Cung cấp dịch vụ tốt, nhà mạng không cần đến ảnh của khách hàng

Đó là ý kiến của chuyên gia viễn thông trước câu chuyện nếu thuê bao không cung cấp ảnh cho nhà mạng sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ

Ngàn lẻ những bất an

Theo Nghị định 49/2017 (sửa đổi, bổ sung Nghị định số 25/2011 của Chính phủ) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông, các thuê bao hòa mạng trước ngày Nghị định 49 có hiệu lực (24/4/2017), chủ thuê bao phải cung cấp ảnh chụp cho doanh nghiệp viễn thông.

Nếu quá hạn quy định mà chủ thuê bao không thực hiện, doanh nghiệp có quyền khóa một chiều sau 15 ngày gửi tin nhắn và khóa hai chiều sau 15 ngày tiếp theo. Quy định này có hiệu lực từ 24/4/2018.

nop anh chan dung cho nha mang cung cap dich vu tot khong can den anh hinh 1

Ngày 6/4 vừa qua, Viettel đã gửi tin nhắn đến các chủ thuê bao di động thông báo bắt buộc bổ sung thông tin cá nhân theo chứng minh nhân dân và ảnh chân dung, hạn chót là ngày 24/4/2018.

Đến thời hạn này, thuê bao không cập nhật theo yêu cầu sẽ bị khóa một chiều cho đến khi bổ sung đủ.

Tương tự với MobiFone hạn chót là 30/4, còn VinaPhone sẽ làm theo từng nhóm khách. Hiện tại, một số khách hàng VinaPhone đã nhận được tin nhắn “nhắc nhở” của nhà mạng này.

Theo quy định của Nghị định 49, mục đích của việc yêu cầu người dùng di động phải cập nhật đầy đủ thông tin, kể cả ảnh chụp chân dung là nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao chính xác để phục vụ công tác đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, góp phần hạn chế tin nhắn rác, bảo vệ quyền lợi của người sử dụng dịch vụ viễn thông.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, nếu cung cấp ảnh chân dung cho nhà mạng được sử dụng đúng vào mục đích quản lý SIM thì không vấn đề gì, nhưng không tránh khỏi nguy cơ hacker truy cập được vào dữ liệu nhà mạng và lợi dụng bán thông tin, phân tích thông tin phục vụ các mục đích kinh doanh, vụ lợi, không trong sạch hoặc các mục đích nhạy cảm (như scandal Facebook thời gian vừa qua).

Lo lắng của khách hàng là làm sao nhà mạng có thể bảo mật thông tin của họ hoàn toàn có cơ sở, vì thực tế, hằng ngày, người dùng điện thoại di động nhận được khá nhiều tin nhắn rác.

Theo các nhà mạng, ảnh và thông tin cá nhân của khách hàng được lưu trữ trên cơ sở dữ liệu tập trung và chỉ sử dụng trong việc quản lý thuê bao theo quy định của pháp luật. Thế nhưng, nhiều người đặt câu hỏi, cơ sở nào để chắc chắn những thông tin cá nhân của họ không bị lộ ra ngoài?

Chị Nguyễn Lê ở quận Thanh Xuân, Hà Nội băn khoăn: “Tôi thấy khó hiểu về mục đích quản lý của quy định này, vì thực tế đăng ký sở hữu ô tô, nhà đất cũng không yêu cầu phải nộp ảnh. Làm sao nhà mạng có thể bảo mật tốt thông tin khách hàng để không bị lộ ra ngoài?”.

Lộ thông tin cá nhân là hoàn toàn có thể

Chuyên gia viễn thông, PGS.TS Nguyễn Ái Việt, nguyên Viện trưởng Viện công nghệ thông tin – Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Việc nhà mạng yêu cầu các thuê bao phải cung cấp ảnh là không cần thiết, gây phiền toái cho khách hàng. Thông tin cá nhân là sự riêng tư cần được đảm bảo, trong khi đó, không loại trừ những nhà mạng có mục đích gì đó, hoặc có động cơ mang tính chất vật chất phía sau của việc cung cấp ảnh. Để cung cấp dịch vụ tốt không liên quan gì đến ảnh”.

Yêu cầu này của nhà mạng khiến người tiêu dùng có cảm giác bị quản lý nghiêm ngặt, trong khi họ phải bỏ tiền để sử dụng dịch vụ. “Vấn đề quản lý an ninh thì đã có chứng minh thư. Ở đây, nhà mạng biểu hiện yếu tố không minh bạch. Đã qua rồi thời độc quyền nên các nhà mạng phải tuân thủ đúng chuẩn mực trong hành xử về kinh doanh”, PGS.TS Nguyễn Ái Việt nêu quan điểm.

>> “Trên thực tế, quy định này sẽ rất khó thực hiện bởi ngay từ đầu đã không có sự đồng thuận, gây bức xúc cho người tiêu dùng. Nếu nói là quản lý tốt hơn, đảm bảo an ninh trật tự khi có vấn đề gì có thể trích xuất ngay ra được người sử dụng này thì đã có chứng minh thư – mà các thuê bao khi đăng ký với nhà mạng đã phải nộp bản photocopy rồi. Trong chính Nghị định này cũng đã có quy định giữa bên cung cấp dịch vụ phải nối mạng với với Bộ Công an. Vậy thông tin trên chứng minh thư cũng đã được đồng bộ hóa với dữ liệu mà Bộ Công an quản lý. Hà cớ gì phải có thêm ảnh?” – Luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Việc các doanh nghiệp viễn thông yêu cầu các thuê bao phải bổ sung ảnh chụp chân dung là đúng tinh thần của nghị định 49/2017. Thế nhưng, theo ý kiến của các chuyên gia, Nghị định không quy định rõ chủ thuê bao có thể tự chụp rồi gửi cho doanh nghiệp hay chỉ doanh nghiệp mới có quyền chụp. Nếu khách hàng tự chụp, tự gửi thì doanh nghiệp không kiểm soát được tính chân thực. Còn nếu doanh nghiệp phải thực hiện việc chụp ảnh thì lại chưa có chính sách hỗ trợ người già yếu, ở vùng sâu vùng xa hoặc người đang nằm viện, công tác xa…

Trong khi đó, người đang thi hành án muốn nhờ người thân ở nhà duy trì số thuê bao đã đăng ký cũng không thể đến điểm giao dịch để chụp ảnh.

Bên cạnh đó, hình ảnh cá nhân của chủ thuê bao có thể lọt ra ngoài qua các lỗ hổng an ninh mạng mà doanh nghiệp gặp phải. Điều này có khả năng cao xảy ra trong thực tế. Doanh nghiệp khó lòng bảo vệ an toàn tuyệt đối cho khách hàng với hình ảnh của họ. Trường hợp này, trách nhiệm của doanh nghiệp như thế nào thì chưa được quy định rõ.

Dù nhà mạng đã lên tiếng có trách nhiệm, nghĩa vụ bảo mật thông tin nhưng không ai dám cam kết thông tin cá nhân của những người sử dụng dịch vụ này chắc chắn sẽ không bị rò rỉ, và việc có thể có mục đích xấu là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Thiệt hại cuối cùng vẫn là người tiêu dùng gánh chịu.

“Những cơ quan có trách nhiệm, đặc biệt là Bộ Thông tin và Truyền thông ngay lúc này phải có phản ứng thích hợp và kịp thời để làm sao vừa đảm bảo được vấn đề quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực thông tin, vừa đảm bảo được đời sống thị trường, ko gây bất cứ sự xáo trộn, tốn kém nào đến người đang sử dụng dịch vụ”, luật sư Bùi Đình Ứng đề nghị./.

Nguồn vov.vn