Ảo thuật Việt về đâu?: Nghề lận đận

       Mỗi ảo thuật gia đến với nghề đều xuất phát từ những hoàn cảnh riêng nhưng dù khó khăn đến mấy, họ vẫn không tắt lửa đam mê

Ảo thuật không chỉ đòi hỏi sự nhanh nhẹn, chuẩn xác mà còn phải có duyên như nghệ sĩ hài đang làm trò vui. Bởi vậy, có nhiều người đam mê muốn theo nghề này nhưng ít người thành công. Một lý do khác khiến nghề này không phát triển đội ngũ được là vì không hái ra tiền.

Không nuôi nổi ai

Nhà ảo thuật David Hùng tâm sự: “Làm được bao nhiêu tiền đều đầu tư vào đạo cụ, dụng cụ biểu diễn, trong khi thù lao các suất diễn cứ giảm đi”. Với ảo thuật gia Taylor: “30 năm tôi đi diễn, vợ tôi chưa bao giờ cầm được tiền thù lao biểu diễn ảo thuật của tôi. Vì tất cả đều trút vào mua sắm, sản xuất dụng cụ biểu diễn. Có khi còn xin thêm tiền nhà để đắp vào chi phí mua sắm dụng cụ”.


Nhà ảo thuật David Hùng với tiết mục cắt người ra 2 khúc

Ông cũng chỉ ra nghịch lý của nghề: Nếu một ca sĩ đi hát, cho dù chỉ có được một ca khúc ăn khách, họ có thể kiếm sống 10 năm;còn ảo thuật gia tập luyện một tiết mục có khi mất một năm, đầu tư kinh phí vài chục triệu đồng nhưng chỉ diễn vài ba suất ở một địa điểm là đã bị xem là cũ. Tiền cát-sê lại quá thấp, cho nên khó mà sống để theo nghề nếu không có gia đình hỗ trợ, đồng thời không có lòng yêu nghề”.

NSƯT Ngọc Ánh nói: “Các bạn trẻ hiện nay thích nghề ảo thuật đấy nhưng không bền bỉ với nghề. Họ học nhưng mau nản. Hiếm ai theo tới cùng vì thu nhập thấp quá”.

Các ảo thuật gia đều cho biết mỗi năm thu nạp vài đệ tử nhưng phần vì mạnh trò kiếm cơm, mạnh thầy chạy sô nên số lượng cứ rơi rụng dần.

Sự thiệt thòi của ảo thuật Việt Nam chính là chưa có được một sân khấu đúng tiêu chuẩn quốc tế. Lâu nay, ảo thuật luôn bị ghép vào sân khấu xiếc, đó là điều không phù hợp vì ảo thuật cần có sân khấu hộp, phông đen với những đặc thù của nó. Giới trẻ có tài giỏi đến mấy nhưng không có nơi diễn thì họ cũng không thể lập nghiệp.

Không có trường đào tạo

Giáo sư - nhà ảo thuật Nguyễn Khuyến đã học nghề từ người thầy ông rất kính nể, đó là ảo thuật gia Nguyễn Thành Long, người đầu tiên mở trường dạy ảo thuật quốc tế tại Sài Gòn năm 1945. Lúc đó, nhà ảo thuật Nguyễn Khuyến đã có chút tiếng tăm, được thầy mời vào truyền nghề và giúp ông phụ giảng cho học viên. Từ đó, ông mới có dịp ôn luyện tay nghề, cộng thêm có óc sáng chế đạo cụ, dụng cụ cho ngành ảo thuật nên khi thầy qua đời, trường ảo thuật cũng đóng cửa, ông vẫn tiếp tục truyền nghề cho lớp học trò sau này, nhiều người trong số đó đã là ảo thuật gia nổi tiếng.

Nhà ảo thuật Taylor cho biết ông theo học nhiều thầy lắm, ai có gì hay là học và suy nghĩ, sáng tạo thêm chiêu trò để biểu diễn. Nhưng theo ông, nghề này không thể chỉ dựa vào việc dạy và học theo cách truyền nghề hoặc sao chép từ người đi trước mà phải qua trường lớp đào tạo chính quy. Rất tiếc là ảo thuật hiện không có trường đào tạo chính quy. Đó là một thiệt thòi rất lớn cho ngành nghề này”. Nhà ảo thuật Hoàng Lang bức xúc: “Ảo thuật sẽ về đâu nếu cứ thả nổi cho việc tự học, tự bơi, tự tìm đường sống như bao lâu nay của các thế hệ nghệ sĩ ?”.

Thắp lửa nghề

Chúng tôi tìm đến ngôi nhà của cố ảo thuật gia Tony Quang, người có 50 năm theo nghề đầy đam mê. Ông mất rồi nhưng ngôi nhà vẫn còn chứa đầy đạo cụ biểu diễn. Bà Lan Đài, vợ ông, xúc động cho biết sinh thời, ông Tony Quang quý những vật dụng do ông đã tự sáng chế. Tất cả đều được bà bảo quản để chờ một ngày nào đó trao lại cho những nghệ sĩ trẻ có tâm huyết với ảo thuật.

Còn giáo sư - nhà ảo thuật Nguyễn Khuyến cho biết ông đang đủ duyên để thu nhận học trò và truyền lửa yêu nghề cho họ. Căn nhà 5 tầng của ông trở thành kho đạo cụ diễn ảo thuật. Ông còn dành hẳn một tầng dựng thành sân khấu cho học trò biểu diễn và một tầng nuôi chim bồ câu để cung cấp cho nghề. Tổng số tiền ông đầu tư cho nghề ảo thuật của mình hiện không dưới 1 tỉ đồng.

Còn với Thế Vinh, anh ky cóp mở xưởng thiết kế đồ ảo thuật để từ một tiệm nhỏ, tháng 6 này có thể khai trương ở quận Phú Nhuận, TPHCM một tiệm lớn hơn. Anh còn thu nhận công nhân, sinh viên trẻ yêu thích ảo thuật vào làm việcđể khuếch trương thương hiệu với mong muốn giữ lửa nghề.

Điều đáng quý ở họ là dù cuộc sống có khó khăn đến đâu, họ vẫn không tắt lửa đam mê, “chai” cảm xúc với bộ môn nghệ thuật này. Và họ luôn tin ảo thuật Việt sẽ không bị lụi tàn khi có nhiều thế hệ cùng tiếp sức và chia sẻ niềm đam mê.

“Sân chơi” cấp phường

Sân chơi của các nhà ảo thuật trẻ thuộc CLB Ảo thuật Việt Nam do nghệ sĩ Alika 3 tổ chức từ năm 2006 đến nay đã có hơn 400 thành viên. Gặp nghệ sĩ Lê Văn Lăng (nghệ danh Alika 3), anh cho biết: “CLB chúng tôi hình thành từ năm 2006, đây là nơi tập hợp các bạn trẻ yêu thích ảo thuật. Đến nay, câu lạc bộ đã có 20 em chính thức làm nghề chuyên nghiệp, các em đi diễn mỗi tối với các nghệ danh: Kali Việt, Ka Luân, June Nguyễn, Nguyễn Đạt, Nguyễn Phương, Minh Vũ… Gia đình tôi có ba thế hệ, tôi là Alika 3, con trai là Ali Tùng, cháu là Ali Ben đều theo nghề ảo thuật. Mỗi tháng, CLB sinh hoạt một lần tại trụ sở Nhà Văn hóa phường 3, quận 3 - TPHCM, nơi chính quyền địa phương đã hỗ trợ, tạo điều kiện để chúng tôi duy trì hoạt động 6 năm qua”.