ASEAN cần đoàn kết trước nhiều thách thức
ASEAN trở nên quan trọng hơn rất nhiều so với cách đây 10 năm, nên thách thức cũng ngày càng lớn và đòi hỏi sự đoàn kết để vượt qua.
Đó là nhận định của Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan trong cuộc phỏng vấn với báo Straits Times (Singapore) một ngày sau khi Trung Quốc phô trương việc thành lập cái gọi là “TP.Tam Sa”. Tổng thư ký (TTK) Pitsuwan nói ông không ngạc nhiên khi có sự gia tăng cạnh tranh quyền lực ở “sân sau” của ASEAN bởi “một thế lực lớn bên ngoài nhưng cũng đồng thời là một đối tác đối thoại của khối”.
Theo ông, lý do là “Chúng ta đã trở nên quan trọng hơn rất nhiều so với cách đây 10 năm, vì vậy áp lực lên chúng ta ngày càng lớn là một điều rất tự nhiên”. Ông cho rằng: “Vấn đề làm sao để xử lý tốt áp lực đó”.
TTK Pitsuwan cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những diễn biến phức tạp gần đây trên biển Đông. Ông nói: “Tôi rất lo ngại rằng tình hình diễn biến quá nhanh có thể gây áp lực rất lớn lên tiến trình mà chúng ta đang nỗ lực xây dựng”. Tiến trình mà ông Pitsuwan nói là việc ASEAN đang nỗ lực đạt được Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) với Trung Quốc.
|
TTK Pitsuwan cũng kêu gọi các lãnh đạo ASEAN thể hiện sự đoàn kết, thống nhất tại Hội nghị Cấp cao ASEAN vào tháng 11 tới, mà theo sau là những hội nghị có sự tham dự của Trung Quốc. Đồng thời, ông tiết lộ rằng, ASEAN vẫn đang tiếp tục làm việc để cho ra đời bản Tuyên bố chung mà Hội nghị ngoại trưởng tại Phnom Penh đầu tháng 7 đã không đưa ra được.
Khả năng bản thảo hoàn chỉnh sẽ hoàn tất trước ngày 24.9 khi các lãnh đạo ASEAN gặp nhau bên lề cuộc họp Đại hội đồng LHQ ở New York (Mỹ), và sẽ được công bố trước tháng 11. Ông Pitsuwan cảnh báo: “Không ra được một Tuyên bố chung sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và sự tự tin của khu vực, cũng như làm hoen ố hình ảnh gắn kết của khối”.
Trung Quốc bổ nhiệm “chỉ huy quân sự TP.Tam Sa” Tiếp tục hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam, Tân Hoa xã tối qua dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân tuyên bố bổ nhiệm lãnh đạo chủ chốt khu cảnh bị của cái gọi là “TP.Tam Sa”. Cụ thể, Bắc Kinh ngang ngược phong chức Tư lệnh khu cảnh bị cho đại tá Thái Hỷ Hồng và chức Chính ủy cho đại tá Liêu Triều Nghị. Rõ ràng, đây là những hành động xâm phạm trắng trợn chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Liên quan đến tình hình biển Đông, các thượng nghị sĩ Mỹ John Kerry, Richard Lugar, John McCain, Jim Webb, James Inhofe và Joe Lieberman ngày 25.7 giới thiệu nghị quyết mới trước thượng viện. Nghị quyết này yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ thúc giục ASEAN và Trung Quốc hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử tại biển Đông. Đây là những người rất có thế lực tại quốc hội Mỹ, theo tờ The Hill. Cùng ngày, thượng nghị sĩ Jim Webb, Chủ tịch Tiểu ban Đối ngoại Đông Á - Thái Bình Dương của thượng viện Mỹ, khẳng định những hành động đơn phương gần đây của Trung Quốc là “vi phạm luật quốc tế”. Đồng thời, ông yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ sớm làm rõ tình hình với Trung Quốc và báo cáo gấp cho quốc hội. Trong một diễn biến khác, Tân Hoa xã ngày 26.7 đưa tin Tập đoàn dầu khí hải dương quốc gia Trung Quốc (CNOOC) vừa ký kết hợp đồng với Tập đoàn năng lượng Shell để cùng khai thác 2 lô dầu trên biển Đông. Hai lô dầu này là lô 62/07 và 62/17 thuộc lòng chảo Quỳnh - Hải. Theo thỏa thuận, Shell đầu tư toàn bộ phí khai thác trong khi CNOOC có thể hưởng đến 51% lợi nhuận thu được từ bất cứ giao dịch dầu khí được tìm thấy tại 2 lô trên. |
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.