Ấn Độ- Trung Quốc chú trọng giải quyết vấn đề biên giới

Thủ tướng Manmohan Singh mong muốn qua chuyến thăm này “củng cố các lợi ích chiến lược chung” của 2 quốc gia.

Ngày 22/10, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã có mặt ở Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm chính thức Trung Quốc 3 ngày sau khi ông trở về từ Hội nghị Thượng đỉnh thường niên Ấn Độ – Nga lần thứ 14 tại Moscow.

Trong chuyến thăm tới Trung Quốc, Thủ tướng Singh và người đồng cấp phía Trung Quốc, ông Lý Khắc Cường sẽ ký kết một hiệp định biên giới mới, 2 bên cũng sẽ bàn thảo về vấn đề thâm hụt thương mại giữa New Delhi và Bắc Kinh.

Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh sẽ có cuộc Hội đàm cấp cao với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong ngày 23/10 (Ảnh: PTI)

 

Trước chuyến thăm, Thủ tướng Singh nhấn mạnh, dù có những vấn đề lịch sử về biên giới, Ấn Độ và Trung Quốc cần nỗ lực giải quyết một cách thận trọng và chân thành, không làm ảnh hưởng bầu không khí hợp tác hữu nghị. Cũng theo ông Singh, lãnh đạo 2 nước cần có sự kết nối chiến lược để tìm kiếm cách giải quyết vấn đề biên giới và hướng tới tương lai.

Ông Singh đã nói: “Chuyến thăm Bắc Kinh sẽ cho tôi cơ hội để tiếp tục đàm phán với các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc. Chúng tôi đã cùng nhau đạt được sự đồng thuận trong việc duy trì hòa bình, ổn định trên thế giới và những tiến bộ sơ bộ hướng tới giải quyết các vấn đề biên giới giữa 2 nước”.

Cũng theo ông Singh, trong chuyến thăm Trung Quốc, ông sẽ thảo luận với Thủ tướng Lý Khắc Cường về “cách thức và phương tiện để củng cố các lợi ích chiến lược chung” của 2 quốc gia.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nói: “Chúng tôi hy vọng Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục tăng cường tin cậy lẫn nhau, đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực, phối hợp trong các vấn đề lớn của khu vực và toàn cầu nhằm thúc đẩy sự phát triển của các mối quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ thông qua các cuộc hội đàm cấp cao”.

Vấn đề biên giới

Theo dự kiến, các nhà ngoại giao và quan chức 2 nước có thể sẽ hoàn thành và đi đến ký kết một hiệp định hợp tác quốc phòng biên giới Trung – Ấn mới. Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức ngoại giao Ấn Độ cho hay, hiệp định hợp tác quốc phòng biên giới lần này được xây dựng trên những giải pháp xây dựng lòng tin sẵn có và được thiết kế để đảm bảo việc tuần tra dọc đường kiểm soát thực tế (hay còn gọi là đường biên giới chưa phân định) không leo thang thành các cuộc giao tranh.

Cụ thể, 2 nước sẽ thông báo cho nhau về các cuộc tuần tra dọc biên giới và đảm bảo các cuộc tuần tra này không “bám đuôi” nhau để giảm thiểu khả năng đối đầu. Hai bên cũng sẽ lập đường dây nóng giữa các quan chức cấp cao.

Thông báo về chuyến đi của ông Singh hôm 18/10, Ngoại trưởng Ấn Độ Sujatha Singh nói: “Duy trì hòa bình, ổn định trên biên giới là yếu tố quan trọng trong quan hệ song phương của chúng tôi với Trung Quốc. Chúng tôi kỳ vọng rằng đây sẽ là một khía cạnh quan trọng của cuộc thảo luận giữa đôi bên”.

Trong một bài trả lời phỏng vấn trước chuyến thăm Trung Quốc, Thủ tướng Singh nói: “Vấn đề biên giới Ấn Độ – Trung Quốc rất phức tạp và nhạy cảm, chúng tôi đã thành lập các cơ quan đại diện đặc biệt để cùng nhau làm việc và tìm ra một giải pháp chính trị… Đây không phải là vấn đề dễ dàng nên sẽ mất thời gian để có thể giải quyết thấu đáo”.

