Bà Harris nếu thắng cử có thể là sự tái khởi động cho Ukraine
Bằng việc tìm cách đưa vấn đề Ukraine ra khỏi các hoạt động tranh cử, nhóm chiến dịch của Tổng thống Mỹ Biden về cơ bản đã cho phép đối thủ của phe Cộng hòa Donald Trump cơ hội định hình câu chuyện xung quanh bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào trong tương lai nhằm giải quyết xung đột Nga – Ukraine.
Kamala Harris – ứng cử viên tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ dường như đã xóa bỏ nhiều nghi ngại ngay trong nội bộ đảng và nhiều nhà quan sát liên quan đến hình ảnh quen thuộc của bà trong vai phó tổng thống. Tất nhiên, chỉ có thời gian mới có thể trả lời liệu đây đơn giản là kết quả của “tuần trăng mật” hậu chiến dịch của ông Biden hay phản ánh thực tế bà Harris đã thoát khỏi cái bóng của đương kim Tổng thống Mỹ.
Câu hỏi tương tự cũng treo lơ lửng về vấn đề chính sách đối ngoại – di sản lớn nhất của nhiệm kỳ tổng thống của Biden: cuộc chiến ở Ukraine.
Nhiều người trong phe Dân chủ hiện vẫn cho rằng chính sách Ukraine của Tổng thống Biden về cơ bản không có gì sai. Các cố vấn và người ủng hộ ông Biden giải thích rằng Tổng thống vẫn trung thành với mục tiêu ban đầu đã nêu là hỗ trợ Ukraine miễn là cần thiết, đồng thời tránh xung đột trực tiếp với Nga.
Do đó, việc tiếp tục hành động cân bằng của tổng thống Biden có thể đồng nghĩa với việc thất bại đang đến. Một kết quả không tối ưu khác trong học thuyết thận trọng của Tổng thống Biden là chính sách của Mỹ đối với Ukraine ngày càng bị phe Cộng hòa chi phối. Ví dụ rõ nét nhất chính là việc Quốc hội Mỹ hồi đầu năm đã trì hoãn bỏ phiếu thông qua viện trợ bổ sung cho Ukraine. Bản thân ông Trump và các cố vấn của ông cũng không giấu giếm ý định dẫn dắt cuộc thảo luận về cách thức và thời điểm kết thúc xung đột nếu đắc cử.
Cơ hội của bà Harris – Cơ hội của Ukraine
Vì vậy, với việc đề cử bà Harris ra tranh cử tổng thống, đảng Dân chủ phải khẳng định lại quyền kiểm soát của họ đối với chính sách Ukraine của Mỹ — một chính sách mà nếu muốn thành công, phải làm rõ rằng cuộc xung đột này sẽ chỉ có thể kết thúc có lợi thông qua sức mạnh.
Ví dụ, Harris có thể cho thấy sự sẵn lòng dỡ bỏ những hạn chế còn lại về việc sử dụng vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp chống lại các mục tiêu quân sự trong lãnh thổ Nga, cũng như những hạn chế về việc triển khai các huấn luyện viên quân sự NATO tới Ukraine.
Có một số ý kiến cho rằng chính sự do dự của Tổng thống Biden đã cho phép Nga leo thang xung đột với cái giá phải trả khá hạn chế. Về phần mình, bà Harris dường như sẽ phải chỉ ra rằng bà sẽ không cho phép Tổng thống Nga Vladimir Putin đặt ra các điều khoản xung đột. Và vì mục đích này, bà có thể đề xuất một cách tiếp cận mới, trong đó các quốc gia NATO sẵn sàng hành động nhiều hơn.
Một kế hoạch mới của bà Harris cũng có thể giải quyết bất bình lớn trong phe Cộng hòa: rằng người châu Âu vẫn đang làm quá ít. Để đạt được mục đích này, việc dỡ bỏ những hạn chế và thể hiện sự ủng hộ của Mỹ đối với Ukraine sẽ mở đường cho các đồng minh châu Âu có xu hướng tiến bộ hơn — chẳng hạn như Pháp, Anh, các nước Bắc Âu, CH Séc, Romania và Ba Lan — sẵn sàng chấp nhận rủi ro lớn hơn để hỗ trợ nhiều hơn cho Kiev.
Chẳng hạn, bà Harris có thể tuyên bố rằng nếu châu Âu tiến lên và xây dựng một kế hoạch đầu tư cho quốc phòng đáng tin cậy trong 5 năm tới để bảo vệ Ukraine, Mỹ có thể ủng hộ việc đẩy nhanh tiến trình cho phép Ukraine gia nhập NATO.
Một số người trong Đảng Dân chủ sẽ không đồng tình với cách tiếp cận này, lập luận rằng bây giờ là lúc phải giữ thái độ khiêm tốn đối với Ukraine — xét cho cùng, đây là đường lối đã được đưa ra trong suốt mùa xuân năm 2024, trước Hội nghị thượng đỉnh NATO.
Nhưng cách tiếp cận đó không chỉ không mang lại cho đảng Dân chủ bất kỳ tác động tích cực nào trong các cuộc thăm dò mà còn cho phép ông Trump nắm bắt được câu chuyện về Ukraine, đồng thời cho Nga thời gian để củng cố vị thế của mình trên chiến trường.
Khi ngày càng có nhiều dự đoán cho rằng các bên sắp đến lúc phải tiến gần hơn đến các cuộc đàm phán hòa bình, bà Harris có cơ hội củng cố vị thế của Ukraine và cho thấy các đồng minh châu Âu sẽ gánh vác phần lớn công việc nặng nhọc. Và điều đó không chỉ tốt cho Ukraine mà còn tốt cho cơ hội giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng của bà.
Nguồn vov.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.