NSND Lệ Thủy: Cô đào ngoại hạng của sân khấu cải lương
Giọng ca hiếm trong làng cổ nhạc, người được ví như cô đào ngoại hạng của sân khấu cải lương vẫn miệt mài đóng góp cho đời ở cái tuổi 65.
Lệ Thủy: Cái bóng quá lớn trước con trai
Giọng ca mộc mạc của nghệ sỹ Lệ Thủy từng được soạn giả Viễn Châu ví là ‘một giọng ca hiếm hoi trong làng cổ nhạc, với chất giọng kim pha thổ, đã từng được báo giới Sài Gòn trước đây phong tặng là giọng ca chuông ngân’. Còn nghệ sĩ Diệp Lang phải khâm phục, Lệ Thủy là ‘cô đào ngoại hạng’ của sân khấu cải lương…
Sau nhiều lần hẹn gặp, vào buổi chiều cuối tuần trong cơn mưa tháng 6 chúng tôi cũng đã có mặt tại nhà Lệ Thủy, một căn hộ khang trang nằm trên đường Trần Xuân Soạn (quận 7, TPHCM).
Tiếp chúng tôi, Lệ Thủy với gương mặt mộc, vận áo sơ mi, quần jean giản dị, nhìn chị trẻ hơn so với tuổi rất nhiều. Căn phòng khách là những tấm băng rôn in hình chương trình biểu diễn của chị và các nghệ sỹ khác, dưới ánh đèn vàng hắt sáng, không gian ấm cúng, gần gũi.
Lệ Thủy chia sẻ trước giờ công việc của chị chỉ đi hát, đi hát và đi hát. Mặc dù không hát tuồng lớn nhiều nữa nhưng vẫn tham gia các hội chợ thương mai, gian hàng, lễ hội, sự kiện, ca nhạc tổng hợp các tỉnh, các đoàn chuyên hát cổ nhạc, giống như chương trình Vầng trăng cổ nhạc phát trên đài truyền hình nhưng thu nhỏ lại.
Người dân miền Tây rất thích Lệ Thủy ca nên các đơn vị thực hiện hội chợ, sự kiện, giới thiệu sản phẩm cũng hay mời Lệ Thủy tới để đáp lại tấm lòng yêu mến đó của bà con miền sông nước.
Mặc dù tuổi tác cũng đã lớn, sức khỏe không được như ngày xưa, nhưng mỗi lần được lên sân khấu hát là dường như mọi mệt mỏi đều tan biến hết. Có lẽ với Lệ Thủy, khi nào còn sức khỏe là khi ấy chị còn phục vụ khán giả.
Hát nhiều, đôi khi thanh đới bị giãn buộc phải đi bác sĩ uống thuốc cho mau chóng phục hồi để đi diễn, nhưng hầu như công việc cuốn hút Lệ Thủy liên tục, ít có thời gian nghỉ ngơi. Với chị thời gian cho việc ca cải lương là vô chừng.
Hồi Lệ Thủy mới mang thai đứa con đầu tiên và những đứa tiếp theo khi chỉ còn một tháng nữa sinh, Lệ Thủy vẫn mang bụng bầu đi hát, sau khi sinh được cũng chừng một tháng Lệ Thủy lại đi diễn, vì công việc, show diễn mời nhiều quá. Chị bảo mình không thể từ chối, phần vì tham công tiếc việc, phần vì không muốn phụ lòng khán giả.
Ở tuổi 65, Lệ Thủy có cuộc sống hạnh phúc bên chồng và các con. Trong số 3 người con, cô con gái lớn đã có gia đình bên Úc; con trai kế lấy nghệ danh Dương Đình Trí tốt nghiệp Đại học kiểm toán tại Úc nhưng không theo nghề học mà lại theo nghiệp hát, còn cậu con trai út Quốc Bảo cũng sắp tốt nghiệp và dự định sẽ theo nghề ca hát của gia đình.
Lệ Thủy tâm sự, cậu con trai lớn rất đam mê ca hát, cũng gặt hái được một số thành công nhất định, nhưng có lẽ cái bóng của người mẹ quá lớn nên muốn thoát ra cũng khó. Vả lại cậu cũng không cho phép mình gây ra những scandan rẻ tiền để đánh bóng thương hiệu, tên tuổi được.