Ông Singh nhấn mạnh: “Trong khi quá trình đàm phán vẫn còn đang diễn ra, cả 2 Chính phủ Ấn Độ và Trung Quốc cam kết duy trì hòa bình, ổn định, đặc biệt là tại khu vực biên giới giữa 2 nước. Đây là sự bảo đảm quan trọng và là nền tảng cơ bản cho sự tiến bộ, thúc đẩy quan hệ song phương”.

Thủ tướng Singh cho rằng, giữa 2 nước còn có những khác biệt về quan điểm, nhưng cả Ấn Độ và Trung Quốc đã kiểm soát tình hình và không đẩy căng thẳng leo thang ở những khu vực tranh chấp. Ông Singh tin rằng, những khác biệt sẽ sớm được giải quyết thông qua đối thoại và mở rộng hợp tác.

Cũng theo ông Singh, “sự đồng thuận chiến lược giữa các nhà lãnh đạo Ấn Độ và Trung Quốc” cùng với việc “tăng cường đối thoại và trao đổi thân thiện giữa quân đội 2 nước” sẽ sớm mang lại những kết quả tốt đẹp.

Tuy nhiên chuyên gia phân tích Srikanth Kondapalli, trưởng khoa nghiên cứu Đông Á Trường đại học Jawaharlal Nehru (Ấn Độ) cho rằng: “Sẽ không có điều thần kỳ nào giúp Thủ tướng Singh ra về với một kết quả mỹ mãn”. Theo ông Kondapalli, hiệp định biên giới mới nếu đạt được cũng chỉ có thể giải quyết được một phần trong số rất nhiều vấn đề liên quan đến tranh chấp biên giới giữa 2 nước.

Trên thực tế, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh cũng đang phải đối mặt với sự công kích của phe đối lập trong Quốc hội vì phản ứng mà họ gọi là “quá mềm mỏng” trong các tranh chấp thương mại và tranh chấp biên giới với Trung Quốc.

Bốn ngày trước chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng Manmohan Singh, ông Narendra Modi, lãnh đạo Đảng đối lập chính tại Ấn Độ Bharatiya Janata (BJP) đã công khai chỉ trích ông Singh khi cho rằng, việc Thủ tướng không có những hành động cứng rắn chẳng khác nào khuyến khích quân đội Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ Ấn Độ.

Khi đề cập đến những căng thẳng tại khu vực biên giới giữa 2 quốc gia đông dân nhất thế giới, ông Modi nói: “Chúng tôi đã yếu mềm khi chúng tôi cần phải mạnh mẽ… Chính phủ hiện tại có cách tiếp cận quá yếu đuối trong các tranh chấp với Trung Quốc. Họ (Chính phủ của Thủ tướng Singh) tự đặt mình vào thế yếu trong các tranh chấp đó”.

Những tuyên bố của ông Modi có thể chính là tín hiệu cho thấy một lập trường cứng rắn hơn của Ấn Độ dành cho Trung Quốc trong tương lai bởi vì ông Modi chính là ứng cử viên cho cương vị Thủ tướng Ấn Độ sau khi ông Singh mãn nhiệm.

Chuyên gia Srikanth Kondapalli nói: “Một vị thủ tướng thuộc đảng BJP sẽ có thái độ cứng rắn hơn trong các vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc. Nếu BJP lên cầm quyền, họ sẽ tái xây dựng các căn cứ quân sự và tăng cường, củng cố cơ sở hạ tầng ở khu vực biên giới. Rõ ràng là Trung Quốc sẽ không thích thú gì với việc này, và mối quan hệ 2 nước có thể sẽ gặp nhiều trở ngại”.

Thỏa thuận về thị thực

Ngày 18/10, trong một tuyên bố tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nói: “Trung Quốc sẽ hoan nghênh một thỏa thuận để nới lỏng hạn chế hoạt động cấp thị thực cho công dân 2 nước”.

Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh gặp gỡ Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại New Delhi ngày 20/5/2013 (Ảnh: IANS)

 

Tuy nhiên, tờ Indian Express của Ấn Độ, ngày 19/10 đưa tin cho hay, thỏa thuận nới lỏng thị thực nhập cảnh của Ấn Độ với Trung Quốc đã bị New Delhi quyết định tạm ngưng vào phút chót. Văn bản này vốn được trông đợi sẽ được ký kết trong chuyến thăm Bắc Kinh lần này của Thủ tướng Singh.

