Báo chí vì lợi ích của nhân dân và đất nước
87 năm qua, kể từ số báo Thanh niên đầu tiên (21/6/1925), báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng phát triển phong phú, đa dạng. Trong suốt quá trình phát triển của báo chí, những người làm báo cũng không ngừng được trau dồi, rèn luyện để trở thành những người “chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa”.
Báo chí cách mạng Việt Nam là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, là diễn đàn tin cậy của nhân dân. Báo chí tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phản ánh nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân.
Sự lớn mạnh không ngừng của báo chí cách mạng Việt Nam
Ngày 21/6/1925, Thanh niên, tờ báo đầu tiên của Cách mạng Việt Nam ra số 1. Tháng 6/1985, Đảng ta quyết định lấy ngày 21/6 làm ngày truyền thống của báo chí - Ngày Báo chí Việt Nam. Kể từ đó đến nay, báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng lớn mạnh, góp phần tích cực vào công cuộc đấu tranh cách mạng chống kẻ thù xâm lược và bảo vệ độc lập của Tổ quốc.
Đặc biệt, từ sau Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng (1986), báo chí như được thổi luồng không khí mới. Trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống tiêu cực và các tệ nạn xã hội, báo chí cả nước đã phát huy vai trò xung kích, thể hiện rõ chức năng giám sát của nhân dân. Nội dung thông tin của báo chí ngày càng phong phú, hiệu quả, hình thức đẹp, sinh động và hấp dẫn.
Báo chí phát triển không ngừng, ngày càng đa dạng và phong phú (Ảnh: HNV) |
Nhờ có công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, báo chí đã có bước tiến nhảy vọt về chất và lượng. Từ vài chục cơ quan báo chí trong ngày đầu giành chính quyền, đến nay đã có 728 tổ chức báo chí với gần 1000 ấn phẩm và báo điện tử trên cả nước, 2 đài phát thanh và truyền hình quốc gia, hơn chục đài phát thanh và truyền hình khu vực, 64 đài phát thanh, truyền hình ở các tỉnh, thành phố. Đội ngũ báo chí điện tử, báo chí trực tuyến phát triển mạnh mẽ cùng với các nhà cung cấp dịch vụ Internet tạo nên một mạng thông tin báo chí điện tử sôi động có sức thu hút hàng triệu lượt người truy cập hàng ngày. Đội ngũ những người làm báo phát triển nhanh chóng, từ 300 người trong kháng chiến chống Pháp lên hơn 19.000 hội viên nhà báo hiện nay, chưa kể hàng nghìn người mới tham gia đội ngũ báo chí…
Giữ cho “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”
Hoạt động của báo chí trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước, trong quá trình hội nhập quốc tế và cơ chế thị trường, trong thời đại bùng nổ thông tin đang phát triển không ngừng. Đứng trước những yêu cầu mới, báo chí cách mạng Việt Nam kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện tốt chức năng báo chí là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân dân. Hơn lúc nào hết, mỗi người làm báo lại ghi nhớ đến phương châm “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc” mà nhà báo lão thành Hữu Thọ đã từng chỉ ra. Đó không chỉ là điều kiện cần mà còn là điều kiện đủ, là đạo đức, lương tâm, trách nhiệm đối với người viết báo, để bài viết và người viết luôn được công chúng hoan nghênh và tờ báo sