Đoàn ĐBQH TG: Đóng góp ý kiến dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Trong phiên họp ở Hội trường để thảo luận dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình Quốc hội khóa XIII cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, đại biểu Trương Thị Thu Trang đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang tham gia phát biểu ý kiến thảo luận về các nội dung như sau:
Thứ nhất, về cơ bản, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang thống nhất với nội dung Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Thứ hai, về những vấn đề chung:
Việc sửa đổi Hiến pháp lần này đã đáp ứng được sự mong đợi của nhân dân, góp phần giải quyết một cách sâu sắc, thấu đáo, đầy đủ các vấn đề về chính trị, kinh tế và xã hội đang đặt ra trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền, hội nhập và toàn cầu hóa.
Vấn đề quan trọng đặt ra để đảm bảo sự thành công của Hiến pháp chính là hiệu quả của các quy định được thực thi trong thực tiễn đời sống xã hội. Vì vậy, đề nghị Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Quốc hội và các cơ quan chức năng các cấp cần thể hiện rõ hơn quan điểm là tập trung sửa đổi những nội dung đã rõ về cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn và phải đảm bảo tính kế thừa về nội dung của những Hiến pháp trước đây, để việc sửa đổi Hiến pháp lần này có được những quy định cụ thể, tập trung, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và tất cả cơ quan chức năng các cấp có thể sử dụng trực tiếp các quy định của Hiến pháp, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân, phù hợp với sự phát triển của nước ta trong giai đoạn hội nhập và nhằm đạt được mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Đồng thời, cần xem xét bổ sung vào Lời nói đầu những nội dung cụ thể, rõ ràng nhằm khẳng định mạnh mẽ về diện tích, lãnh thổ – kể cả 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, đảm bảo vị trí pháp lý quan trọng để Việt Nam thực hiện các hoạt động bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia.
Thứ ba, về những vấn đề cụ thể:
* Ở Điều 1:
Về tên nước, thống nhất với ý kiến giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, đó là: giữ nguyên tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhằm tiếp tục khẳng định mục tiêu, con đường xây dựng và phát triển đất nước lên chủ nghĩa xã hội, bảo đảm tính ổn định, tránh việc phải thay đổi về Quốc huy, con dấu, Quốc hiệu trên các văn bản giấy tờ. Hơn nữa, tên gọi này đã được nhân dân Việt Nam lựa chọn và trải qua 37 năm đã trở nên quen thuộc với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.
* Ở Điều 4:
Nhìn vào thực tiễn đất nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc Việt Nam đã tiến những bước dài chưa từng có trong lịch sử, trở thành một quốc gia độc lập, tự do; phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa, có quan hệ quốc tế rộng mở, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Như vậy, về mặt lý luận và thực tiễn, chúng ta có đủ cơ sở khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, là Đảng lãnh đạo duy nhất đáp ứng được các yêu cầu bức thiết của nhân dân ta trong các giai đoạn cách mạng từ trước đến nay và cho cả mai sau, nên việc quy định thành nguyên tắc hiến định trong Hiến pháp là cần thiết.
* Ở Điều 6:
Về vấn đề nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng hình thức dân chủ đại diện: Kết luận Hội nghị Trung ương 5 (Khóa XI) khẳng định: “…Cần tiếp tục hoàn thiện hình thức dân chủ đại diện, bảo đảm nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân, các cơ quan khác của Nhà nước và cả hệ thống chính trị…”.
Tuy nhiên, dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 lại không đề cập đến việc thực hiện quyền dân chủ đại diện của nhân dân thông qua “cả hệ thống chính trị” mà chỉ đề cập đến việc “thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”, như thế đã bỏ đi một thiết chế rất quan trọng trong thể hiện quyền lực, quyền làm chủ của nhân dân. Đề nghị cần xem xét, bổ sung quy định này cho đầy đủ và đúng với tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa XI) của Đảng.
* Chương II về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân:
Nội dung dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã thể hiện rõ tầm quan trọng của vấn đề quyền con người, quyền công dân cũng như tầm quan trọng của việc hiến định các nghĩa vụ cơ bản của công dân. Việc khẳng định như thế thể hiện sự tôn trọng quyền con người là trên hết của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và khẳng định giá trị, vai trò quan trọng của quyền con người, quyền công dân và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp là tạo ra môi trường công bằng cho con người phát triển toàn diện.