Bí mật phía sau những vai diễn phụ của Lệ Thủy
Lệ Thủy khác với các nghệ sĩ khác, nghĩa là nổi tiếng nhờ thu băng đĩa trước khi đứng trên sân khấu. Khi nghệ sĩ Viễn Châu cần một bé đóng vai con Thị Màu trong tuồng Quan Âm Thị Kính, Lệ Thủy được mời đến thử hơi, thử giọng, không ngờ buổi thu âm rất thành công (lúc này thu bằng đĩa đá màu đen, sau đó mới là đĩa nhựa).
'Chính soạn giả Viễn Châu là người đầu tiên phát hiện ra giọng ca Lệ Thủy, công ơn của chú rất lớn. Kể từ đó nhiều hãng băng đĩa khác bắt đầu mời gọi, chào đón Lệ Thủy. Tiếp đó Lệ Thủy đi theo đoàn Trâm Vàng (Đồng Nai), theo hơn một năm là có chỗ đứng. Lúc đó anh Hữu Đức bị bể giọng nên Thủy thế anh hát giọng con trai vì năm đó chỉ mới 12-13 tuổi' – NSND Lệ Thủy tiết lộ.
Không ít người thắc mắc tại sao trong nhiều tuồng hát khi nghe chỉ thấy Mỹ Châu đảm nhận vai chính, còn Lệ Thủy chỉ đóng vai phụ, vai nhỏ. Nhưng bí mật đằng sau câu chuyện đó giờ Lệ Thủy mới chia sẻ:
'Năm Mậu Thân 1968, Lệ Thủy đi đoàn Kim Chung 6 đi hát ngoài miền Trung, lúc này Sài Gòn xảy ra chiến sự, giới nghiêm nên không thể hát. Lệ Thủy cùng đồng nghiệp đi các nơi như Phan Thiết, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Huế… để mưu sinh. Từ năm 1969 – 1970 Lệ Thủy không ở Sài Gòn mà lúc này nghệ sĩ Mỹ Châu là giọng đang nổi, ăn khách nên đã được các công ty, hãng thu băng dĩa ký hợp đồng cùng với Minh Phụng (đã mất).
Cuối năm 70, Lệ Thủy lại về Sài Gòn, về đoàn Kim Chung 5, hát chung với Minh Phụng, mới về thu băng đĩa hụt hẫng ít người biết, thời gian này có những giọng ca mới nên quên tên mình. Lệ Thủy nghĩ, cứ đóng cho dù bất kể vai gì, vai phụ, vai nhỏ, rồi dần dà khán giả sẽ biết đến mình do tạm thời bị quên nên hầu như tất cả những vở tuồng thời đó như Kiếp nào có yêu nhau, Kiếm sĩ dơi, Gió giao mùa, Bình rượu nhiệm mầu, Tiêu Anh Phụng, Khi rừng mới sang thu…
Mỹ Châu luôn đóng vai chính, còn Lệ Thủy toàn đóng vai phụ. Buồn, càng cố gắng, cho dù đó đó là vai nhỏ, phụ, chỉ xuất hiện ít nhưng đã hát thì phải làm sao đó để khán giả nhớ đến mình, Lệ Thủy nỗ lực hết mình.
Sau đó, các tuồng do soạn giả Yên Lan, Nguyên Thảo, Mộc Lan, do cô Sáu giám đốc ký hợp đồng, lúc đó Lệ Thủy cũng như Mỹ Châu, Phượng Liên mới bắt đầu có vai chính – phụ đảo nhau, nghĩa là tuồng này người này đóng chính, tuồng khác đóng phụ và ngược lại.
Chỉ trong vòng 6 tháng, thu với nghệ sĩ Minh Cảnh các bài tân cổ giao duyên Mưa trên phố Huế, Duyên quê bắt đầu tên tuổi trở lại. Thu âm với các tuồng như Máu lạnh chùa hoang, Xin một lần yêu nhau… tên tuổi nổi lên, Lệ Thủy ký được nhiều hợp đồng mới.