Giới quan sát đánh giá đây được coi là động thái để phản đối việc Trung Quốc hồi tuần trước chỉ cấp thị thực rời cho hai cung thủ Ấn Độ đến từ vùng Arunachal Pradesh, khu vực Ấn Độ quản lý nhưng Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Sau sự việc trên, Ngoại trưởng Ấn Độ Sujatha Singh hôm 18/10 đã lên tiếng khẳng định: “Arunachal Pradesh là một phần lãnh thổ toàn vẹn và không thể tách rời của Ấn Độ”.

Thâm hụt thương mại

Một vấn đề khác không kém phần quan trọng chắc chắn sẽ xuất hiện trên bàn nghị sự khi Thủ tướng Singh ở thăm Trung Quốc, đó là vấn đề thâm hụt thương mại. Cán cân thương mại song phương Trung – Ấn đã dần nghiêng về phía có lợi cho Trung Quốc kể từ khi 2 nước bắt đầu các hoạt động giao thương. Trung Quốc chủ yếu xuất khẩu điện và thiết bị viễn thông sang Ấn Độ.

Theo các chuyên gia phân tích, thâm hụt thương mại ngày càng lớn cũng là nhân tố gia tăng sự bất đồng hai bên. New Delhi đang gia tăng sức ép để Bắc Kinh mở rộng hơn nữa thị trường cho dược phẩm và các dịch vụ công nghệ thông tin của Ấn Độ.

Dư luận Ấn Độ cũng đặt kỳ vọng chuyến thăm của Thủ tướng Singh sẽ có thể cải thiện được tình trạng Ấn Độ bị thâm hụt thương mại lên đến 39 tỷ USD với Trung Quốc. Trong khi đó, về phần mình, Trung Quốc phủ nhận chuyện thâm hụt thương mại hay hạn chế nhập khẩu, đồng thời đổ lỗi cho sự mất cân đối là do “khác biệt trong cơ cấu kinh tế hai nước”.

Các con số thống kê cho thấy, thương mại song phương giữa hai nước đạt 74,9 tỷ USD năm 2011, và Trung Quốc chính là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ. Tuy nhiên, con số này đã sụt giảm xuống còn 66 tỷ USD chiếm khoảng 8,3% tổng kim ngạch thương mại của quốc gia Nam Á này trong năm 2012.

Mục tiêu trong các cuộc đàm phán để cải thiện mối quan hệ thương mại giữa 2 nước là tìm ra giải pháp cân bằng thâm hụt thương mại khi hai bên hướng tới mục tiêu đạt 100 tỷ USD kim ngạch thương mại song phương vào năm 2015.

Ông Zhao Gancheng , người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Nam Á tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải trả lời tờ Global Times cho rằng, các mối quan hệ thương mai song phương Trung – Ấn đang ở vào giai đoạn phát triển tích cực nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên ông cũng cảnh báo rằng, thâm hụt thương mại thực sự là nhân tố làm rối loạn sự phát triển thương mại giữa 2 nước. Theo ông Zhao, “giải pháp tốt nhất để đối phó với thâm hụt thương mại Trung – Ấn đó là tăng cường đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Ấn Độ”.

Theo các chuyên gia phân tích,về phía Ấn Độ, trong mối quan hệ với Trung Quốc còn tồn tại nhiều nghi kỵ, nhưng tăng cường hợp tác với Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại là phù hợp với lợi ích của nước này trong bối cảnh hiện nay.

Ở chiều ngược lại, để đối phó với chiến lược xoay trục sang khu vực châu Á Thái Bình Dương của Mỹ, việc không làm mất lòng một nước láng giềng có vị thế và tiếng nói quan trọng trong khu vực như Ấn Độ sẽ là một nước cờ khôn ngoan của Bắc Kinh. Chính vì lý do đó, việc Trung- Ấn tăng cường hợp tác và giải quyết bất đồng là điều hoàn toàn dễ hiểu./.

Cường Trần/vov.vn