150 năm kính trọng và suy tôn AHDT Trương Định
Bài 2: Dấy binh khởi nghĩa.
Ngày 5-6-1862, triều đình nhà Nguyễn ký Hòa ước Nhâm Tuất, giao 3 tỉnh miền Đông cho thực dân Pháp, hạ lệnh cho Trương Định bãi binh và đi nhận chức Lãnh binh ở tỉnh An Giang. Nhưng theo yêu cầu của nhân dân và các nghĩa sĩ, Trương Định đã khước từ lệnh của triều đình và nhận danh hiệu “Bình Tây Đại Nguyên soái” do dân phong, tiếp tục lãnh đạo các cuộc chiến đấu chống giặc Pháp xâm lược và đã hy sinh anh dũng.
KHỞI NGHĨA
Khi thực dân Pháp đánh thành Gia Định vào tháng 2-1859, Trương Định đưa nghĩa binh gia nhập đội quân của triều đình chống giặc. Trong 6 đồn điền của tỉnh Gia Định, chỉ duy nhất ông Trương Định ứng nghĩa đánh đồn Kỳ Hòa.
Năm 1859, quân Pháp hạ thành Gia Định, Trương Định đã chỉ huy dân quân đồn điền đánh Pháp ở mặt trận Thuận Kiều và lập được nhiều chiến công, tiêu biểu là trận phục kích tiêu diệt đại úy thủy quân lục chiến Barbé tại chùa Khải Tường vào đầu tháng 12-1860.
Cuối tháng 2-1861, đại đồn Chí Hòa bị quân Pháp chọc thủng, quân triều đình lui về giữ Biên Hòa, còn ông rút về Gò Công thành lập căn cứ kháng chiến Tân Hòa, tiếp tục công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Cũng trong thời gian này, ông kết hôn với bà Trần Thị Sanh, là em con cậu con cô với Thái hậu Từ Dụ, mẹ của vua Tự Đức. Người vợ thứ hai này đã đóng góp hậu cần rất quan trọng cho cuộc khởi nghĩa.
Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Trương Định. |
Sau khi ký Hòa ước Nhâm Tuất, đến tháng 7 triều đình ra lệnh rút quân nhưng Trương Định không chịu mà phất cờ khởi nghĩa, gọi là Bình Tây Đại tướng quân. Tháng 7-1862, Trương Định bắt đầu gầy dựng, tổ chức nhiều điểm đồn, các điểm xung yếu nhất ông đều đặt căn cứ.
Trên địa bàn Gò Công, Trương Định chiêu mộ được 6.000 nghĩa sĩ nên được triều đình phong chức Quản cơ rồi thăng lên Phó Lãnh binh tỉnh Gia Định. Tại đây, ông ra sức củng cố căn cứ kháng chiến Tân Hòa.
Mô tả căn cứ này, Palanca, viên sĩ quan chỉ huy quân Tây Ban Nha trong liên quân Pháp – Tây Ban Nha cho biết : “Ở Gò Công, 2 chiến lũy quan trọng nhất là rạch Gò Công và Rạch Lá gồm các hầm hào tự nhiên, pháo đài và lũy, khắp nơi đều có cầu nổi bắc qua 2 bờ sông bùn lầy, cây cối rậm rạp”.
Khi Trương Định về đóng quân ở Tân Hòa, gây ảnh hưởng lớn nên thực dân Pháp rất tức giận. Tạp chí Henrie den diaMonds của Pháp đã ghi lại:
“Tên Định đến Tân Hòa (tên cũ của Gò Công) lấy con gái một hào phú, được người dân ủng hộ mạnh mẽ, lương thực đầy đủ, quân số tăng nhanh hàng mấy ngàn người, gây thiệt hại lớn cho quân ta. Trong vòng 6 tháng, Cảng Sài Gòn buộc phải ngưng xuất khẩu gạo vì nông dân không chịu bán lúa cho các máy chỉnh ở Chợ Lớn. Vựa lúa Gò Công coi như bị phong tỏa. Cảng Sài Gòn thiệt hại nặng làm chúng ta điên đầu…”. Do đó, nghĩa quân của Trương Định trở thành mục tiêu tiêu diệt của quân Pháp.
Theo lịch sử ghi lại, từ Tân Thành, Tân Hòa, Tân Phước kéo dài đến giồng Sơn Quy là rừng bạt ngàn, chủ yếu là lá dừa nước. Nơi đây ngày trước còn có nhiều kinh rạch. Với địa thế như vậy, nên có thể nghĩa quân đã chọn làm căn cứ để an toàn và tiện liên lạc với rừng Sác của Lý Nhơn (thuộc huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh ngày nay) và thuận tiện đi Gia Định.
Từ đó, Trương Định thường xuyên qua Lý Nhơn phối hợp với quân Gia Định nên thanh thế ông cũng nổi hơn. Nhưng đến khoảng giữa năm 1862, quân Pháp đem quân sang đánh Lý Nhơn, nên căn cứ ở đây cũng tan rã. Trương Định vẫn cứ đi qua đi lại giữa Lý Nhơn và Gia Thuận.
