Sáng tạo cũng phải có giới hạn!

          Hai sự kiện xảy ra ở 2 quốc gia khác nhau nhưng xem ra cũng có mối liên hệ trong suy nghĩ của nhiều người. Đó là lệnh cấm chiếu Moebius của Kim Ki Duk ở Hàn Quốc và lệnh cấm chiếu phim Bụi đời Chợ Lớn của Charlie Nguyễn ở Việt Nam.

Nổi tiếng thế giới bởi những tác phẩm điện ảnh đậm chất nghệ thuật, từng được tôn vinh giải Sư tử vàng tại Liên hoan Phim Venice 2012, được báo chí trong và ngoài nước ca ngợi hết lời nhưng mới đây, đạo diễn Kim Ki Duk “gây sốc” dư luận xứ kim chi khi bộ phim mới nhất của ông – Moebius bị cấm chiếu tại Hàn Quốc.


Phim Bụi đời Chợ Lớn bị cấm phổ biến vì nội dung quá bạo lực. (Ảnh do đoàn phim cung cấp)

Bộ phim bị Hội đồng thẩm định phim nước này cho rằng “có nội dung bạo lực, phi đạo đức, độc hại với khán giả trẻ”. Phim Moebius xây dựng câu chuyện táo bạo về bi kịch gia đình. Chưa cần biết bi kịch ấy đau đớn và chứa đựng những góc khuất về thân phận con người, xã hội hay để lại thông điệp nhân văn gì, chỉ chi tiết hé lộ phim có cảnh loạn luân đã là chuyện khó chấp nhận, không riêng với bất kỳ quốc gia nào.

Kim Ki Duk vốn là đạo diễn được biết đến nhiều năm nay với phong cách làm phim theo những lựa chọn rất khác biệt, đáng nể phục. Nhân vật trong phim ông luôn có những số phận kỳ lạ, hoặc là những con người sống trong tận cùng của đau khổ hoặc như là những hiện thân của hư ảo để lại sức nặng, ám ảnh về bản năng và giá trị sống.
 
Phim của ông luôn vượt ra khỏi khuôn khổ của một câu chuyện kể về đời sống, mỗi tác phẩm là một thế giới trải nghiệm soi rọi vào tận cùng của cảm nhận, để người xem cứ phải chìm sâu vào từng khuôn hình mà bóc tách, lý giải. Ông đã từng có Xuân – hạ – thu – đông rồi lại xuân, Cánh cung, Thiếu nữ Samaritan… – những tác phẩm có thể khiến người ta xem đi xem lại và rồi vẫn muốn xem tiếp khi mỗi lần xem là thêm một cảm thụ mới về những điều ẩn khuất trong đó.
 
Nói như thế để thấy rằng Kim Ki Duk chẳng phải là một đạo diễn tầm thường để có thể mang những điều tầm thường vào phim cho bất kỳ mục đích nào khác ngoài giá trị điện ảnh. Nhưng vẫn phải nói “sự bất thường” ông đưa vào phim Moebius là một biến thể dị dạng của sáng tạo. Vạn hóa luôn chứa đựng những điều dị thường của cuộc sống nhưng nghệ thuật cũng có giới hạn riêng và đạo diễn Kim Ki Duk buộc phải chấp nhận điều này cho dù sáng tạo của ông có vô biên đến đâu.

Với mỗi một bộ phim bị cấm chiếu, luôn luôn có những góc nhìn trái chiều về quyền được sáng tạo bị kìm hãm hay sự khắt khe của nhà quản lý là cần thiết đối với nghệ thuật thứ bảy. Cũng chính vì vậy mà lâu nay không ít người cho rằng điện ảnh Việt ngày càng trở thành một khe cửa hẹp. Không chỉ trong nước, những bộ phim nước ngoài vốn được công khai trình chiếu tại nhiều quốc gia khác, phim đoạt giải quốc tế cũng bị cắt, bỏ.

“Chiếc kéo kiểm duyệt” trở thành nỗi ám ảnh với những người làm nghề nhưng cái gì cũng có lý của nó. Dư luận trong nước từng xôn xao chuyện phim Bẫy cấp 3 hay Bụi đời Chợ Lớn bị cấm chiếu mới đây, vì quá bạo lực, dấy lên những tranh cãi về mức độ kinh dị, bạo lực trong phim. Điều đó cho thấy nhà làm phim thường không bao giờ chấp nhận việc sáng tạo của họ bị cấm phổ biến hay phải cắt xén, chỉnh sửa. Số đông vin vào đó cho rằng kiểm duyệt chính là “kìm hãm sáng tạo” mà quên đặt câu hỏi: Tạo dựng nên những con người khác biệt, một xã hội dị thường để làm gì hay chỉ là để phục vụ cho ý đồ thể hiện sự khốc liệt hoặc kịch tính cho một thể loại phim?

Bất kể là nhà làm phim trong hay ngoài nước, nổi tiếng hay chưa, một khi sáng tạo nghệ thuật quá đà không phục vụ gì cho cộng đồng, phản giáo dục, phi đạo đức thì hãy xem việc bị cấm chiếu là điều tất nhiên và bình thường. Bởi mọi sáng tạo đều phải có giới hạn!