Bộ GTVT không muốn dời BOT Cai Lậy
Trong 5 phương án trình Thủ tướng, Bộ GTVT chọn phương án 1 là giữ nguyên vị trí trạm BOT Cai Lậy trên Quốc lộ 1, miễn giảm vé và kéo dài hơn gấp đôi thời gian thu phí hoàn vốn
Chiều 16-4, ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), cho biết cơ quan này đã có văn bản báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ với việc trình 5 phương án để giải quyết dứt điểm những vấn đề đang diễn ra tại trạm BOT Cai Lậy. “Căn cứ các quy định của pháp luật, phân tích mọi mặt, có thể nói 5 phương án được trình là các giải pháp tối ưu đã được tính toán” – ông Nhật khẳng định.
5 phương án
Theo phương án 1: Bộ GTVT đề xuất giữ nguyên vị trí trạm BOT Cai Lậy như hiện nay trên Quốc lộ (QL) 1, giảm giá chung cho tất cả phương tiện qua trạm với mức giá thấp nhất (giảm khoảng 30%). Cụ thể, giảm từ 25.000 đồng/lượt xuống còn 15.000 đồng/lượt đối với phương tiện nhóm 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn). Đồng thời, mở rộng phạm vi miễn giảm cho các hộ dân có phương tiện không kinh doanh lẫn kinh doanh (50%) ở vùng lân cận thuộc 2 huyện Cai Lậy và Cái Bè. Thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 15 năm 9 tháng (theo dự án trước đây là 6 năm và 5 tháng – PV).
Phương án 2: Lập thêm một trạm BOT trên tuyến tránh, thu phí cả 2 trạm trên tuyến tránh và trên QL1 hiện hữu để hoàn vốn cho dự án. Mức phí đối với phương tiện nhóm 1 trên tuyến tránh là 25.000 đồng/lượt và 15.000 đồng/lượt trên tuyến QL1. Thời gian thu hoàn vốn mỗi trạm khoảng 10 năm 10 tháng.
Phương án 3: Giữ nguyên vị trí trạm BOT như hiện nay, mức phí 25.000 đồng/lượt/phương tiện nhóm 1. Thời gian thu hoàn vốn khoảng 7 năm 7 tháng.
Phương án 4: Chỉ đặt trạm thu phí trên tuyến tránh, phân luồng cho các loại xe đi vào tuyến tránh. Thực hiện phương án này, nhà nước phải sử dụng ngân sách để hỗ trợ, theo tính toán sơ bộ ban đầu khoảng 1.250 tỉ đồng.
Phương án 5: Đàm phán nhà đầu tư chuyển đổi hình thức hợp đồng, xóa bỏ trạm BOT Cai Lậy và dùng vốn nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư tương ứng với doanh thu hoàn vốn theo hợp đồng BOT đã ký, với số tiền (đã bao gồm lãi vay phát sinh) khoảng 2.026 tỉ đồng.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, quyết định phương án cho BOT Cai Lậy sẽ được Thủ tướng Chính phủ xem xét thận trọng và quyết định, tránh ảnh hưởng đến các dự án BOT khác và môi trường đầu tư, đặc biệt là việc triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam sắp tới.
Trạm thu phí BOT Cai Lậy đặt trên Quốc lộ 1 bị phản đối gay gắt. Ảnh: LÊ PHONG
Vì sao chọn phương án 1?
Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, qua thanh tra, kiểm toán và kết quả tự rà soát, đánh giá lại của Bộ GTVT, bộ xét thấy việc đặt trạm BOT Cai Lậy tại vị trí hiện nay là phù hợp quy định pháp luật. “Vì vậy, trên cơ sở đánh giá các ưu, nhược điểm của các phương án, Bộ GTVT kiến nghị lựa chọn phương án 1. Trường hợp phương án 1 không được chấp thuận, đề nghị lựa chọn phương án 2” – ông Nhật nói.
Phân tích cụ thể 5 phương án đề xuất cũng như việc ưu tiên lựa chọn phương án 1 và phương án 2 để xử lý BOT Cai Lậy của Bộ GTVT, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động vào chiều 16-4, ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP – Bộ GTVT), cho biết với phương án 1, không phải bố trí ngân sách nhà nước, giảm tối đa ảnh hưởng chi phí vận tải, giảm ùn tắc giao thông ở trung tâm thị xã Cai Lậy. Tuy nhiên, nhược điểm là phải kéo dài thời gian hoàn vốn.
Với phương án 2, ông Huy cho biết sẽ phát sinh 90 tỉ đồng chi phí xây dựng trạm BOT trên tuyến tránh. Ngoài ra, Bộ GTVT lo ngại khi xây thêm trạm BOT trên tuyến tránh sẽ xảy ra ùn tắc ở QL1 (!). Với phương án 3, ông Huy cho biết sẽ bảo đảm khả thi về phương án tài chính, không phải bố trí ngân sách hỗ trợ. Còn phương án 4, dẫn số liệu đếm xe thực tế do Tổng cục Đường bộ thực hiện và nghiên cứu phân luồng, ông Huy nói chỉ có khoảng 3.800 ôtô các loại lưu thông trên tuyến tránh nên phương án tài chính không bảo đảm, buộc nhà nước phải sử dụng ngân sách hỗ trợ 1.250 tỉ đồng. Ông Huy còn nêu thêm lý do là nếu chọn phương án 4, việc phân luồng sẽ dẫn đến phản ứng của người dân với lý do ép các phương tiện đi vào tuyến tránh có mua vé hoặc giá vé cao hơn, đặc biệt là phản ứng từ các doanh nghiệp vận tải, kinh doanh gạo có trụ sở, giao dịch trong thị xã Cai Lậy (!).
Với phương án thứ 5, ông Huy cho rằng nếu thực hiện sẽ giải quyết triệt để phản ứng của một bộ phận tài xế, giảm chi phí đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân. Tuy nhiên, sẽ phải dùng ngân sách nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư trong điều kiện ngân sách khó khăn. Đồng thời, hệ lụy có thể lan rộng sang 5 dự án khác tương tự BOT Cai Lậy (nâng cấp tuyến chính và xây dựng tuyến tránh, thu phí trên tuyến chính).
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.