Làn sóng biểu tình tại Brazil vẫn chưa thể lắng dịu

       Liên tiếp trong hai tuần qua, nhiều cuộc biểu tình với sự tham gia của đông đảo người dân đã xảy ra ở Brazil đòi cải thiện điều kiện sống, phản đối chi phí sinh hoạt đắt đỏ trong khi chính phủ tiêu tốn hàng tỷ USD vào việc chuẩn bị cho World Cup 2014 và Đại hội thể thao Olympic mùa Hè 2016 mà nước này đăng cai.

 

Làn sóng biểu tình tại Brazil vẫn chưa thể lắng dịu (Ảnh: SIPA)

Làn sóng biểu tình ở Brazil bùng phát sau khi Quốc hội nước này đưa ra dự luật hạn chế quyền của các ủy viên công tố điều tra tham nhũng và các loại tội phạm khác. Nhiều người lo ngại đạo luật này sẽ cản trở nỗ lực nhằm bỏ tù các chính trị gia tham nhũng. Ngoài ra, những người biểu tình cũng phản đối việc dùng tiền thuế xây các sân vận động phục vụ Giải bóng đá World Cup 2014 mà Brazil đăng cai.

Theo một cuộc khảo sát do Viện IBOPE công bố ngày 22/6 trên tạp chí Epoca, hiện có tới 3/4 người dân quốc gia Nam Mỹ này ủng hộ làn sóng biểu tình phản đối các dịch vụ công nghèo nàn và nạn tham nhũng. Cụ thể, 77% số người được hỏi cho rằng chi phí giao thông công cộng đắt đỏ là nguyên nhân chính khiến họ bất bình.
Theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi tạp chí kinh tế Exame, vào tháng 8/2011, tham nhũng làm thất thoát nguồn thu công ít nhất 51 tỷ reais mỗi năm. Ước tính theo Liên đoàn các ngành công nghiệp của Sao Paulo (Fiesp) giảm xuống còn tổn thất ít nhất 1,4% GDP mỗi năm. Giả thiết cao hơn đánh giá một khoản tổn thất 2,3% GDP. Nếu số tiền này được triển khai cho một chương trình nhà ở dành cho các gia đình có thu nhập thấp “Minha Casa, Minha Vida” (“nhà của tôi, cuộc sống của tôi”), do Đảng Lao động (PT, đảng cánh tả cầm quyền) đưa ra, nó sẽ ngay lập tức giúp cho 918.000 gia đình. Chương trình sở hữu nhà này dự kiến sẽ trợ giúp cho hai triệu gia đình.

Một khiếu nại khác của những người biểu tình, đó là sự chậm trễ trong công việc và việc thực hiện do nạn tham nhũng gây ra. Ông Jose Ricardo Roriz Coelho, Giám đốc văn phòng cạnh tranh thuộc Fiesp, giải thích: “Tham nhũng gây ra những khó khăn cản trở tiến độ của dự án, đòi hỏi phải thêm chi phí và chi phí bổ sung để loại bỏ những trở ngại chính do nạn tham nhũng tạo ra”.

Thêm vào đó là nạn tham nhũng thường xuyên tái diễn trong số các quan chức chính trị. Đây được xem là một căn bệnh mãn tính của các chính trị gia tại đất nước Nam Mỹ này. Theo Transparência Brasil, Quốc hội của Basilia có các khoản chi lớn nhất so với Quốc hội của 10 quốc gia khác (Argentina, Canada, Chile, Mỹ, Pháp, Anh, Italia, Mexico và Bồ Đào Nha). Theo tính toán của họ, Quốc hội tiêu thụ 11.545 reais mỗi phút (con số của năm 2007).

Nhà kinh tế Gil Castello Branco, người sáng lập của tổ chức phi chính phủ Contas Abertas, khẳng định: “Tất cả các chỉ số cho thấy rằng tham nhũng đã trở thành vấn đề mãn tính ở Brazil”. Dự luật PEC 37, một văn bản trình Quốc hội và hạn chế quyền lực của các nhà điều tra và công tố viên chỉ làm tăng thêm sự oán giận của người biểu tình. Nhiều người biểu tình tố cáo đạo luật được gọi là PEC 37 vì lo ngại sẽ cản trở việc xử tù các chính trị gia tham nhũng.

Trong những cuộc biểu tình gần đây, người tham gia liên tục nhắc đến cuộc điều tra tham nhũng lớn trong lịch sử Brazil từ năm 2005 liên quan đến phụ tá cao cấp của cựu Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva mua chuộc thành viên Quốc hội bỏ phiếu cho các dự luật của mình. Năm ngoái, tòa án tối cao kết án 20 người liên quan và vụ việc này được ca ngợi là một bước ngoặt trong cuộc chiến chống tham nhũng của Brazil song những người bị kết án vẫn chưa bị bắt giam đã gây nên sự phẫn nộ trong dân chúng.

