa học của Ủy ban châu Âu tại Việt Nam (2001-2004), Trung Quốc (2004-2008), Phó Tổng biên tập tờ Current Southeast, Asia Affairs (2009-nay).

Ông David Camroux – chuyên gia nổi tiếng về Đông Nam Á

PV: Thưa ông, đây là lần đầu tiên Thủ tướng Việt Nam được mời là người phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-la. Liệu đây có thể coi là một cột mốc quan trọng để thế giới và khu vực thấy rõ hơn quan điểm của Việt Nam trong các vấn đề an ninh?

Ông David Camroux: Ở đối thoại Shangri-la năm ngoái, người đọc diễn văn khai mạc, hay được coi là diễn giả chính, là Tổng thống Indonesia, Yudhoyono. Năm nay là Thủ tướng của Việt Nam. Đây là một chi tiết quan trọng mang tính biểu tượng bởi chúng ta đều biết Indonesia là nước lớn nhất trong khối ASEAN nên việc Thủ tướng Việt Nam, Nguyễn Tấn Dũng là diễn giả chính ở Shangri-la cho thấy Việt Nam, giống như Indonesia, được coi là một nước quan trọng trong khu vực Đông Nam Á. Thực tế cũng đúng như thế, vì rõ ràng là Việt Nam có một vị trí trung tâm trong các vấn đề địa chính trị của khu vực.

PV: Ông nhận định thế nào khi theo dõi bài diễn văn của Thủ tướng Việt Nam?

Ông David Camroux: Chúng ta có thể nhận thấy sự xen kẽ của những quan điểm trong chính sách đối ngoại của Việt Nam ở bài phát biểu này. Thứ nhất, đó là sự thể hiện chính sách đối ngoại truyền thống của Việt Nam là độc lập, tự chủ để phục vụ cho phát triển. Nhưng cũng có những điểm có thể coi là mới và mang ý nghĩa quan trọng hàng đầu, đó là việc lần đầu tiên quan hệ với Mỹ và các lợi ích của nước Mỹ được đề cập một cách trực tiếp trong bài diễn văn. Điểm quan trọng thứ hai, bài diễn văn cũng đề cập đến các chính sách của Trung Quốc.

PV: Trong bài diễn văn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nói đến tầm quan trọng của sự đoàn kết giữa các thành viên ASEAN. Liệu quan điểm này của Việt Nam cũng là cách nhìn được ủng hộ trong khối hiện nay?

Ông David Camroux: Tôi nhận thấy quan điểm của Việt Nam về việc phải tuân thủ luật pháp quốc tế là hướng đi đúng đắn. Nhưng trước hết thì các nước ASEAN phải ngồi lại với nhau để tìm được một thỏa thuận chung về việc theo đuổi luật pháp quốc tế trước khi tính đến việc xử lý các vấn đề khác với các nước khác ngoài khu vực. Nói cách khác là các động thái này phải tiến hành theo hai giai đoạn.

PV: Bài diễn văn này cũng đề cập rất trực tiếp đến trách nhiệm của các cường quốc Mỹ và Trung Quốc đối với an ninh khu vực. Ông nhận định thế nào trách nhiệm này của các cường quốc?

Ông David Camroux: Phải thừa nhận một thực tế, đó là Mỹ và Trung Quốc là hai nhân tố chủ chốt trong việc giải quyết các vấn đề ở khu vực. Việt Nam, cũng giống như nhiều nước khác ở Đông Nam Á, vì thế phải đứng trước thách thức cân bằng quan hệ với 2 cường quốc này.

PV: Sau cùng, ông đánh giá ra sao về vai trò của Đối thoại Shangri-la, nhất là lần đối thoại năm nay, trong bối cảnh có nhiều căng thẳng trong khu vực?

Ông David Camroux: Vai trò quan trọng nhất của Shangri-la là nó tạo ra một nơi gặp gỡ, đối thoại trực tiếp và tạo lòng tin giữa các nước liên quan về các chủ đề an ninh. Trong một khu vực mà cấu trúc địa chính trị còn nhiều bất ổn như Đông Nam Á thì Đối thoại Shangri-la là một kênh đối thoại an ninh quan trọng và thiết thực, bên cạnh Diễn đàn khu vực (ARF). Đối thoại Shangri-la, dù có thể không đủ, nhưng là hữu ích trong việc giải quyết các tranh chấp trong khu vực. ASEAN vẫn cần đến các thiết chế khác như “Quy tắc ứng xử” – COD trên biển Đông, như các điều luật của Tòa án công pháp quốc tế hay như Công ước của LHQ về Luật biển.

PV: Xin cảm ơn ông!./.