Như vậy, với cách thức chế định này đã toát lên bản chất của Hiến pháp là làm rõ quyền con người và quyền công dân. Người dân được hưởng các quyền đó một cách mặc nhiên và trách nhiệm của Nhà nước là thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; đồng thời quy định rõ quyền công dân gắn liền chặt chẽ, tương xứng với nghĩa vụ công dân.
Tuy nhiên, với tình hình thực tiễn của đời sống xã hội hiện nay ở nước ta, một số quyền quan trọng cũng rất cần thiết được nêu như: Quyền của người cao tuổi, quyền của người khuyết tật… Vẫn biết rằng, một số quyền con người tuy không được chế định trong Hiến pháp nhưng có thể được quy định trong các văn bản pháp luật khác của Nhà nước. Nhưng nếu không có quy định rõ ràng trong Hiến pháp thì rất dễ gây hiểu lầm rằng, những quyền đã hiến định quan trọng hơn cần được ưu tiên thiết thực hơn so với các quyền không được hiến định. Do vậy, đề nghị Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần xem xét, bổ sung nhằm đảm bảo sự chặt chẽ về nội dung chế định và trong thực thi Hiến pháp.
* Điều 54:
Về nền kinh tế của Việt Nam, cần phải khẳng định rõ tính chất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Bởi lẽ, định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế sẽ tạo tiền đề cho việc khắc phục những hậu quả, khiếm khuyết của nền kinh tế thị trường cũng như những tác động tiêu cực trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế của nước ta.
Do đó, nội dung dự thảo Hiến pháp nêu “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo” là phù hợp, vì một mặt vừa khẳng định được bản chất, vừa thể hiện được động lực và mục tiêu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; mặt khác, bảo đảm sự hài hòa và cân bằng mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội, tức là thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
* Điều 58:
Nghiên cứu về quan điểm chỉ đạo và định hướng tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 BCH Trung ương Đảng Khóa XI đã nêu rõ: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt, nhưng không phải là quyền sở hữu”. Mặt khác, tại Điểm a, Khoản 2, Điều 173 Bộ Luật Dân sự hiện hành đã quy định rõ các quyền của người không phải là chủ sở hữu đối với tài sản, trong đó bao gồm quyền sử dụng đất.
Căn cứ các nội dung đã viện dẫn nêu trên, thì nội dung tại Khoản 2, Điều 58 của dự thảo về thu hồi đất quy định “…Quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ” là chưa phù hợp với các quy định hiện hành, dễ dẫn đến cách hiểu chưa chính xác, cho rằng quyền sử dụng đất là quyền tài sản cá nhân, khi đó sẽ làm cho việc giải quyết những vấn đề liên quan đến thu hồi đất, tranh chấp quyền sử dụng đất, nhất là liên quan đến việc thu hồi đất để phục vụ cho quốc phòng – an ninh, cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và của địa phương sẽ gặp phải những khó khăn nhất định.
Do vậy, đề nghị xem xét, bổ sung quy định lại cho phù hợp, cụ thể nội dung này đề nghị được thể hiện lại như sau: “…Giá trị quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ”.
* Điều 120:
Bảo vệ Hiến pháp là bảo đảm các quy định của Hiến pháp phải được thực hiện trong thực tế đời sống xã hội theo đúng tinh thần của nó. Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng với các quy định của Hiến pháp đều bị coi là vi hiến. Việc bảo vệ Hiến pháp phụ thuộc chính vào quá trình lập hiến và lập pháp Quốc hội. Vì vậy, để Hiến pháp không bị vi phạm cần phải chú trọng hiệu quả của quá trình xây dựng, sửa đổi bổ sung Hiến pháp và pháp luật; còn việc kiểm tra, rà soát, phát hiện văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp để sửa chữa hoặc đình chỉ là giải quyết phần ngọn của vấn đề.
Ở nước ta, thực tế vừa qua cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành cơ bản phù hợp với tính chất và đặc điểm mô hình tổ chức bộ máy của Nhà nước ta. Tuy nhiên, đánh giá chung một cách tổng thể thì cơ chế này chưa thực sự hiệu quả như mong muốn, nên cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành theo hướng tăng cường trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan khác của Nhà nước trong việc bảo vệ Hiến pháp; việc thành lập Hội đồng Hiến pháp là chưa cần thiết, vì sẽ làm chồng chéo nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan này . Do đó, chúng tôi thống nhất Phương án 1 của dự thảo sửa đổi Hiến pháp và kiến nghị Quốc hội xem xét “Không tổ chức Hội đồng Hiến pháp”.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.