“Tăng lương giáo viên phải là chuyện đương nhiên, không bàn cãi“
Việc tăng lương giáo viên nên là yếu tố tiên quyết trong quá trình cải cách giáo dục. Song đến nay, đề xuất này của Bộ GD-ĐT lại đang bị phản đối.
Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thay mặt Chính phủ trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội mới đây, không có đề xuất tăng lương giáo viên và miễn học phí cấp THCS như trước đó đã đưa.
Trao đổi về vấn đề này, GS Đào Trọng Thi, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng việc tăng hạng lương giáo viên là cần thiết: “Tôi cho rằng, nếu thực hiện được chính sách này, sẽ là một bước tiến lớn của ngành giáo dục. Nội dung xếp lương giáo viên cao nhất trong bảng lương hành chính sự nghiệp không phải mới có trong Nghị quyết 29, mà đã có trên 20 năm. Lần đầu tiên nội dung này được nhắc đến trong Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII năm 1996. Suốt hơn 20 năm qua, Trung ương đã luôn kiên trì và nhất quán việc xếp lương giáo viên cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp. Bây giờ chính là thời điểm để thể chế hóa trong luật giáo dục nhằm đảm bảo sự ổn định cũng như tính pháp lý để cả nước quyết tâm thực hiện.
Đương nhiên, chúng ta có thể hiểu, Nghị quyết Trung ương chỉ là định hướng, có thể có những độ trễ về thời gian, nhưng vì nội dung này đã có hơn 20 năm, nên không thể nói là không có tính khả thi, bởi lẽ khi Trung ương thông qua nghị quyết cũng đã phải cân nhắc đến tính khả thi và hoàn cảnh thực tiễn rồi.
Chuyện thể chế hóa một nội dung trong Nghị quyết Trung ương là vấn đề không cần bàn cãi nữa. Quan trọng là cần xây dựng lộ trình để thực hiện tăng lương phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam hiện tại”.
Theo GS Đào Trọng Thi, giải thích của Bộ Nội vụ rằng nhà giáo hiện đang được hưởng các chế độ phụ cấp lương đối với viên chức trên cùng địa bàn làm việc và hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề mức cao nhất đến 70% và phụ cấp thâm niên nghề là sự ưu đãi đặc biệt của Nhà nước là không hoàn toàn hợp lý.
GS Thi chỉ rõ, đến nay, tất cả các ngành đều có phụ cấp thì đây không còn là ưu tiên riêng với ngành giáo dục. Hơn nữa, phụ cấp của giáo viên không mang tính ổn định, theo quy định, các khoản phụ cấp này không được dùng để đóng bảo hiểm xã hội, không có giá trị khi giáo viên về hưu. Ngoài ra, những khoản này, chỉ áp dụng với những giáo viên đứng lớp, trong trường hợp giáo viên không đủ thời gian đứng lớp, sẽ không được nhận. Không phải tất cả các giáo viên các cấp đều được hưởng mức trợ cấp cao nhất 70%, đơn cử như giảng viên đại học, mức trợ cấp chỉ đạt 25%.
“Trong văn bản, rõ ràng chúng ta đang đề cập tới việc xét lương cao nhất, chứ không nói xét phụ cấp hay thu nhập, do đó, các Bộ liên quan nói điều này là không thỏa đáng, không thuyết phục được”, GS Thi cho hay.
GS Đào Trọng Thi cho rằng việc Bộ Tài chính băn khoăn về nguồn lực tài chính là có cơ sở. “Song vấn đề này được đặt ra trong Nghị quyết Trung ương hơn 20 năm, đến nay vẫn chưa thực hiện được, vậy thì các cơ quan có nhiệm vụ chuẩn bị điều kiện thực hiện nghị quyết cũng phải có trách nhiệm xem lại trách nhiệm của mình”?
Theo GS Đào Trọng Thi, vấn đề này cần được đưa ra bàn thảo một cách cẩn trọng, Chính phủ nên trình ra Quốc hội để thảo luận lại một cách kỹ lưỡng, không nên gạt khỏi chương trình nghị sự.
Không tăng lương giáo viên thì đừng nghĩ tới cải cách giáo dục
Từng có nhiều năm nghiên cứu về giáo dục Việt Nam và Nhật Bản, từng là giáo viên THPT, giảng viên Đại học, nghiên cứu sinh tiến sĩ Nguyễn Quốc Vương, Đại học Kanazawa, Nhật Bản cho rằng, việc cải cách giáo dục nếu như không đảm bảo tiền lương cho giáo viên sẽ là bất khả thi.
“Nếu so sánh với nước Nhật thì chúng ra không thể khó khăn bằng họ sau năm 1945. Sau tháng 8/1945, Nhật Bản đã tiến hành cải cách giáo dục trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Các thành phố lớn bị phá hủy, hai thành phố lớn bị ném bom, hàng triệu người thất nghiệp, ngân sách trống rỗng và xảy ra tình trạng thiếu lương thực. Vô số trường học bị bom thiêu cháy. Trong hoàn cảnh đó, để có thể cải cách giáo dục, yêu cầu khẩn khiết là phải đảm bảo được lương giáo viên. Trong hoàn cảnh đó, Nhật Bản vẫn quyết tâm tiến hành cải cách giáo dục để phục hưng và bước lên vũ đài thế giới như hiện nay. Vậy nếu nói không có tiền để thực hiện việc tăng lương cho giáo viên, liệu Việt Nam có khó khăn như Nhật Bản những năm sau 1945”?
Ông Vương cho rằng, vấn đề cốt yếu là ở chỗ, những nguồn lực hiện tại được chi cho giáo dục như thế nào, có thực sự minh bạch, đúng chỗ, hay vẫn được dùng để chi cho những cái không trực tiếp liên quan đến giáo dục, gây thất thoát ngân sách?
Nguồn vov.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.