QH thảo luận Dự án Luật phòng, chống giảm nhẹ thiên tai tại hội trường; thảo luận tổ về Dự án Luật thực hành tiết kiệm sửa đổi và Dự án Luật Đấu thầu sửa đổi
(THTG) Sáng ngày 6/6, tại hội trường Bộ Quốc phòng, QH đã thảo luận về Dự án Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai. Đây là Dự án được trình tại kỳ họp thứ 4, QH khóa XIII
Các ý kiến thảo luận cơ bản tán thành với dự thảo Luật và cho rằng, dự thảo đã thể hiện rõ quan điểm, mục tiêu xây dựng luật là: tăng cường tính chủ động trong phòng, chống thiên tai, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra; chỉ rõ các nguồn lực, huy động, sử dụng các nguồn lực cho công tác phòng, chống thiên tai, xác định rõ trách nhiệm chủ đạo của Nhà nước, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong phòng, chống thiên tai.
Các đại biểu cũng tán thành việc đổi tên dự án Luật từ Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai thành Phòng, chống thiên tai – vừa ngắn gọn, bao quát được hết các hoạt động phòng, chống thiên tai, vừa thể hiện thái độ chủ động trong phòng, chống thiên tai, phản ánh và khái quát được những nét chung nhất về bản chất, nội hàm và mục đích của việc ban hành Luật.
Nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần quy định rõ về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo phòng, chống thiên tai. Hiện nay mới chỉ có Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão, có phạm vi hoạt động hẹp hơn so với cơ quan được đề cập trong dự thảo Luật. Bên cạnh đó, cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của các tổ chức xã hội trong công tác phòng, chống thiên tai. ĐB Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang) cho rằng, dự thảo Luật mới chỉ quy định tình nguyện viên tham gia hỗ trợ hoạt động phòng, chống thiên tai theo chỉ đạo của người chỉ huy có thẩm quyền là chưa đủ. Đại biểu đề nghị, cần quy định cụ thể các lực lượng tham gia phòng, chống thiên tai tại địa phương, nhất là lực lượng đoàn viên thanh niên, những người có sức khỏe ngay tại địa bàn xảy ra thiên tai.
Về quỹ phòng, chống thiên tai, có ý kiến cho rằng không nên giới hạn trách nhiệm đóng góp bắt buộc đối với tổ chức kinh tế, bởi trách nhiệm phòng, chống thiên tai thuộc về mọi tổ chức, cá nhân. Nhiều ý kiến cũng thống nhất đề nghị, nên bổ sung quy định về trách nhiệm tham vấn cộng đồng trong xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai.
Chiều ngày 6/6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về Dự án Luật đấu thầu (sửa đổi) và Dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).
Theo các ý liến Dự án Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí được sửa đổi lần này đã được hoàn thiện một bước, tiếp thu nhiều ý kiến, bổ sung một số nội dung mới; nhiều vấn đề đã được cụ thể hóa. Đa số ý kiến nhất trí về phạm vi điều chỉnh như Dự thảo Luật, theo đó Luật này tập trung điều chỉnh và làm nổi bật vấn đề thực hành tiết kiệm, chông lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính công.
Các đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định rõ nội dung thế nào là lãng phí, thế nào là kém hiệu quả. Cần quy định cụ thể các tiêu chí định mức, tiêu chuẩn, chế độ để Luật khi ban hành có tính khả thi cao.
Các ý kiến cho rằng Khâu tổ chức thực hiện của chúng ta không cụ thể, thiếu hiệu quả và cơ chế giám sát cũng không có. Cùng với đó, chúng ta không có các tiêu chí để đánh giá tiết kiệm như thế nào, lãng phí như thế nào và các chế tài đủ sức răn đe để xử lý.
Về quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức khi để xảy ra lãng phí, nhiều ý kiến cho rằng: Phổ biến nhất hiện nay là việc đưa ra các quyết định gây lãng phí, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Dự thảo Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa quy định rõ trách nhiệm và chế tài xử lý với người ra quyết định gây lãng phí. Đề nghị cần xây dựng những điều quy định liên quan đến trách nhiệm của người ban hành quyết định, ra quyết định mà dẫn tới việc gây lãng phí.
Góp ý cho Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp này đa số các đại biểu đồng tình với quan điểm sửa đổi luật nhằm làm đơn giản hơn quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, từ đó khuyến khích đấu thầu cạnh tranh, khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia đấu thầu và trúng thầu, thúc đẩy phát triển.
Về quy định chỉ định thầu, các đại biểu cho rằng không nên quy định mở rộng, việc chỉ định thầu chỉ nên áp dụng trong trường hợp bất khả kháng do thiên tai, dịch họa, sự cố cần khắc phục ngay. Nhiều đại biểu cũng cho rằng hiện chưa có biện pháp, chế tài xử phạt những hồ sơ mời thầu sai quy định, thậm chí có nhiều hồ sơ có những sai sót giống nhau. Nhiều công trình kéo dài thời gian, lãng phí lớn nhưng vẫn chưa có chế tài xử phạt đơn vị thi công và chủ thầu.
Ngày 7/6, Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Báo cáo và thảo luận về kết quả giám sát việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản (giai đoạn 2006-2012)./.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.