Thuế quan của ông Trump cô lập nước Mỹ
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin bác bỏ bình luận từ một số quan chức nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) rằng Mỹ đang nhường lại vị trí đầu tàu kinh tế toàn cầu
Mỹ độc chiến
Các lãnh đạo tài chính nằm trong số những đồng minh thân cận nhất của Mỹ đã phản ứng gay gắt với lệnh áp đặt thuế mới lên mặt hàng nhôm thép của chính quyền Tổng thống Trump sau 3 ngày nhóm họp tại Canada. Cuộc họp của nhóm G7 khép lại hôm 2-6 không những chưa đạt được bất kỳ giải pháp nào mà còn mở đường cho cuộc chiến nảy lửa nhiều khả năng xảy ra tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 trong tuần này tại Quebec.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ đã bất lực trong việc xoa dịu nỗi thất vọng của các thành viên G7 sau khi Mỹ áp đặt mức thuế 25% đối với thép và 10% lên mặt hàng nhôm của Mexico, Canada và Liên minh châu Âu (EU) hồi tuần rồi. Sau khi bị cô lập tại cuộc họp mà Bộ trưởng Tài chính Pháp, ông Bruno Le Maire, chua chát gọi là “một G6 +1”, bởi Mỹ một mình chống lại tất cả và gây ra nguy cơ bất ổn kinh tế, ông Mnuchin bị 6 nước thành viên G7 yêu cầu chuyển “thông điệp lấy làm tiếc và thất vọng” về vấn đề thuế quan đến ông chủ Nhà Trắng.
Phát biểu trong cuộc họp báo sau kỳ họp, Bộ trưởng Tài chính Canada, ông Bill Morneau, bày tỏ lo ngại những động thái của chính quyền ông Trump chẳng những không giúp ích gì cho nền kinh tế của nhóm mà còn đang phá hoại chúng. Trong tuyên bố chung được Canada công bố, các lãnh đạo tài chính G7 nhất trí về sự cần thiết của việc đưa ra hành động kiên quyết về vấn đề thuế quan tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới ở Quebec.
Trong khi đó, ông Bruno Le Maire cảnh báo Mỹ chỉ còn vài ngày để tránh cuộc chiến thương mại toàn diện với các đồng minh và tất cả tùy thuộc vào bước đi đầu tiên về thuế quan của Washington. Ông tuyên bố EU đã sẵn sàng thực hiện các biện pháp chống lại các mức thuế mới của Mỹ.
Ông Mnuchin cho hay ông không đồng thuận về tuyên bố sau cuộc họp của 6 quốc gia nói trên và khẳng định Tổng thống Trump tập trung vào tái cân bằng các mối quan hệ thương mại của Mỹ. Vị bộ trưởng cũng bác bỏ bình luận từ một số quan chức G7 rằng Mỹ đang phá vỡ các luật lệ thương mại quốc tế bằng thuế quan và nhường lại vị trí đầu tàu kinh tế toàn cầu.
Các bộ trưởng tài chính G7 nhóm họp tại British Columbia – Canada hôm 1-6 Ảnh: REUTERS
Tạo áp lực
Không chỉ đối mặt với làn sóng trả đũa đồng loạt từ các đồng minh như Canada, Mexcio và EU, Mỹ còn đang đối mặt nguy cơ chiến tranh thương mại trên một mặt trận khác với Trung Quốc. Bắc Kinh hôm 3-6 cảnh báo bất kỳ thỏa thuận nào về thương mại và kinh doanh với Mỹ đều sẽ bị hủy nếu Washington áp thêm thuế và các biện pháp thương mại khác khi hai nước vừa kết thúc vòng đàm phán mới nhất tại Bắc Kinh.
Về phía Mỹ, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross cho biết ông đã có các cuộc thảo luận thẳng thắn với giới chức Trung Quốc về vấn đề xuất khẩu, đồng thời Washington mong muốn các cuộc đàm phán sẽ dẫn đến những thay đổi cơ cấu trong nền kinh tế Trung Quốc, ngoài việc Bắc Kinh tăng cường mua hàng của Washington. Ông Ross được cho là đang cố tạo áp lực trong chuyến thăm kéo dài 2 ngày để Trung Quốc ký hợp đồng mua hàng hóa nông nghiệp và năng lượng dài hạn của Mỹ nhằm giúp giảm thâm hụt thương mại của Washington. Đội ngũ đàm phán của Mỹ cũng mong muốn bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ và chấm dứt sự bảo trợ của chính quyền Trung Quốc góp phần gây dư thừa sản lượng thép và nhôm.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.