ASEAN Para Games mất dần vị thế
Chủ nhà Việt Nam đã chính thức thông báo với các quốc gia Đông Nam Á về việc tổ chức SEA Games 31 vào trung tuần tháng 5-2022 bên cạnh việc không thực hiện quyền đăng cai ASEAN Para Games 11.
Thể thao người khuyết tật Việt Nam thi đấu thành công tại Paralympic Tokyo 2020 .Ảnh: HẢI TRỌNG
Philippines từng dời thời điểm tổ chức ASEAN Para Games 2019 từ cuối tháng 1 đến tháng 3-2020 rồi thông báo hủy bỏ sự kiện thể thao này vào tháng 5-2020 với lý do đại dịch Covid-19. Việc chủ nhà Việt Nam thực thi quyền đăng cai SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11 cũng đối mặt những thách thức tương tự. Chỉ có điều, trong khi nỗ lực tìm các phương án tháo gỡ khó khăn để SEA Games 31 được diễn ra, Việt Nam lại không thể tổ chức kỳ đại hội thể thao cho NKT trong khu vực như cam kết trước đó.
Trên trang Facebook cá nhân, tuyển thủ điền kinh Cao Ngọc Hùng, người từng giành huy chương đồng ném lao hạng thương tật F57 ở Paralympic Rio 2016, đã nêu quan điểm: “Một quốc gia vững mạnh sẽ không để ai phải tụt lại phía sau. Thể thao NKT chúng tôi cũng là một phần trong cuộc sống này. Hãy xem ASEAN Para Games là một cơ hội để chứng tỏ cho thế giới và cộng đồng ASEAN thấy Việt Nam đã vượt qua đại dịch như thế nào”.
Ý kiến của Cao Ngọc Hùng nhanh chóng nhận được sự đồng cảm và chia sẻ của rất nhiều người, từ đồng nghiệp ở đội tuyển thể thao NKT quốc gia cho đến các VĐV phong trào. Thậm chí, một nhóm đông đảo VĐV với tên gọi “Cộng đồng thể thao người khuyết tật Việt Nam” còn viết thỉnh nguyện thư với ý định tập hợp đủ 100.000 chữ ký để trình lên Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, đề nghị Chính phủ không hủy bỏ việc đăng cai ASEAN Para Games 11.
Song thỉnh nguyện thư đã không tạo được tiếng vang, không tranh thủ được sự ủng hộ của cộng đồng cũng như xã hội với chỉ 160 chữ ký, trong đó chưa tới 100 NKT, tham gia thỉnh nguyện.
Đây đó có những ý kiến cho rằng “cùng hoãn hoặc cùng bỏ” đối với SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11, dù biết rõ việc đánh đồng là không thể và không phải khi không tổ chức là thiếu sự tôn trọng hoặc làm tổn thương NKT.
Theo một thống kê chưa đầy đủ, ở Việt Nam có gần chục triệu NKT, do ảnh hưởng của chiến tranh, tai nạn giao thông hoặc tai nạn lao động, bệnh tật hoặc bẩm sinh… Thể thao không phải là giải pháp duy nhất, không ít VĐV thể thao NKT đã cho biết: “Sau tất cả, chúng tôi quay về cuộc sống của chính mình, không bám víu cánh cửa thể thao để rồi bi quan và kêu ca bị bít lối vào đời”. Tuy vậy vẫn lấy làm tiếc khi ASEAN Para Games 11 đã lỗi hẹn với các VĐV thể thao NKT.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.