Bản lĩnh doanh nhân nữ thời hội nhập
Năm 2016 là năm mang dấu ấn quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng của Việt Nam. Với bản tính thông minh, sáng tạo, cần cù, kiên nhẫn, đầy lòng nhân ái, các nữ doanh nhân Việt Nam đã đạt nhiều thành công trong lĩnh vực kinh doanh của mình, khẳng định vị thế người phụ nữ Việt Nam trên trường quốc tế. Song, bối cảnh hội nhập quốc tế cũng đòi hỏi các doanh nhân nữ phải có sự thay đổi lớn, nhằm đáp ứng yêu cầu mới. |
Nữ doanh nhân Việt Nam tại lễ vinh danh. Ảnh: HOÀNG SANG Sẵn sàng hội nhập Là một trong những doanh nhân nữ hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thiết bị giáo dục, Giám đốc Công ty Thiết bị giáo dục Hồng Đức Vũ Thị Ngọc Anh cho rằng, để giải quyết những trở ngại với các doanh nghiệp (DN) do phụ nữ làm chủ, sẵn sàng cho việc hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, nhất là Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) thì các doanh nhân nữ phải nỗ lực hơn. Trước tiên cần nhận thức được những nguy cơ, bất lợi và những cơ hội đến với DN của mình khi AEC hình thành. Chủ động học hỏi, trang bị kiến thức mới cũng như nắm bắt thông tin kịp thời về quản lý, pháp luật, những cam kết về AEC và những thông tin, trình độ sản xuất sản phẩm cùng loại của mình trong khu vực. Từ đó, mạnh dạn đầu tư, thay đổi, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh, quản lý, tìm kiếm cơ hội phát triển cho DN của mình. Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cứ bốn DN đang hoạt động thì có một DN do doanh nhân nữ làm chủ. Hằng năm, các DN do phụ nữ làm chủ đóng góp khoảng 30% GDP cho đất nước. Hiện cả nước có khoảng hơn 500 nghìn DN hoạt động, trong đó có khoảng hơn 100 nghìn DN do phụ nữ làm chủ và trực tiếp điều hành có quy mô vừa và nhỏ, gắn với các lĩnh vực sản xuất như thương mại, nông nghiệp, nông thôn, dịch vụ y tế, giáo dục, thiết bị văn phòng, dệt may, da giày,… Vì vậy, để cạnh tranh tốt trên thị trường quốc tế thì các doanh nhân nữ phải biết cách tận dụng lợi thế, kinh nghiệm của những lĩnh vực, mặt hàng mà DN của mình đang có thế mạnh. Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, với phẩm chất chịu khó, cẩn trọng, chắt chiu, các doanh nhân nữ thường có khả năng trụ vững tốt trong môi trường kinh doanh có nhiều biến động. Trong những năm qua, tỷ lệ DN do phụ nữ làm chủ thường phát triển bền vững hơn nam giới khi tỷ lệ đóng cửa, ngừng hoạt động của các DN này ít hơn so với các DN do nam giới làm chủ. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, đương đầu với khó khăn và với sự năng động, sáng tạo, các nữ doanh nhân đã vươn lên khẳng định vị thế của mình, vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, bứt phá, mở rộng sản xuất kinh doanh, trở thành những doanh nhân hàng đầu của Việt Nam và khu vực. Khó khăn hơn nam giới Mặc dù gặp nhiều thuận lợi nhưng các doanh nhân nữ cũng phải đương đầu với không ít khó khăn. Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam kiêm Chủ tịch mạng doanh nhân nữ ASEAN Nguyễn Thị Tuyết Minh nhận định: Phụ nữ khi khởi nghiệp thường gặp nhiều khó khăn hơn so với nam giới, nhất là trong việc tìm đối tác, tìm sự đồng thuận của gia đình trong việc sử dụng tài sản chung để kinh doanh. Chưa có kinh nghiệm, chưa đạt được chỉ số tín nhiệm với ngân hàng; khó khăn trong việc điều hành quản lý nhân sự, đặc biệt là đối với các đồng nghiệp nam có kinh nghiệm; việc phát triển mạng lưới, áp dụng công nghệ, triển khai chiến lược ma-két-tinh cũng là một rào cản lớn với nữ giới khi mới khởi nghiệp. Bên cạnh đó, trách nhiệm chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái cũng làm cho phụ nữ thiếu thời gian để hoạt động, tiếp cận thông tin về công nghệ, đầu tư, các nguồn hỗ trợ từ ASEAN cũng như từ Chính phủ. Vì vậy, cần có thêm nhiều chính sách tạo thuận lợi cho doanh nhân nữ phát triển bằng các chương trình hỗ trợ thiết thực để xóa bỏ dần các rào cản, giúp các doanh nhân nữ phát huy được tiềm năng, cống hiến và đóng góp ngày càng nhiều hơn cho xã hội. Các tổ chức hỗ trợ như VCCI, các hiệp hội cũng cần thiết kế các chương trình đặc thù, hỗ trợ doanh nhân nữ, giúp họ tự tin hơn, nâng cao kiến thức, kỹ năng và cung cấp thông tin cập nhật cũng như thu hút họ tham gia vào mạng lưới để các doanh nhân có thêm nhiều cơ hội kết nối kinh doanh, tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu một cách chuyên nghiệp. Cạnh tranh sẽ ngày càng trở nên gay gắt khi Việt Nam tham gia sâu vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, khi đó thách thức lại càng lớn và ở mỗi lĩnh vực đều có bất lợi đối với nữ giới. Đối với doanh nhân nữ, bên cạnh những khó khăn về vốn, thiếu thông tin thị trường, thiếu lao động lành nghề, còn gặp nhiều khó khăn lớn hơn như sự chênh lệch về trình độ học vấn, kinh nghiệm doanh nhân, các mối quan hệ và ảnh hưởng trong xã hội. Mặc dù vậy, phụ nữ Việt Nam nói chung và các nữ doanh nhân nói riêng trong thời gian tới, chắc chắn sẽ vượt qua thách thức, khó khăn, tiếp tục phát huy lợi thế, tài năng, khả năng sáng tạo, trí tuệ của mình trong lĩnh vực kinh doanh, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới. Báo Nhân Dân |
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.