Bản sắc Việt qua góc nhìn công nghệ

Điện thoại và mạng xã hội dần trở thành phương tiện giao tiếp phổ biến trong giới trẻ. Và trong thế giới công nghệ đó, thay cho các emoji (biểu tượng cảm xúc) thông thường, bạn trẻ Nguyễn Minh Ngọc đã phát triển thành bộ emoji tổng hợp hình ảnh 54 dân tộc Việt Nam, với thông điệp về sự chung tay của người trẻ trong việc phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.
ban-sac-dan-toc_vgna
Hình ảnh bộ emoji các dân tộc anh em

Chia sẻ theo cách người trẻ

Emoij – được hiểu là các biểu tượng thể hiện cảm xúc qua tin nhắn trên điện thoại và các tin nhắn trên mạng xã hội. Các emoji ngày càng được giới trẻ ưa chuộng và sử dụng phổ biến vì những ảnh thú vị, tinh nghịch, bắt kịp các xu hướng đang được chú ý. Thay cho các emoji thông thường, Nguyễn Minh Ngọc (27 tuổi, designer, hiện đang sinh sống, làm việc tại Singapore) đã lên ý tưởng và thực hiện bộ emoji thể hiện hình ảnh 54 dân tộc Việt Nam.

Minh Ngọc chia sẻ: “Tôi sử dụng điện thoại và Instagram nhiều, thấy mọi người, đặc biệt là giới trẻ sử dụng emoji như một thứ ngôn ngữ tượng hình của thời đại mới. Nhưng khi mình muốn nói về Việt Nam thì lại thiếu “từ vựng”. Danh sách emoji hiện tại chỉ có duy nhất lá cờ Việt Nam là liên quan đến nước mình. Thế nên, tôi mong muốn tạo thêm chút dấu ấn Việt Nam trong kho tàng ngôn ngữ emoji toàn cầu”.

“54 dân tộc anh em” là một phần trong dự án “Nhỏ to Việt Nam” – dự án giới thiệu văn hóa Việt Nam qua emoji của Nguyễn Minh Ngọc. Chỉ sau vài ngày ra mắt, bộ emoji về 54 dân tộc Việt Nam nhanh chóng thu hút sự quan tâm của nhiều người, nhất là cộng đồng mạng xã hội, với hơn 13.600 lượt thích, 6.600 lượt chia sẻ, 8.000 lượt theo dõi.

Chia sẻ thêm về lý do bắt đầu dự án “Nhỏ to Việt Nam” bằng bộ emoji các dân tộc, Nguyễn Minh Ngọc nói: “Khi tôi thử hỏi những người Việt xung quanh mình, đa phần khá mù mờ về cách ăn mặc, phong tục tập quán, hoặc là tên đầy đủ của các dân tộc anh em. Tôi nghĩ, khi đã sử dụng từ “anh em” thì chúng ta nên biết rõ về nhau hơn một chút. Điều đó đã thôi thúc tôi vẽ lại trang phục truyền thống của 54 dân tộc anh em giới thiệu với người xem”.

Không chỉ quan tâm và ủng hộ, nhiều bạn trẻ còn góp ý để tác giả có thể hoàn thiện tốt nhất từng chi tiết nhỏ trong bộ emoji. Tài khoản Huy Nguyen để lại bình luận: “Thực sự vui và cảm động khi biết được dự án này, là một người con dân tộc Thái ở Tây Bắc, mình cảm ơn sự đóng góp nhiệt thành và đẹp đẽ này của bạn”. Tài khoản Tiên Thủy bình luận: “Bạn cho mình sử dụng ảnh này, đặt làm ảnh đại diện nhé!”.

Theo dõi bộ emoji qua mạng xã hội Instagram, chị Minh Châu (29 tuổi, nhân viên văn phòng, ngụ quận 7) chia sẻ: “Tôi thấy dự án này hay, cách thể hiện qua emoji cũng thu hút giới trẻ quan tâm và sử dụng nhiều hơn. Mong bộ emoji có thể thực hiện thành sách ảnh, tôi sẽ mua cho con gái nhỏ ở nhà tìm hiểu”.

Tự hào về Việt Nam

Minh Ngọc kể: “Khi nhìn các bạn nước ngoài nói về lịch sử, văn hóa của nước họ, tôi cũng háo hức muốn làm một cái gì đó để nói về Việt Nam, góp thêm một tiếng  nói cho dân tộc mình. Tôi nghĩ các bạn trẻ nếu có cơ hội thì cứ đi nhiều, đi thật xa, cứ trải nghiệm thử vài nền văn hóa nước ngoài, rồi họ sẽ tự thấy yêu quê hương đất nước mình nhiều hơn và muốn làm được một điều gì đó. Tôi tin, trong mỗi người Việt đều tiềm ẩn một lòng yêu nước mãnh liệt”.

Trong thời gian chuyển việc học từ trực tiếp sang online vì ảnh hưởng dịch, Minh Ngọc thực hiện dần bộ emoji 54 dân tộc anh em. Học chuyên về thiết kế, ngay từ đầu đã hiểu dự án này không có đột phá về mặt kỹ thuật, nhưng Ngọc vẫn quyết tâm thực hiện và tìm hiểu thật kỹ các tài liệu văn hóa để thể hiện mỗi dân tộc thật chính xác những đặc trưng, đặc sắc riêng của họ. “Dù tôi chưa vẽ emoji bao giờ, nhưng với nền tảng có sẵn từ trước, chỉ mất khoảng 2 – 3 ngày để luyện tập thành thạo các thao tác cần thiết. Nhưng vấn đề tư liệu thì lại là câu chuyện khác”, Minh Ngọc chia sẻ.

“Có những dân tộc rất nhiều tư liệu như Kinh, Chăm, Khmer…, họ có nhiều bộ trang phục, mỗi bộ sẽ có một ý nghĩa khác nhau và được dùng trong một dịp khác nhau. Có những dân tộc thì lại nhiều nhóm địa phương, mỗi nhóm có một trang phục đặc trưng nên bắt buộc mình phải đọc kỹ, đối chiếu nhiều nguồn để hiểu rõ từng trang phục, qua đó chọn lựa một bộ phù hợp cho vào dự án. Có một số dân tộc như Ơ Đu, Kháng… lại có quá ít tư liệu thì mình phải đào sâu để tìm ra được hình ảnh phù hợp. Thời lượng tôi dành để tìm kiếm và kiểm tra chéo tính chính xác của thông tin gấp nhiều lần thời gian dành để vẽ”, Ngọc kể thêm.

Minh Ngọc cho biết, đã có đối tác liên hệ hợp tác khai thác thương mại nhưng anh từ chối. Dự án “Nhỏ to Việt Nam” được hình thành với mục đích giáo dục, cung cấp thông tin và hiện tại vẫn theo hướng đó. “Trong tương lai, tôi có cân nhắc kế hoạch khai thác thương mại các emoji để có kinh phí duy trì và phát triển dự án, nhưng hiện tại thì chưa đặt nặng mục tiêu kiếm lợi nhuận từ dự án này”, Ngọc nói thêm.

Nguồn SGGP