ĐBQH Nguyễn Văn Danh: Chất vấn những vấn đề liên quan đến hội đặc thù

Tại Kỳ họp thứ 5 – Quốc hội khóa XIII, ông Nguyễn Văn Danh, Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang đã gửi văn bản chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ về một số nội dung liên quan đến việc thực hiện các chế độ, chính sách cũng như việc xem xét, đánh giá điều kiện công nhận tính chất đặc thù của một số tổ chức Hội đang hoạt động trong tỉnh theo tinh thần Nghị định 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ, Quyết định 68/2010/QĐ-TTg và Quyết định 30/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

          

Ông Nguyễn Văn Danh cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có 200 hội đang hoạt động, trong đó có 56 hội có phạm vi hoạt động ở cấp tỉnh và 144 hội hoạt động ở cấp huyện; riêng ở cấp xã có gần 700 hội.

Nhìn chung, các hội đã thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đã giáo dục, động viên, tập hợp đông đảo hội viên giúp đỡ nhau phát triển chuyên nghề, bảo đảm được quyền và lợi ích chính đáng của hội viên, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Trong quá trình triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương, địa phương đang gặp những khó khăn, vướng mắc qua thực hiện Nghị định 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ, Quyết định 68/2010/QĐ-TTg và Quyết định 30/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức, hoạt động và quản lý hội; về quy định hội có tính chất đặc thù và chế độ thù lao đối với người đã nghỉ hưu giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách các hội.

Liên quan đến các vấn đề này, ông Nguyễn Văn Danh cho biết: Điều tôi quan tâm là việc xác định hội có tính đặc thù theo quy định tại Quyết định 68/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có điểm chưa hợp lý, thiếu thực tiễn, gây khó khăn cho địa phương trong tổ chức thực hiện như: Hội phải được Nhà nước giao biên chế, hỗ trợ về kinh phí, điều kiện hoạt động trước ngày 21-4-2010 (ngày ban hành Nghị định  45/2010/ NĐ-CP của Chính phủ).

Kế đến là về chế độ thù lao theo Quyết định 30/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng còn nhiều điểm chưa phù hợp với yêu cầu thực tế; mô hình, các tiêu chí để xác định là hội có tính đặc thù chưa rõ và thiếu thống nhất; việc “tự đảm bảo kinh phí hoạt động” (1 trong 5 nguyên tắc tổ chức, hoạt động của hội) cũng là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu để có giải pháp tháo gỡ… Vì thế, tôi đã gửi văn bản chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ xung quanh các quy định của Nghị định Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

PV: Theo ông, hội có tính đặc thù được Nhà nước giao biên chế, hỗ trợ về kinh phí, điều kiện hoạt động trước ngày 21-4-2010 (ngày ban hành Nghị định 45/2010/ NĐ-CP của Chính phủ), cũng như quy định tại Quyết định 68/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã nảy sinh những vấn đề bất cập gì có thể ảnh hưởng đến hoạt động của hội?

Ông Nguyễn Văn Danh: Bất cập thứ nhất chính là quy định của Quyết định 68/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo quy định tại Quyết định này thì hội có tính đặc thù phải được Nhà nước giao biên chế, hỗ trợ về kinh phí, điều kiện hoạt động trước ngày 21-4-2010 (ngày ban hành Nghị định 45/2010 CP của Chính phủ). Quy định này đã dẫn đến một số hội cùng cấp có tên gọi và tôn chỉ, mục đích hoạt động giống nhau (CLB Cán bộ hưu trí, Hội Người mù, Hội Đông y, Hội Cựu thanh niên xung phong…), nhưng lại chưa được công nhận là hội có tính chất đặc thù, do không được giao biên chế và hỗ trợ kinh phí hoạt động trước ngày Nghị định 45/2010/NĐ-CP có hiệu lực.

Nghịch lý ở đây là đã có nhiều tổ chức hội trong thực tế được hình thành từ trước đó và đang hoạt động rất hiệu quả, nhưng đến nay vẫn chưa được công nhận là hội có tính đặc thù do chưa thực hiện các thủ tục theo quy định này.

Hai là, hiện nay do địa giới hành chính có thay đổi như thành lập huyện mới, xã (phường) mới, các đơn vị hành chính mới này có nhu cầu thành lập hội, nhưng khi đã thành lập cũng không được công nhận là hội có tính đặc thù, do vướng phải quy định trên.

PV:  Về mức thù lao chi trả cho các chức danh lãnh đạo chuyên trách hội theo Quyết định 30/2011/QĐ – TTg của Chính phủ, ông có ý kiến gì?

Ông Nguyễn Văn Danh: Việc thực hiện Quyết định 30/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng có vấn đề.

Một là, về chế độ thù lao: Quyết định chỉ quy định chế độ thù lao đối với người đã nghỉ hưu giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách, kinh phí thực hiện chế độ thù lao đối với các hội có tính đặc thù được ngân sách Nhà nước cấp hàng năm theo quy định của pháp luật. Đối với các hội còn lại thì kinh phí thực hiện chế độ thù lao do hội tự đảm bảo.

Hai là, một số hội mặc dù đã được công nhận là hội có tính đặc thù, nhưng lãnh đạo hội không phải là người đã nghỉ hưu trí, như Hội Người cao tuổi (hiện nay, cán bộ lãnh đạo Hội Người cao tuổi ở cơ sở có hơn 2/3 không phải là cán bộ hưu trí) cũng không được trả thù lao.

Các quy đinh trên là chưa hợp lý, thiếu thực tiễn, khó đi vào cuộc sống, đã làm cho nhiều cán bộ hội tâm tư, ảnh hưởng lớn đến chất lượng và hiệu quả hoạt động của các tổ chức hội ở địa phương.

Những khó khăn, vướng mắc trên đang là vấn đề “nóng”, bức xúc, có cả phản ứng của nhiều cán bộ và cử tri của các địa phương (qua tiếp xúc cử tri). Nếu không có sự xem xét thấu đáo và tháo gỡ kịp thời của Chính phủ và các bộ, ngành chức năng của Trung ương thì các tổ chức hội ở địa phương, nhất là hội ở cơ sở sẽ rất khó trong hoạt động, tồn tại và phát triển.

Mặt khác, đối với cán bộ, công chức được điều động sang công tác ở các hội cần phải được hưởng chế độ phụ cấp công vụ (25%). Việc cắt giảm như hiện nay là chưa công bằng, gây thắc mắc và khó thực hiện trong điều động cán bộ khi có yêu cầu tăng cường cán bộ cho các hội. 

PV: Xin cám ơn ông!