Ăn cả tiền “giải cứu” tù nhân thì không nỗi đau nào bằng!
Những tù nhân mãn hạn ở Malaysia chủ yếu là ngư dân đánh bắt cá trên biển Đông thì làm gì có tiền nộp cho đại sứ quán với mức 20,3 – 34 triệu đồng/người để được lên “chuyến bay giải cứu”?
Chỉ qua 4 ngày diễn ra phiên tòa xét xử vụ án “chuyến bay giải cứu” đã lộ ra nhiều thủ đoạn làm tiền của một số cán bộ biến chất. Thật là khủng khiếp khi họ thản nhiên thu những đồng tiền xương máu của đồng bào, thản nhiên trục lợi hàng trăm tỉ đồng của những người xa xứ đang mong mỏi được hồi hương.
Càng đau xót hơn, ngay cả với những người tù vừa mãn hạn ở Malaysia, họ cũng không tha!
Những tù nhân này đa phần là ngư dân đánh bắt cá trên biển Đông mà phía Malaysia cho rằng vi phạm lãnh hải. Họ mãn hạn tù trong lúc dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới và Việt Nam công bố tình trạng khẩn cấp. Nước bạn yêu cầu Việt Nam đưa công dân về nước, thế là họ “rơi vào tay” của cựu đại sứ Việt Nam tại Malaysia Trần Việt Thái.
Bị cáo Trần Việt Thái được dẫn giải tới phiên toà
Với thân phận là tù nhân ở nước ngoài, cuộc sống của họ kham khổ mọi bề. Là tù nhân, họ làm gì có công việc để làm, có tiền để đóng phí? Thế nhưng, bằng nhiều cách, cựu đại sứ Trần Việt Thái và thuộc cấp vẫn thu được của mỗi tù nhân từ 20,3 – 34 triệu đồng. Với gần 1.900 tù nhân mãn hạn, họ thu được tổng cộng hơn 44 tỉ đồng và nghiễm nhiên chia chác phần “lãi ròng” hơn 10 tỉ đồng.
Ăn tiền một cách tàn bạo. Nhẫn tâm và vô cảm với những thân phận của đồng bào đang ở cảnh ngộ nguy nan. Mà càng nguy nan, càng khó khăn thì càng bị bắt chẹt, không có cách nào từ chối đòi hỏi vô lý của vị cựu đại sứ biến chất.
Với cương vị đại sứ, lẽ ra ông Thái phải đặt trách nhiệm bảo hộ công dân lên trên hết. Trong tình thế dịch bệnh bao vây, thiếu thốn trăm bề, trách nhiệm này càng phải được thực thi quyết liệt nhất, thậm chí phải tìm mọi cách lo kinh phí “giải cứu”, chăm sóc sức khỏe cho công dân.
Thế mà, vừa nhậm chức chỉ khoảng 7 tháng, vị cựu đại sứ đã tìm ra cơ hội kiếm tiền trên nỗi khốn khó của 1.900 người vừa mãn hạn tù phải trở về nước. Nỗi đau về thân phận, gia cảnh khó khăn của những con người ấy, vị cựu đại sứ không hề nhìn thấy hay là đã bị che mắt bởi sự tham lam đến tàn nhẫn?
Ngay cả khi bỏ qua vấn đề trách nhiệm nhưng với lương tâm của một con người bình thường, hẳn ai cũng có lòng trắc ẩn với những thân phận khốn khó nơi đất khách quê người. Chưa kể, ai trong mỗi chúng ta đều có cái nghĩa đồng bào, có dòng máu dân tộc luôn chảy trong tim nhưng trong vụ việc này thì không như vậy. Dường như tất cả đều được xét trên giá trị làm lợi cho túi tiền.
Cũng thật khó hiểu vì sao việc “ăn” tiền của số lượng lớn người như vậy đâu dễ giấu giếm, mà họ làm thản nhiên và nhanh chóng đến vậy!? Hay đây là chuyện “bình thường”, có thể làm mà không cần lo sợ hay áy náy?
Cùng ra tòa với ông Thái, có hàng loạt cựu quan chức khác, thậm chí có cả thứ trưởng. Trong số họ, có những người thản nhiên nhận những đồng tiền tội lỗi đến hàng trăm lần, thậm chí trả treo như mua một món hàng giữa chợ. Điều gì đã biến họ thành như thế?
Tại sao những sai phạm động trời như trong vụ án “chuyến bay giải cứu” diễn ra mà chậm được phát hiện, ngăn chặn kịp thời? Ngay khi vụ án tai tiếng này được đưa ra xét xử, cơ quan chức năng cũng chỉ xét xử trên vụ việc chứ khó có thể chỉ ra lỗ hổng trong bộ máy kiểm soát cán bộ tại những cơ quan có cán bộ liên đới.
Xử lý từng cá nhân sai phạm chỉ mang tính răn đe, khắc phục hậu quả. Quan trọng hơn là cần tìm ra căn nguyên của tham nhũng, biến chất để ngăn chặn sự tha hóa lây lan trong bộ máy.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.