Điều chỉnh giá 40 dịch vụ y tế từ 1/7/2018
Trong tháng 5 này sẽ ban hành Thông tư sửa đổi, điều chỉnh khoảng 40 giá dịch vụ y tế. Theo đó, giá khám chữa bệnh sẽ giảm, giá giường bệnh tăng.
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, trong tháng 5/2018, Liên Bộ Y tế, Tài chính, Bảo hiểm xã hội ban hành Thông tư điều chỉnh 40 giá dịch vụ, bao gồm: giá khám bệnh, giá ngày giường, X-Quang, CT, MRI, siêu âm thường, nội soi TMH… Theo ông Liên, dịch vụ nào cần giữ nguyên thì sẽ vẫn giữ nguyên. Dịch vụ nào có khả năng điều chỉnh thì sẽ điều chỉnh luôn.
Trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung giá một số dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, có khoảng 40 dịch vụ được điều chỉnh giảm giá gồm giá khám bệnh, giá ngày giường, X-Quang, CT, MRI, siêu âm thường, nội soi TMH…
Theo dự thảo, giá khám bệnh còn 20.000-35.000 đồng, siêu âm giảm gần 1,5 triệu đồng. Cụ thể, giá khám tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 đề xuất giảm từ 39.000 đồng xuống 35.000; Giá khám tại trạm y tế xã, bệnh viện hạng 4 cũng giảm từ 29.000 còn 20.000 đồng. Giá tại bệnh viện hạng 2 giảm từ 35.000 đồng xuống 29.000.
Đối với giá giường bệnh, dự kiến tăng với các bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 và giảm nhẹ ở bệnh viện hạng 3, 4. Cụ thể, giá giường điều trị hồi sức tích cực, ghép tạng, ghép tế bào gốc… tại bệnh viện hạng đặc biệt từ 677.100 đồng sẽ tăng lên 751.000 đồng; tại bệnh viện hạng 1 cũng tăng lên 710.000 đồng. Giá ngày giường hồi sức cấp cứu, chống độc tại bệnh viện hạng 4 giảm từ 226.000 xuống 215.000 đồng.
Giá các dịch vụ chụp X-Quang, CT, siêu âm cũng sẽ giảm. Trong đó, dịch vụ siêu âm can thiệp – đặt ống thông dẫn lưu ổ áp-xe giảm mạnh từ hơn 2 triệu đồng còn chưa đến 600.000 đồng. Phẫu thuật cắt amidan bằng dao điện từ gần 3,7 triệu xuống còn 1,6 triệu đồng. Phẫu thuật nội soi khâu thủng dạ dày từ hơn 4 triệu xuống còn gần 2,9 triệu…
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, mức giá Liên bộ Tài chính, Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng từ năm 2012, 2015 hiện không còn phù hợp. Bên cạnh đó, từ năm 2016 khi quy định thông tuyến huyện có hiệu lực, lượng người đến khám bệnh tại các bệnh viện tuyến huyện tăng lên, do vậy cần điều chỉnh lại định mức giá của một số dịch vụ.
“Định mức khám ở tuyến huyện, trước đây rất ít, lúc tính giá chỉ 30-35 người khám/bàn khám/ngày. Hiện nay thông tuyến huyện, bảo hiểm y tế tăng lên nên công suất khám, lượng khám cũng tăng, từ 40-45 người/bàn khám/ngày”- ông Nguyễn Nam Liên nói.
Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, việc sửa đổi Thông tư 37 phải đạt được 2 mục tiêu là: tăng nguồn thu hợp pháp cho các bệnh viện và giải quyết khó khăn, vướng mắc về cơ chế tự chủ cho các giám đốc; Đồng thời hạn chế việc các bệnh viện tuyến huyện lạm dụng kê thêm chi phí tiền giường. Bởi hiện nay, một số bệnh viện huyện có chỉ số, tỷ lệ chi phí tiền giường chiếm đến 70% tổng chi phí của cả bệnh viện.
Theo ông Phạm Lương Sơn, Bảo hiểm xã hội và Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ và sẽ cân nhắc điều chỉnh các mức giá phù hợp. Dự kiến Thông tư sửa đổi sẽ được ban hành trong tháng 5. Từ 1/7/2018 sẽ thực hiện điều chỉnh và áp dụng cho các đối tượng có hay không có thẻ bảo hiểm y tế.
Bộ Y tế cho biết, trong giai đoạn 2, Liên Bộ Y tế, Tài chính và BHXH Việt Nam sẽ khảo sát tổng thể, nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước để sắp xếp lại số dịch vụ hiện nay, xây dựng định mức và giá của 2.000-3.000 dịch vụ (trước đó là 18.000 dịch vụ)./.
Nguồn vov.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.