Vấn nạn sao chép tranh: Các họa sĩ hãy khởi kiện!
Nạn tranh giả, sao chép tranh, chuyển chất liệu tranh… tràn lan ở Việt Nam đã diễn ra từ rất lâu, nhưng chưa bao giờ là câu chuyện cũ.
“Những nhà sưu tập rất tinh tế, không bao giờ sưu tập đồ giả. Vì thế, nếu thức tỉnh được những nhà sưu tập ấy thì họ chính là những người nuôi và lưu giữ văn hóa mỹ thuật”.
Do Việt Nam chưa có một thị trường nghiêm chỉnh về tranh chép nên việc sao chép tranh bị hỗn độn. (Ảnh: Quang Trung) |
Nạn tranh giả, sao chép tranh, chuyển chất liệu tranh… tràn lan ở Việt Nam đã diễn ra từ rất lâu, nhưng chưa bao giờ là câu chuyện cũ. Mới đây, tranh giả còn được rao bán công khai trên mạng khiến giới họa sĩ bức xúc đến đỉnh điểm.
Kêu trời vì nạn chép tranh
Trong một buổi gặp gỡ của giới họa sĩ, họa sĩ Phạm Thành Chương nhắc lại vụ việc đình đám xảy ra năm 2016, bức tranh “Chân dung cô Kim Anh” của ông bị thay tên tác giả thành Tạ Tỵ tại triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” ở TP. Hồ Chí Minh. Điều gây bất bình hơn là tất cả tranh tại triển lãm này đều là tranh giả.
“Vụ nhái tranh, thay cả tên họa sĩ này tôi đã bắt tận tay, có nhân chứng, vật chứng đầy đủ, tôi đã viết đơn tố cáo ngay sau đó. Một hội đồng nghệ thuật thẩm định cũng đã được thành lập… Vậy mà kết quả cuối cùng vẫn là con số 0”, họa sĩ Phạm Thành Chương ngao ngán.
Họa sĩ Đặng Tiến chia sẻ, những bức tranh trong triển lãm toàn quốc của ông vào năm 1994 vô tình lại thấy ở một cơ sở kinh doanh. Thoạt nhìn, ông tưởng các bức tranh ở triển lãm năm 1994 được đưa về đây, nhưng hóa ra đó là những tác phẩm nhái trắng trợn.
Vụ việc mới đây khiến họa sĩ Đặng Tiến không thể lặng im nữa, đó là có những bức tranh của ông dù vẫn ở trong nhà nhưng đã được rao bán “như đúng rồi” trên một trang web.
“Kẻ làm tranh giả công khai rao bán trên mạng, in tranh giả, chép tranh của tất cả họa sĩ, có đầy đủ địa chỉ, số điện thoại để ai có nhu cầu thì đến mua. Đó là sự ngang nhiên và coi thường giới họa sĩ cũng như tất cả mọi người”, họa sĩ Thành Chương bày tỏ giận dữ.
Họa sĩ Phạm An Hải kể lại, ông từng đến tận nhà người làm tranh giả, tìm được người mua tranh giả, lưu giữ đầy đủ cả tang chứng, vật chứng, thậm chí sự việc đã được báo chí đưa ra công luận nhưng đến giờ phút này vẫn chưa nhận được lời xin lỗi chính thức từ người làm tranh giả.
“Có tranh tôi vừa đưa lên facebook đã bị vẽ nhái tới 80% và ký tên của họ. Đây là thực trạng rất tồi tệ của nền mỹ thuật Việt Nam, khiến các nhà sưu tập tranh Việt Nam hoang mang, không biết đâu là tranh thật, đâu là tranh giả”, họa sĩ Phạm An Hải than.
Việc sao chép tranh không chỉ ảnh hưởng đến giá trị của các bức tranh khiến họa sĩ, nhà sưu tập và người yêu nghệ thuật thiệt thòi mà còn khiến hình ảnh về mỹ thuật Việt Nam trở nên tồi tệ, gây hỗn loạn thị trường mỹ thuật Việt Nam.
“Việc bán những bức tranh nhái trên mạng một cách công khai, khiến nhiều người nước ngoài mặc nhiên coi thị trường tranh Việt Nam là giả”, họa sĩ Phạm Long buồn bã.