Trước đó, năm 1964 khi soạn giả Viễn Châu kết hợp tân nhạc và cổ nhạc để tạo nên bản tân cổ giao duyên, đã chọn Lệ Thủy thể hiện cho thử nghiệm này, với bài hát Chàng là ai. Lệ Thủy nhớ khi ấy, chị cầm bài ca mà gãi đầu, băn khoăn: ‘Được không bác Bảy? Con thấy kỳ kỳ, không chừng người ta chê vì con có biết ca tân nhạc đâu?’. Soạn giả Viễn Châu quả quyết: ‘Mày nghe lời tao ca đi. Ca bài này, mày sẽ nổi tiếng’. Quả thật, sau khi đĩa phát hành, tên tuổi Lệ Thủy đã được khẳng định.
Vào tháng 2 năm 1984, Lệ Thủy được vinh dự tham gia Đoàn nghệ sĩ lưu diễn Tây Âu cùng với nghệ sĩ Bạch Tuyết, Diệp Lang, Ngọc Giàu, Minh Vương,….với các vở diễn Đời cô Lựu, Câu thơ yên ngựa... Báo chí thời đó gọi là đem chuông đi đánh xứ người đầu tiên sau ngày miền Nam thống nhất.
Sau chuyến đi về các nghệ sĩ trong đoàn đã hợp lại và thành lập nên Đoàn nghệ thuật 2-84. Vở tuồng Tô Ánh Nguyệt và Đời cô Lựu là hai vở tuồng khai trương cho đoàn 2-84. Tuồng Đời cô Lựu đã có Bạch Tuyết đóng, chỉ còn tuồng Tô Ánh Nguyệt nên Lệ Thủy nhận vai Nguyệt.
Tuồng này, được anh Diệp Lang viết thêm một đoạn, tập mấy tháng trời, đó là cao trào đoạn giao con của người mẹ, mặc dù không muốn nhưng do hoàn cảnh bị bệnh, nhà nghèo, vì tình thương gia đình mà buộc phải giao con, người mẹ đau đớn, như đứt từng khúc ruột…
Khi tuồng diễn được khán giả chào đón, ủng hộ nhiệt tình, có người khóc, cười như thấy mình trong đó, Lệ Thủy diễn nhập tâm khiến khán giả cũng xúc động nhiều. Khán giả xếp hàng mua vé, diễn nhiều xuất vẫn cháy vé'.
Người ta nói giọng hát thiên phú ấy đã vượt qua giới hạn của nghệ thuật, thời gian để đi đến cái tình cao cả, Lệ Thủy hát bằng cả tấm lòng, chị đã đem được cái tố chất con người thật của mình vào trong tiếng hát, làm người nghe, xem phải rơi nước mắt khi chị diễn, nó chạm đến cái ‘mốc’ tình cảm của khán giả. Chính vì thế Lệ Thủy đã chiếm được một vị trí rất đặc biệt trong lòng công chúng mộ điệu cải lương dù bao năm tháng đã đi qua.
Lệ Thủy đã vượt rất nhiều khó khăn, gian khổ, hy sinh để có được thành công, hạnh phúc như ngày nay. Đối với chị gia đình là chỗ dựa vững chắc trên con đường hành nghề ca hát, cũng như tất thảy mọi thứ. Phải nói rằng, cho đến thời điểm hiện tại, Lệ Thủy là một trong số ít nghệ sĩ có được kết quả mỹ mãn ‘3 trong 1’ là thành công trong nghiệp ca diễn, hạnh phúc bên gia đình, được công chúng trong và ngoài nước mến mộ.
Mặc dù thành đạt, nhưng chính từ nghèo khổ đi lên cho nên Lệ Thủy vẫn chân tình, giản dị, đồng cảm khi tiếp xúc với mọi người, từ ca diễn trên sân khấu đến cách ứng xử trong xã hội. Đây mới chính là cái tình lớn nhất mà công chúng dành cho chị, cũng như chị dành tặng lại cho họ qua từng lời ca, tiếng hát, vở tuồng, trích đoạn cải lương…
Với những đóng góp của mình cho nghệ thuật, Lệ Thủy đã vinh dự nhận được các giải như Thanh Tâm (năm 1964), là nữ nghệ sĩ trẻ nhất đoạt giải này sau 10 lần tổ chức; Giải Kim Khánh (1974); Giải A1 Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc (1980). Danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1993; Giải Mai vàng cho hạng mục Nữ diễn viên cải lương được yêu thích nhất do báo Người lao động tổ chức năm 2008 – 2009 và đặc biệt nhất là chị được nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân cao quý vào năm 2012…
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.