Ăn mít giải độc rượu.
Ngoài giá trị ăn uống, quả mít và nhiều bộ phận của cây mít còn được nhân dân ta dùng làm thuốc chữa bệnh từ lâu đời.
Nhiều sách thuốc cổ nói đến tác dụng bồi bổ của mít.
Theo Tuệ Tĩnh thì ăn mít đỡ khát, chữa được ngộ độc rượu, nhẹ mình và giúp da mặt thêm tươi đẹp.
Lá mít là một vị thuốc lợi sữa dân gian thông dụng. Phụ nữ sau khi đẻ thiếu sữa nuôi con, dùng lá mít tươi mỗi ngày 40g nấu nước uống sẽ tăng thêm sữa.
Bà con ta cũng thường lấy lá mít tươi giã nát đắp lên những mụn nhọt đang sưng đau để chữa bệnh hoặc dùng lá mít khô nấu thành cao, bôi lên những vết lở loét có kết quả tốt.
Mít có hai loại chính: mít mật và mít dai. Nhiều người thích ăn mít dai hơn vì múi dày, thơm, giòn, ngọt. Nhưng cũng có người thích ăn mít mật, mềm và ngọt đậm hơn.
Cả hai loại mít đều có nhiều muối khoáng và vitamin (kali, natri, canxi, phôtpho, sắt, caroten, vitamin B2, vitamin C…). Vì chứa nhiều gluxit, bao gồm nhiều loại đường đơn cơ thể dễ hấp thu như glucoza, fructoza… nên quả mít có tác dụng bồi dưỡng tốt.
Từ quả và xơ mít bà con ta chế biến ra một món ăn dân dã độc đáo, đó là nhút mít. Có những địa phương làm nhút mít ngon nổi tiếng như huyện Thanh Chương (Nghệ An). Nhút thường được làm từ xơ mít chín hoặc quả mít xanh còn non chưa chắc hạt, đem gọt vỏ, thái ra, muối như muối dưa.
Nhút muối khéo có màu trắng muốt, vị chua ngon, vừa dai vừa giòn, chấm với tương ngọt ăn rất ngon. Nhút mít còn được dùng để xào nấu, làm nộm nhút, nấu canh chua với thịt, với cá…
Hạt mít cũng là một thức ăn giàu tinh bột và protit, có giá trị dinh dưỡng tốt không kém các loại lương thực (trong 100g hạt mít khô có 70% tinh bột, 5,2g protid, 0,62g lipit) nên được nhân dân ta luộc, hấp cơm hoặc nướng ăn rất phổ biến.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.