Ăn bánh bèo với dao tre

          Người Quảng, khi đi xa, không ai không nhớ hương vị của chén bánh bèo dân dã quê mình.
         Bánh bèo Quảng khác trong Nam. Miền Trung nghèo khó, các món ăn, bao giờ cũng đặt yêu cầu no lên trước. Bánh bèo cũng vậy, bánh phải dày, phải nhiều chứ không bé tí, chỉ để “ăn chơi” như trong Nam, thanh nhã như ngoài Huế.

 

Nhớ ngày còn bé, khi rảnh tay, tôi thường phụ má và chị đổ bánh. Bánh bèo là món ăn rất mất công vì tốn nhiều… chén. Bột gạo sau khi xay, lấy trùng (pha nước vào bột) cho vừa, đổ vào chén, đĩa, thậm chí cả tô rồi cho vào chiếc nồi to để hấp. Nói lấy trùng cho vừa vì nếu bột quá lỏng, bánh bèo sẽ không đông lại, xem như hỏng, nếu đặc trùng quá, bánh sẽ cứng, ăn không ngon. Muốn chén bánh được ngon, ngoài lấy trùng vừa tay, phải đổ vào chén lượng bột vừa phải và hấp cho đến khi bánh chín tới, đem ra ăn. Một chén bánh bèo ngon chưa ăn chỉ cần nhìn là biết, chén bánh sau khi hấp, có vòng xoáy tròn ở tâm và màu trắng như lòng trắng trứng.

Nhưn (nhân) để ăn với bánh bèo rất đa dạng. Với người dân nghèo quê tôi thì nhưn bánh chỉ là bột gạo - thứ bột làm nên chén bánh. Bột gạo, cho vào ít nghệ bột, nước mắm, bột ngọt, hành lá… tất cả cho vào nồi quấy lên thành một thứ bột đặc quánh, quét lớp bột này (còn gọi là nhưn) lên chén bánh, thế là ăn. Gia đình nào khá giả tí thì nhưn bánh thêm một ít thịt heo xắt nhỏ hay tôm khô giã nhỏ trộn chung với bột.

Điều đặc biệt là dụng cụ để ăn của bánh bèo Quảng. Khi má đổ bánh thì ba tôi dùng tre vót thành những chiếc que giống như con dao gọi là dao tre. Dùng dao tre, quệt nhưn lên mặt bánh rồi xẻ chén bánh thành nhiều mảnh nhỏ, dùng đầu nhọn của dao tre, nạo một vòng quanh chén để lấy bánh ra khỏi chén. Hương thơm của bánh bèo quyện với mùi tre của con dao là hương vị mà khi xa quê, tôi cũng như những người con xứ Quảng mãi không bao giờ quên được.