Khu vực căn cứ này lúc đó chiều rộng 1 – 2 cây số, dài trên 10 cây số. Lòng sông Soài Rạp từ Gia Thuận qua Lý Nhơn hơn 2 km. Để qua được Lý Nhơn, Trương Định phải dùng thuyền có chèo nhưng cũng có buồm. Đúng 18 tháng sau Trương Định mới lọt vào ổ phục kích. Điều này thể hiện tài năng thoát ẩn thoát hiện của ông
OAI HÙNG
Chúng tôi tìm về Khu di tích Ao Dinh (ấp 3, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông), được cho là nơi Trương Định tuẫn tiết vào những ngày đầu tháng 8 năm 1864. Nơi đây hiện tại có một cái ao khuôn viên khoảng 2.000 m2, được xây dựng bờ rào kiên cố.
Ngay cổng vào Ao Dinh được dựng tấm bia đá hoa cương ghi dòng chữ: “Nơi đây, rạng sáng ngày 20-8-1864 tên Huỳnh Văn Tấn (Đội Tấn) từng hoạt động cùng Trương Định đã phản bội, dẫn giặc Pháp về bao vây hòng bắt sống Trương Định và nghĩa quân thân cận của ông. Trương Định bị thương nặng trong cuộc tử chiến với giặc. Để không cho giặc bắt sống, ông đã dùng gươm tuẫn tiết, thể hiện khí phách của người anh hùng”.
Theo bà con khu vực này kể lại, ngày xưa nơi Trương Định tuẫn tiết là bìa rừng. Còn theo nghiên cứu của Nhà giáo Ưu tú Phan Thanh Sắc, nếu đêm đó Trương Định nằm ở căn cứ cũ (tức là căn cứ của đồn điền Gia Thuận) có thể sẽ không chết.
Do căn cứ đó là ở đồng trống, từ mé rừng lên cả cây số, từ Tân Phước xuống cũng mất gần 2 cây số, nên không có yếu tố bất ngờ. Đêm đó chắc chắn ông ở trong rừng. Lúc này Trương Định đã có chuẩn bị, khi bị phục kích ban đầu nghĩa quân có hoảng loạn, nhưng chiến đấu ngoan cường, có người đã ngã xuống. Khi bị phục kích, Trương Định bị bắn và qụy xuống.
Có 2 tình huống xảy ra là đầu hàng hay là chết. Lúc này Huỳnh Văn Tấn cũng không muốn bắn chết Trương Định vì muốn ông đầu hàng để về còn lãnh thưởng, cuối cùng Trương Định đã chọn cái chết anh dũng. “Thầy của tôi đã viết lại, Pháp đem xác Trương Định về để trước nhà lồng chợ thị xã 3 ngày.
Lúc này Trương Định còn bịt khăn đầu riều đỏ, mặc áo nỉ màu xanh song khai (tức là xẻ giữa ngực), giai đoạn này lính triều đình áo xẻ ngang hông. Điều này chứng tỏ Trương Định là thủ lĩnh của đồn điền, do quy chế của đồn điền có xẻ áo song khai, mặc quần bỏ vào vỏ hài, bụng bê bết máu. Như vậy là đang trong tư thế chiến đấu. Người cháu bà Trần Thị Sanh ban đêm bò lại xem thì thấy bụng đổ ruột” – nhà giáo Phan Thanh Sắc cho biết.
Bà Trần Thị Lài, cháu gái gọi bà Trần Thị Sanh bằng bà Cố cô, đã ghi lại cái chết của Trương Định có nhiều điểm trùng khớp. Tài liệu đang được lưu giữ tại Thư viện TX. Gò Công đã viết: Trước lúc Trương Định tuẫn tiết, ông nói: “Thằng Tấn, mày phản bội dẫn quân Pháp vào đây bắt tao. Tao sống chẳng giết mày, chết cũng vặn họng mày!”.
Lập tức Trương Định xoay người lại, trở mũi kiếm đâm vào bụng và ngã xấp vô thân cây cho mũi kiếm xuyên suốt thân mình để tuẫn tiết. Bọn Pháp đem thây ông về phơi ở chợ cá cũ Gò Công 3 ngày đêm liền để thị oai. Dân chúng không dám đến gần nhưng lạ thay không có ruồi bu cũng không có mùi hôi.
Bà Trần Thị Sanh nhờ người cháu, lúc đó khoảng 10 tuổi, thừa lúc đêm tối bọn lính lơ là canh gác lén bò đến gần thi thể để đốt nhang trước đầu ông. Lúc này mắt ông Trương Định còn mở trừng trừng, oai nghiêm như lúc sống. Cây kiếm không thấy đâu, bụng thì bê bết máu, ruột đổ lòng thòng. Đến ngày thứ ba, bà Trần Thị Sanh đội đơn ra hầu quan lớn Pháp xin đem thây chồng về chôn…”.
Nguồn Báo Ấp Bắc
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.