Ấn tượng triển lãm ảnh “Trẻ em thời chiến”

      “Trẻ em thời chiến”, một triển lãm ảnh ấn tượng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc đã khai mạc tại Hà Nội chiều 7/9.

 

 Cắt băng khai mạc triển lãm. Ảnh: TTXVN


     Triển lãm do Thông tấn xã Việt Nam, Nhà xuất bản Kim Đồng và Công ty truyền thông tầm nhìn Á Châu tổ chức để cùng các em học sinh, sinh viên trên cả nước đón chào năm học mới, kỷ niệm 55 năm thành lập Nhà xuất bản Kim Đồng và hướng tới kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, chấm dứt chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở miền Bắc Việt Nam kéo dài suốt 8 năm (5/1964-12/1972).

Với hơn 70 bức ảnh màu và đen trắng, triển lãm ảnh “Trẻ em thời chiến” giới thiệu tới công chúng về cuộc sống, học tập, lao động của trẻ em trong khoảng thời gian 8 năm đế quốc Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc. Những bức ảnh trong triển lãm đã phản ánh vô cùng sinh động, chân thực cuộc sống của trẻ em từ bậc nhà trẻ, mẫu giáo, phổ thông. Các em đều học tập trong những căn hầm đất vững chắc, tự làm mũ rơm tránh bom đạn, học băng bó cứu thương và cả làm bánh mỳ, nấu ăn phục vụ cuộc sống của chính mình; tự tay đào hầm hào để trú ẩn, làm kế hoạch nhỏ đóng góp cho kháng chiến. Các em học tập trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn về lớp học, bàn ghế, sách vở và luôn bị “quấy phá” bởi tiếng báo động, sơ tán tránh bom đạn kẻ thù nhưng vẫn vươn lên học giỏi, chăm ngoan. Thật xúc động khi xem những bức ảnh về tấm gương vượt lên hoàn cảnh, số phận không may của cậu bé Nguyễn Ngọc Ký, Hoa Xuân Tứ, dù không còn đôi tay nhưng vẫn cố gắng làm mọi thứ bằng đôi chân nhỏ bé, học giỏi và giành được nhiều thành tích đáng nể, nhận dược danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ”. Hình ảnh thời thơ ấu hồn nhiên, chăm ngoan học tập của “thần đồng thơ thiếu nhi” Trần Đăng Khoa cũng được trưng bày trong triển lãm này…

Bên cạnh những bức ảnh ấn tượng về trẻ em học tập, sinh hoạt thời chiến tranh, triển lãm cũng trưng bày một số hiện vật lịch sử như: Mũ rơm, đèn pin, đèn dầu và chiếc va ly bằng vỏ máy bay Mỹ dùng để đựng đồ sơ tán của các em học sinh Việt Nam thời kỳ đó. Nhà xuất bản Kim Đồng trưng bày nhiều cuốn sách xuất bản trong thời kỳ chiến tranh phá hoại miền Bắc để phục vụ các em thiếu nhi. Đó là các cuốn sách về nhà trường, truyện đồng thoại, sách phổ biến khoa học, sách lịch sử, giáo dục truyền thống. Và đặc biệt là những cuốn sách, trang thơ do chính trẻ em sáng tác đã được Kim Đồng kịp thời phát hiện, giới thiệu đến đông đảo bạn đọc trong nước, quốc tế. Có thể kể đến tập thơ “Góc sân và khoảng trời” của Trần Đăng Khoa ra mắt năm 1968; “Em kể chuyện này” ra mắt năm 1971 - tác phẩm của Trần Đăng Khoa cùng các bạn Nguyễn Hồng Kiên, Cẩm Thơ, Hoàng Hiếu Nhân… đã trở thành một dấu son của văn học thiếu nhi Việt Nam.

Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho biết: Triển lãm “Trẻ em thời chiến” là dịp để người Việt Nam, đặc biệt là các em học sinh lớn lên trong thời bình nhìn lại việc học tập, lao động của trẻ em nước ta hơn 40 năm về trước, trong điều kiện chiến tranh khốc liệt. Các em học sinh thời đó đã góp phần nhỏ bé của mình vào chiến thắng oanh liệt của dân tộc trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Triển lãm là tiếng nói góp phần khẳng định sức sống mãnh liệt, bản lĩnh, ý chí và khí phách của dân tộc Việt Nam, điều đó được thể hiện ngay ở hành động, việc làm của những đứa trẻ đang ở lứa tuổi “biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan…” trong chiến tranh ác liệt nhất.

Toàn bộ ảnh trưng bày trong triển lãm là tác phẩm quý báu của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, Hãng tin truyền hình Nihon Denpa News (Nhật Bản) và Báo Thiếu niên Tiền phong thực hiện trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Hãng tin truyền hình Nihon Denpa News đã cho ra đời trên 2.000 bộ phim tài liệu, phóng sự, tin và hàng trăm bức ảnh về Việt Nam. Từ khi có mặt tại Hà Nội vào năm 1964, Nihon Denpa News đã giúp khán giả Nhật Bản và thế giới hiểu rõ thêm về cuộc chiến tranh ở Việt Nam, nhất là cuộc đánh phá ác liệt của quân đội Mỹ “dội” xuống miền Bắc trong 8 năm (5/1964-12/1972). Một số phim mà Nihon Denpa News thực hiện đã được chiếu tại Việt Nam, gây ấn tượng mạnh mẽ với công chúng là: Phim màu duy nhất về quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh; phim tài liệu “Việt Nam” thực hiện cách đây 40 năm; phim “Việt Nam thống nhất” sản xuất năm 1975. NXB Kim Đồng đã dùng các tư liệu của 2 bộ phim để biên soạn cuốn sách “Thời hoa lửa” (2006)…

Triển lãm ảnh “Trẻ em thời chiến” diễn ra tại Nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng đến hết ngày 14/9 để phục vụ công chúng Thủ đô./.