Anh Trần Văn Tám với mô hình trồng rau bồ ngót.

     Về xã Tân Lập I, huyện Tân Phước, nói về anh nông dân giàu lên nhờ trồng rau bồ ngót, ai cũng biết anh Trần Văn Tám. Sinh ra trong một gia đình nghèo nên anh Tám luôn khao khát có cuộc sống khấm khá để “bằng bạn bè”. Năm 1988 sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự ở Cam-pu-chia trở về, anh  lập gia ở xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, gia đình cho anh 1,2 ha đất ở ấp 3, xã Tân Lập I, huyện Tân Phước.

Khi anh về định cư tại đây, vợ chồng trẻ gặp nhiều khó khăn khi phải sống với vùng đất phèn. Nhưng với bản chất “Anh bộ đội cụ Hồ”, anh luôn phấn đấu lao động sản xuất, bước đầu anh phá đất hoang làm lúa, làm lúa bị thất bát nhiều năm, anh chuyển sang lên liếp trồng khóm, do thiếu hiểu biết về cây khóm nên lợi nhuận thu nhập không cao.

Năm 2008, anh quyết định làm một bước đột phá chuyển từ cây khóm sang cây màu, lúc đầu anh trồng bầu, bí, dưa leo, khổ qua, nhưng giá cả khá bấp bênh. Từ thất bại đến tìm tòi học hỏi, anh đã chuyển sang trồng rau bồ ngót, đến nay anh đã có trong tay khoảng 7 công bồ ngót, hiện tại đang cho thu hoạch. Anh cho biết, rau bồ ngót tuy khó khăn về giống, nhưng khâu trồng và chăm sóc rất đơn giản, chi phí không cao bằng các loại cây trồng khác.

Đến nay, mỗi ngày diện tích bồ ngót cho thu hoạch từ 200 đến 300 kg, anh thu hoạch theo cuốn chiếu, khi thu hoạch xong 1 đợt, 10 ngày sau sẽ thu hoạch đợt kế tiếp. Giá bán hiện nay là 7.000 đồng/kg, có những lúc hút hàng giá lên 10 - 12 ngàn đồng/kg, bình quân mỗi ngày anh thu nhập gần 1,5 triệu đồng, mỗi năm trừ đi chi phí, anh thu nhập trên 70 triệu đồng.

Bên cạnh, số diện tích còn lại anh trồng gần 2 công cà pháo, hiện cà đang cho trái chiến, cặp 2 mặt liếp anh xuống giống 240 cây dừa nay được 2 năm tuổi. Anh Tám tâm sự: “Nhờ nắm bắt được kỹ thuật từ các lớp tập huấn nên rau bồ ngót của anh sử dụng rất ít thuốc bảo vệ thực vật, anh cùng vợ thường xuyên chăm sóc và nhổ bỏ những cây bồ ngót kém phát triển cũng như có dấu hiệu bị bệnh nên mới đạt hiệu quả cao!”. 

Nhiều người dân xã Tân Lập I nhận xét: “Anh Tám là một nông dân cần cù và ham học hỏi trong lao động, đặc biệt là khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt rất hiệu quả”.