Ấn Độ: 50% đất nước chìm trong bóng tối
Vụ mất điện ở Ấn Độ trong hai ngày 30 và 31-7 ảnh hưởng đến gần 700 triệu người, tức hơn một nửa dân số nước này tại 20 bang trong tổng số 29 bang.
Báo động đỏ: hệ thống hạ tầng ngành điện phát triển không theo kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Giao thông ở New Delhi tê liệt do mất điện - Ảnh: AFP |
Ngày 1-8, như báo Hindustan Times cho biết mạng lưới điện bắc, đông và đông bắc Ấn Độ đã hoạt động trở lại sau hai ngày tê liệt. Ông S.K. Soonee, tổng giám đốc Công ty điện lực Power System Operation, chi nhánh của Tập đoàn điện lực nhà nước PGCIL, cho biết các kỹ sư đã làm việc liên tục suốt đêm để sửa chữa hệ thống điện. Tuy nhiên điện vẫn chập chờn ở nhiều nơi khắp Ấn Độ.
Bộ trưởng điện lực Veerappa Moily, người vừa chân ướt chân ráo nhậm chức, tuyên bố: “Sẽ phải tìm ra giải pháp trong tình huống khó khăn này”. Bởi vì “nhu cầu năng lượng ở Ấn Độ thật sự quá lớn và chúng tôi sẽ phải nỗ lực đuổi kịp tốc độ phát triển”.
Hỗn loạn
“Giống như là thay thuyền trưởng tàu Titanic sau khi con tàu đâm vào tảng băng khổng lồ” Báo The Times of India mô tả việc thăng chức cho Bộ trưởng điện lực Sushilkumar Shinde ngay vào lúc cả nước đang chìm trong bóng tối |
Press Trust of India (PTI) mô tả: trong hai ngày 30 và 31-7 khoảng 18 bang và hai vùng lãnh thổ ở phía đông và bắc Ấn Độ bị mất điện hoàn toàn, ảnh hưởng tới gần 700 triệu người. Đây là vụ mất điện lớn nhất trong lịch sử thế giới với số người bị ảnh hưởng lớn hơn tổng số dân Mỹ, Brazil và Nga cộng lại. Hệ thống đường sắt toàn quốc tê liệt. Khoảng 400 đoàn tàu đứng im trên đường suốt nhiều giờ. Hệ thống tàu điện ngầm ở thủ đô New Delhi đình trệ.
Hàng chục ngàn nhà máy, công ty, bệnh viện khắp cả nước hoạt động cầm cự bằng máy phát điện chạy dầu. Khoảng 270 thợ mỏ làm việc tại hai khu mỏ ở miền đông bị mắc kẹt dưới lòng đất suốt sáu giờ do thang máy ngừng hoạt động, và chỉ được cứu thoát vào đêm 31-7. Tại lò hỏa thiêu Nigambodh Ghat ở New Delhi, các lò đốt xác bằng điện ngừng hoạt động, người ta đã phải cho củi vào đốt nhiều thi thể cháy dở.
Hệ thống đèn giao thông ngừng hoạt động khiến nhiều thành phố rơi vào cảnh tắc nghẽn kinh hoàng. Đường phố New Delhi ầm ĩ tiếng động cơ diesel để chạy máy phát điện. Hàng chục ngàn người tranh nhau ùa vào các trung tâm thương mại có điều hòa nhiệt độ chạy bằng máy phát điện do trời nóng tới 46OC. Lực lượng bảo vệ một số trung tâm buộc phải khóa cửa do lo sợ tình trạng chen lấn, giẫm đạp lên nhau bên trong các tòa nhà. Cảnh sát đã phải xuống đường điều khiển giao thông.
Liên hiệp Công nghệ Ấn Độ (CII) ước tính thiệt hại đối với các doanh nghiệp lên đến hàng trăm triệu USD. Nhưng điều đáng lo ngại nhất là hình ảnh của Ấn Độ đã bị hủy hoại nghiêm trọng trong mắt giới đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong thời điểm kinh tế thế giới đang ảm đạm. Vụ mất điện đã phơi bày thực trạng hạ tầng yếu kém của Ấn Độ. Chủ tịch CII Chandrajit Banerjee cho rằng điều khẩn thiết lúc này đối với Ấn Độ là phải cải thiện hạ tầng để theo kịp tốc độ phát triển.
Báo Economic Times đăng bài trang nhất với tựa đề “Siêu cường Ấn Độ: Hãy yên nghỉ”. Báo The Times of India cũng chạy tít lớn “Mất điện và rối như tơ vò”.
Kinh tế tăng trưởng gấp 4 lần, điện tăng chưa đến 50%
Trong hai ngày qua, truyền thông Ấn Độ đã chỉ trích dữ dội chính quyền New Delhi. Báo Dainik Jagran chạy tít lớn trên trang nhất “Người dân chìm trong sự tăm tối của chính phủ” cùng xã luận “Delhi mất điện và bất lực”. Từ lâu, truyền thông và giới chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo chính phủ về nguy cơ mất điện trên diện rộng ở Ấn Độ. Nạn hạn hán năm nay không phải là nguyên nhân duy nhất gây nên vụ mất điện khủng khiếp như lần này.
Từ nhiều năm qua, sản lượng điện thiếu hụt đã không ngừng tăng lên và hiện ở mức trung bình 10% trên toàn quốc, thậm chí đến 25% ở nhiều bang. Trong khi nền kinh tế Ấn Độ đã tăng trưởng gấp bốn lần từ năm 2000 đến 2010 nhưng sản lượng điện lại chỉ tăng chưa đến 50%. Sản lượng này được cung cấp bởi các nhà máy nhiệt điện vốn lệ thuộc vào việc nhập khẩu than do sử dụng công nghệ lạc hậu, tham nhũng tràn lan, cho dù Ấn Độ là nước sản xuất than thứ ba thế giới.
Chính phủ dự kiến tăng nguồn điện hạt nhân hiện chiếm 3% lên 25% vào năm 2050. Thủ tướng Manmohan Singh cũng đã cam kết cải tổ mạnh mẽ ngành điện, bao gồm cam kết đầu tư 1.000 tỉ USD vào các dự án hạ tầng, trong đó có điện, nhưng việc cải tổ diễn ra rất ì ạch.
Chuyên gia Vivek Pandit thuộc Liên đoàn Phòng thương mại và công nghiệp Ấn Độ khẳng định đã đến lúc chính phủ phải cải tổ toàn bộ ngành điện lực.
Bất ngờ, ngay vào lúc cả nước đang chìm vào bóng tối thì Bộ trưởng điện lực Sushilkumar Shinde lại được thăng chức lên ghế bộ trưởng nội vụ và một quan chức ít tiếng tăm là Veerappa Moily lên “gánh nợ” bằng một việc cải tổ nhỏ. Báo The Times of India đã mỉa mai khi so sánh cuộc cải tổ này “giống như thay thuyền trưởng tàu Titanic sau khi con tàu đâm vào tảng băng khổng lồ”.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.