Phát thanh – Truyền hình trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0
Sáng 4/5, tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đã diễn ra Hội thảo “Phát thanh – Truyền hình trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0”.
Phát thanh – Truyền hình là 2 loại hình báo chí lâu năm nhưng trong kỷ nguyên công nghệ phát triển như vũ bão với sự ra đời của hàng loạt loại hình báo chí mới, các mạng xã hội thì 2 loại hình báo chí trên đang đứng trước nhiều thách thức.
Vậy, phải làm cách nào để Phát thanh – Truyền hình đứng vững trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0? Những nội dung này được các diễn giả tham gia Hội thảo “Phát thanh –Truyền hình trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0” mổ xe, phân tích kỹ, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp nhất.
Hội thảo là hoạt động trong khuôn khổ Liên hoan Phát thanh Toàn quốc lần thứ XIII – năm 2018 do Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Nghệ An tổ chức.
Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc VOV; ông Nguyễn Xuân Huy – Phó Tổng Giám đốc VOV và các diễn giả, kỹ sư của các tập đoàn sản xuất chế tạo thiết bị PT-TH hàng đầu thế giới cùng đông đảo phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên các đài PT-TH địa phương trong nước tham dự.
Ông Nguyễn Xuân Huy – Phó Tổng Giám đốc VOV phát biểu tại Hội thảo “Phát thanh – Truyền hình trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0” |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Huy, Phó Tổng Giám đốc VOV cho biết, Liên hoan Phát thanh lần này không chỉ có VOV, mà còn có Đài PT-TH của 63 tỉnh thành và nhiều công ty cung cấp thiết bị PT-TH về đây cùng tham dự.
Hơn 200 tác phẩm, chương trình phát thanh vào vòng chung khảo là những tác phẩm xuất sắc, có nội dung chất lượng cao. Tuy nhiên, tất cả những người làm phát thanh đều có chung những băn khoăn về việc làm sao để đáp ứng được nhu cầu của công chúng nghe đài, yêu phát thanh ngày càng được hoàn thiện, được tốt hơn, nhất là trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ hiện nay.
Hội thảo cần làm rõ nhiều vấn đề, nhưng có 2 vấn đề quan trọng nhất đặt ra cần giải quyết, đó là: PTTH phải sử dụng công nghệ như thế nào để đáp ứng được nhu cầu công chúng ngày càng cao và làm sao để áp dụng công nghệ vào thực tiễn.
Phát biểu tham luận mở đầu hội thảo, ông Masakazu Iwaki, Chủ tịch hôị đồng kỹ thuật của tổ chức ABU, lãnh đạo Đài NHK (Nhật Bản) cho biết, Đài NHK là đài nhà nước, hiện có 12.000 nhân viên, có 54 đài phát thanh địa phương và hơn 30 văn phòng ở các nước trên thế giới, có 2 kênh truyền hình mặt đất và 2 kênh TH vệ tinh; có 2 kênh phát thanh AM và FM; 1 kênh phát thanh quốc tế.
Ông Masakazu Iwaki, Chủ tịch Hội đồng kỹ thuật của tổ chức ABU, lãnh đạo Đài NHK (Nhật Bản) trình bày tham luận tại Hội thảo |
Đài NHK đã chuyển sang số hóa từ lâu, đến cuối năm 2018, các tín hiệu truyền hình của NHK cũng sẽ chuyển toàn bộ sang định dạng 4K và 8K. Để làm được điều này, các kỹ sư của NHK phải học tập và chuyển cách thức tiếp nhận và quản lý với việc số hóa và “không có gì là không thể làm, nếu có quyết tâm”.
Theo ông Masakazu Iwaki, hiện nay nhiều nước đang chuyển từ analog sang kỹ thuật số. Nhưng vấn đề quan trọng khi sử dung công nghệ số là đảm bảo an ninh mạng như thế nào.
Là địa phương vùng sâu vùng xa phía Tây Bắc của Tổ quốc, ông Hồ Vạn Tấn, Đài PT-TH Điện Biên cho biết, tỉnh Điện Biên có 19 dân tộc cùng sinh sống, đông nhất là dân tộc Thái, còn lại là các dân tộc khác. Vì vậy, việc phủ sóng phát thanh có vai trò đặc biệt quan trọng.
Trước đây, công nghệ chưa phát triển, việc sản xuất, lưu trữ các chương trình phát thanh tiếng dân tộc là rất khó khăn. Từ khi áp dụng đổi mới kỹ thuật trong sản xuất các chương trình phát thanh tiếng dân tộc thì việc làm này đã mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt trong việc lưu trữ vào bảo quản.
“Việc áp dụng kỹ thuật số cho phép kỹ thuật viên chỉ cần gọi đúng tên lưu trong hệ thống sẽ ra ngay file cần tìm không cần phải biết tiếng dân tộc. Trước đây phải làm thủ công, mỗi khi làm phải có cả biên tập viên tiếng dân tộc cùng ngồi mới biết và làm đúng, nay việc này đã đơn giải hơn nhiều”, ông Hồ Vạn Tấn cho biết.
Tại Hội thảo, các diễn giả, kỹ sư của các tập đoàn sản xuất chế tạo thiết bị PT-TH, các kỹ sư của Trung tâm kỹ thuật Phát thanh – Truyền hình, Đài Tiếng nói Việt Nam đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng, tín hiệu đầu cuối của PT-TH, đưa đến công chúng những âm thanh, hình ảnh chuẩn mực nhất. Các tham luận như: Liên kết studio – Đài phát sóng (STL) sử dụng audio IP; Công nghệ phát sóng Vệ tinh, Truyền hình Kỹ thuật số, Giải pháp phần mềm tương tác truyền thông đa phương tiện, Truyền thông mạng xã hội và quản lý nội dung trên các kênh mạng xã hội, truyền hình…nhận được sự quan tâm của các đại biểu.
Nguồn VOV
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.