Ăn Tết thế nào để tránh tăng cân?
Mỗi dịp Tết về là thời gian mà con cháu đoàn tụ, xum vầy để bày tỏ lòng kính trọng, biết ơn đến tổ tiên, ông bà và cũng là dịp giao lưu với nhau.
Đây cũng là thời gian chúng ta thường chuẩn bị những món ăn ngon, bổ dưỡng nếu sử dụng các món ăn trong dịp này không hợp lý chúng ta có thể bị tăng cân, hoặc dễ mắc phải một số bệnh về đường tiêu hóa.
Để đảm bảo sức khỏe cho bạn và các thành viên khác trong gia đình, chuyên gia dinh dưỡng, BS Nguyễn Trọng Hưng, Phó trưởng khoa Dinh dưỡng Lâm sàng và Tiết chế, Viện Dinh dưỡng Quốc gia tư vấn bạn hãy chú ý đến việc phối hợp ăn uống sao cho hợp lý trong ngày tết:
1. Hạn chế những món ăn xào rán
Một số món ăn phổ biến trong ngày Tết như: bánh chưng, thịt đông, thịt kho tàu, nem rán,… thường chứa nhiều năng lượng. Vì vậy, bạn nên ăn hạn chế những món ăn trên và cần kết hợp sử dụng thêm các loại thực phẩm khác.
Trong rau, hoa quả không chỉ có chứa nhiều vitamin giúp làm đẹp da mà còn bảo vệ sức khỏe vô cùng hiệu quả, cũng như phòng tránh tăng cân nói chung cũng như trong dịp Tết.
Thói quen ăn ít hoặc không ăn rau trong những ngày Tết hiện tại khá phổ biến trong các gia đình Việt Nam. Đây là điều không hợp lý cho sức khỏe, cần được điều chỉnh. Lưu ý, chúng ta cũng nên sử dụng rau luộc nhiều, ít xào rán.
3. Hạn chế rượu, bia, nước ngọt đóng chai
Rượu, bia là những thực phẩm có độ cồn cao gây hại cho thận, gan dạ dày và nhiều cơ quan khác của cơ thể. Vì vậy, trong những ngày Tết, với những người sử dụng, chỉ nên uống rượu vang, hoặc bia rượu an toàn để kích thích tiêu hóa.
Phụ nữ và trẻ em nên sử dụng nước ngọt đóng chai ít nhất có thể, vì nếu lạm dụng rượu, bia hay nước ngọt đóng chai vừa không tốt cho sức khỏe mà còn nguy cơ gây tăng cân, thừa cân-béo phì.
4. Hạn chế mứt, kẹo và các loại hạt
Các loại bánh mứt có chứa hàm lượng đường cao nên dễ gây cảm giác ngán cho cả người bình thường. Các thức ăn này chủ yếu là nhóm đường đơn, chỉ số đường rất cao, rất ít chất xơ, dễ làm tăng đường huyết nên không thích hợp cho bệnh nhân đái tháo đường, thừa cân-béo phì. Đối với bệnh nhân thừa cân-béo phì, đái tháo đường mà đường huyết kiểm soát tốt có thể dùng số lượng ít. Ngược lại, nhóm bệnh nhân béo phì nặng, hoặc bệnh nhân đái tháo đường mà đường huyết kiểm soát kém thì không nên sử dụng.
5. Nên phối hợp một số món ăn
Trong bữa ăn, chúng ta cần đa dạng, phối hợp và đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm chính, đó là: nhóm thực phẩm cung cấp chất đạm, nhóm thực phẩm cung cấp chất béo, nhóm thực phẩm cung cấp tinh bột, và nhóm cung cấp vitamin và chất khoáng từ rau xanh và hoa quả tươi.
6. Uống nhiều nước lọc
Ngày thường bạn đã được khuyên uống đủ nước mỗi ngày. Vào dịp Tết, bạn càng phải lưu ý hơn đến điều này vì thông thường trong những bữa ăn ngày Tết, bạn có thể sử dụng nước ngọt đóng chai hoặc bia nhiều hơn nước lọc. Những thức uống đó và một số thức khác như rượu, trà, cà phê,… thực chất có thể làm bạn tăng cân hoặc không tốt cho sức khỏe nếu bạn lạm dụng chúng. Hãy cố gắng bổ sung thêm nước lọc trong ngày.
7. Tăng cường vận động
Thông thường trong ngày Tết, bạn sẽ mất nhiều thời gian cho việc nấu nướng, dọn dẹp, đi chúc Tết, đi chơi Tết,… và không còn nhiều thời gian cho việc tập luyện thể thao. Ngoài ra, những địa điểm tập luyện cũng không mở cửa phục vụ trong dịp Tết. Vậy thì tại sao bạn không tập luyện tại nhà?
Những động tác vận động toàn thân sẽ giúp bạn tiêu hao lượng calo thừa và cho bạn một tinh thần sảng khoái. Chỉ cần 30 phút tập mỗi ngày trong suốt những ngày nghỉ, bạn sẽ cảm thấy thật khỏe khoắn để bắt tay vào những dự định cho năm mới.
BS Nguyễn Trọng Hưng cho rằng: không có thức ăn xấu, không có thức ăn tốt, không có thực phẩm nào hoàn hảo. Thức ăn tốt hay xấu là phụ thuộc vào cách ăn uống của mỗi người. Vì thế, chúng ta nên ăn uống đa dạng thực phẩm, ăn vừa phải, đảm bảo đủ nhu cầu dinh dưỡng, uống đủ nước, không lạm dụng rượu, bia, nước ngọt đóng chai và đừng quên vận động hàng ngày./.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.