ASEAN nhất trí về Quy tắc ứng xử biển Đông

       Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN+3 (với 3 nước là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) lần thứ 13, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mêkông -  Nhật Bản lần thứ năm và Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao Mêkông - Hàn Quốc lần thứ hai đã diễn ra tại Phnom Penh (Campuchia) ngày 10.7. Các hội nghị này đã thảo luận về thách thức đang nổi lên như an ninh lương thực, quản lý thiên tai, an ninh an toàn hàng hải.

                     
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ủng hộ Việt Nam giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình. Ảnh: VOA.

Trong thảo luận, nhiều nước bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây trên biển Đông đối với hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải ở khu vực, đặc biệt là những diễn biến phức tạp, gây phương hại đến vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển, khẳng định tất cả các nước phải tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS).

Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh tham dự các hội nghị này theo sự ủy quyền của Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, đã lên tiếng bày tỏ quan ngại và những diễn biến phức tạp gần đây ở biển Đông, khẳng định lại lập trường của Chính phủ Việt Nam phản đối việc Trung Quốc phê chuẩn thành lập “thành phố Tam Sa” cũng như mời thầu 9 lô dầu khí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo quy định của UNCLOS và trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), gây phương hại đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực.

Trước đó, tại Hội nghị các ngoại trưởng ASEAN, BBC ngày 10.7 dẫn lời các quan chức Campuchia cho biết, ASEAN đã nhất trí các điểm chính của Quy tắc ứng xử biển Đông (COC) và sẽ thảo luận vấn đề này với Trung Quốc. Trong cuộc họp báo tối 9.7, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Campuchia Kao Kim Hourn nói ASEAN “đã đồng ý với nhau và nay chúng tôi sẽ phải bắt đầu thảo luận với Trung Quốc”. Tuy nhiên, ông Kao không công bố chi tiết của văn bản.  

Theo các hãng tin nước ngoài, Hội nghị ngoại trưởng ASEAN hôm 9.7 không đưa ra được tuyên bố chung, vì có một số bất đồng về ngôn từ xung quanh việc có nhắc đến tranh chấp Philippines – Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough hay không. Song dự thảo tuyên bố này cho thấy, ASEAN muốn Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS) là cơ sở để giải quyết các tuyên bố chủ quyền trên biển Đông. Dự thảo này nhấn mạnh quan điểm trên của ASEAN, kêu gọi tất cả các bên giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, kể cả UNCLOS. Tài liệu này cũng kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp “mà không viện đến việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực” và “cam kết tôn trọng tự do hàng hải cũng như việc bay qua vùng trời nước khác”.  

Trong khi đó, Kyodo dẫn các nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản ngày 10.7 cho biết, nước này đã quyết định đăng cai một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt với ASEAN vào cuối năm 2013 nhằm tăng cường hợp tác an ninh hàng hải trong bối cảnh Trung Quốc đang nhanh chóng củng cố sức mạnh hải quân tại các vùng biển Châu Á.

Các nguồn tin trên nhận định Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba có thể sẽ thông báo kế hoạch trên tại Hội nghị ngoại trưởng Nhật Bản - ASEAN tại Campuchia vào ngày 11.7.

Trong khuôn khổ hội nghị này, Nhật Bản và ASEAN dự kiến sẽ ra thông cáo báo chí chung, theo đó sẽ trở thành nguyên tắc chỉ đạo mới cho việc tăng cường các mối quan hệ song phương về an ninh hàng hải, trong khi vạch ra kế hoạch hành động tiếp theo.