Mặc dù Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đã cam kết sẽ tăng cường cuộc chiến chống tham nhũng, nhưng đoàn người biểu tình dường như không tin vào những lời “hứa suông” của Tổng thống. Họ muốn Chính phủ phải có hành động ngay lập tức nhằm tăng cường chống tham nhũng, ổn định xã hội, cải thiện đời sống của người dân.
Đây là điểm đen, là khiếu nại lớn nhất mà những người biểu tình có thể đưa ra. Trong khi các trường đại học công ở mức hoàn hảo và được xếp cùng hàng với các học viện tốt nhất trên thế giới thì cả cấp tiểu học và thậm chí là trung học lại đang trong tình trạng tồi tệ. Và điều trớ trêu của hệ thống giáo dục lại chính là: phải qua các trường trung học tư nhân để vào các trường đại học công lập.

Các trường học, trường phổ thông cơ sở và các trường trung học phổ thông công lập đều đang có điều kiện cơ sở hạ tầng và chất lượng giáo dục tồi tệ. Không được trang bị, thiếu cơ sở vật chất khiến các lớp học phải sử dụng quay vòng và các học sinh tiểu học phải lựa chọn học vào buổi sáng hoặc vào buổi chiều. Người ta quan sát trong nhiều vùng hoặc các khu vực đặc biệt, học sinh thậm chí còn phải học vào ca thứ ba.

Trong năm 2000, 97% các trẻ em và thiếu niên tuổi từ 7 – 16 tuổi được hưởng lợi từ chương trình phổ cập giáo dục tiểu học toàn diện. Tình hình được cải thiện so với thập kỷ trước, tuy nhiên theo các chuyên gia vẫn còn chưa đủ.

Bên cạnh đó, một thực tế tồi tệ khác của nền giáo dục Brazil chính là đội ngũ giáo viên không có hoặc có rất ít kinh nghiệm giảng dạy. Chất lượng đào tạo của họ, vì thế, cũng rất kém. Họ cũng được trả lương rất thấp. Dù mức tiền lương thay đổi giữa các bang song mức thu nhập của một giáo viên thường chỉ từ 300 – 400 euro mỗi tháng, trung bình làm việc 16 giờ mỗi tuần.

Không thể phủ nhận rằng các cấp chính quyền của Brazil đã đưa ra một số biện pháp nhằm khắc phục những bất cập trong hệ thống giáo dục quốc gia.

Một lĩnh vực khác cũng bị chỉ trích rộng rãi tại Brazil, đặc biệt là đối với những người nghèo nhất, chính là y tế. Các điều kiện y tế, sức khỏe của một bộ phận lớn người dân Brazil vẫn còn rất bấp bênh mặc dù tuổi thọ đã được kéo dài (74 tuổi và 29 ngày).

Trên thực tế, hệ thống y tế phản ánh sự bất bình đẳng tại quốc gia này khi những người đủ giàu để được chăm sóc y tế với chất lượng tương đương hoặc vượt trội so với những người ở châu Âu, trong khi phần lớn dân số chỉ được tiếp cận với hệ thống y tế công cộng có chất lượng kém dù cũng đã được cải thiện trong thập kỷ qua.

Các dịch vụ y tế phải trả tiền do tư nhân đầu tư đã phát triển để kịp thời bù đắp những thiếu sót của khu vực công, và hiện là một sự thay thế đối với hơn 48 triệu người Brazil (hơn 30% dân số). Tuy nhiên, theo bà Ana Maria Costa, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Y tế Brazil (Cebes), người đã từng lên án việc “thương mại hóa y tế”, việc gia tăng các trung tâm y tế tư nhân như vậy có ảnh hưởng nghiêm trọng tới lĩnh vực y tế cộng đồng.

Ngoài ra, khoản ngân sách dành cho y tế của Brazil là tương đối nhỏ và vẫn chỉ ở mức bình quân 410 euro một người (ít hơn 4% GDP).

Theo dữ liệu của chính phủ nước này, hiện hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng của Brazil, phục vụ khoảng 75% trong số dân 194 triệu người ở quốc gia này, hiện thiếu khoảng 54.000 bác sĩ khám chữa bệnh, tính trung bình là 1,8 bác sĩ cho mỗi 1.000 người dân. Tình hình này đặc biệt nghiêm trọng tại các vùng xa xôi hẻo lánh.

Vấn đề y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng là một trong những lý do chính làm bùng phát làn sóng biểu tình từ ngày 11/6 ở Brazil, vốn ban đầu chỉ nhằm phản đối việc tăng giá xe buýt và xe điện ngầm.

Để “hạ nhiệt” làn sóng biểu tình ngày càng rầm rộ, Tổng thống Rousseff đã tuyên bố sẽ đẩy mạnh kế hoạch thuê đội ngũ bác sĩ nước ngoài, đặc biệt các bác sĩ từ Cuba, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh trong nước. Tuy nhiên, kế hoạch trên của chính phủ đã sớm vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ giới bác sĩ trong nước, cho rằng bước đi này của chính phủ chỉ nhằm che giấu những thất bại trong công tác y tế cộng đồng. Ủy ban Y khoa Liên bang, đại diện cho 400.000 bác sĩ Brazil, cho biết sẽ tổ chức một cuộc đình công vào ngày 3/7 tới để phản đối kế hoạch này./.