Một nguyên nhân lớn khiến tranh giả tràn lan được nhiều họa sĩ chỉ ra là do trình độ dân trí. Họa sĩ Đào Hải Phong thẳng thắn: “Công chúng cũng không tha thiết với đồ thật. Họ chỉ cần mua một bức tranh na ná với bức tranh thật là thỏa mãn rồi.
Đã đến lúc công chúng yêu nghệ thuật phải thức tỉnh và kỹ lưỡng hơn với sự thưởng thức của họ”. Đồng tình với ý kiến này, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng bổ sung: “Ngay cả người chơi tranh cũng không mua tranh theo sở thích của mình, cứ tranh của họa sĩ nào nổi tiếng, có tên tuổi thì mua. Còn tranh của những họa sĩ trẻ – dù được vẽ rất đẹp, giá cả lại mềm thì người chơi tranh cũng không màng đến”.
Tồn tại nhưng phải tuân theo nguyên tắc quốc tế
Nói về giải pháp khắc phục tình trạng tranh giả, tranh nhái, họa sĩ Đào Hải Phong cho rằng, chúng ta phải chấp nhận việc chép tranh là không thể cấm, và thị trường chép tranh sẽ vẫn tồn tại.
Tuy nhiên, chép tranh phải tuân theo nguyên tắc của quốc tế: Họa sĩ có tranh được chép phải được quyền duyệt người chép tranh cho mình. Người chép tranh không được bôi nhọ tác phẩm gốc, không được chép theo đúng khuôn khổ chính xác của bản gốc; không được phép ký tên là tác giả sáng tác bức tranh đó và chỉ được chép số phiên bản có giới hạn, phía sau bức tranh phải ghi rõ đây là phiên bản số bao nhiêu.
Và khi bức tranh chép đó được bán ra, họa sĩ sáng tác bức tranh đó cũng được hưởng quyền lợi. “Chúng ta chưa có một thị trường nghiêm chỉnh về tranh chép nên tình trạng này mới bị hỗn độn”, họa sĩ Phong khẳng định.
Họa sĩ Phạm An Hải đề xuất, phải có cơ quan đứng ra bảo vệ quyền lợi của các họa sĩ bằng cách thẩm định tranh thật, tranh giả. Các cơ sở làm tranh giả phải có giấy phép mới được phép hoạt động và cần có sự kiểm soát của các cơ quan chức năng liên quan.
Việc thẩm định tranh giả, tranh thật, theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng là câu chuyện của mỗi họa sĩ, bảo tàng, hãng đấu giá, người sưu tập… Cá nhân, tổ chức, đơn vị nào muốn thẩm định tranh thì phải có hội đồng riêng tự thẩm định chứ không thể có hội đồng chung bảo đảm cho cả xã hội được. “Rất khó đòi hỏi có cơ quan chức năng Nhà nước nào đứng ra thẩm định, vì việc ấy tốn kém và nguy hiểm.
Có những bức tranh của các họa sĩ nổi tiếng thời Đông Dương được làm giả rất nhiều nhưng tinh vi đến mức khó phân biệt thật giả” – ông dẫn chứng, đồng thời đề xuất một cách chống tranh giả khá hữu hiệu: “Đã đến lúc cần chỉ đích danh và công khai tên những người làm tranh giả chứ không nên nhắc nhở tế nhị nữa. Phải đánh vào danh dự của họ thì mới mong bớt nạn tranh giả”. Theo ông, trong tương lai gần, giới họa sĩ cần thành lập một trung tâm bảo vệ bản quyền mỹ thuật để bảo vệ quyền lợi cho các họa sĩ.
Từ ngày 4/4/2018, Nghị định số 22/2018 của Chính phủ quy định về việc phát hiện, xử lý vi phạm bản quyền và phương thức tự bảo vệ mình của các tác giả nói chung khi thấy quyền lợi của mình bị xâm hại, có hiệu lực.
Luật sư Đinh Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Quang, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, các họa sĩ nên cử người đại diện cho mình, có thể là luật sư, họa sĩ hay người am hiểu thị trường tranh để họ phát hiện những vụ việc sao chép tranh của mình trái với quy định pháp luật và thay mình yêu cầu phía vi phạm chấm dứt, bồi thường. “Các họa sĩ hãy mạnh dạn khởi kiện khi bị xâm hại về quyền tác giả”, luật sư Đinh Anh Tuấn khuyến khích.
Nguồn VOV
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.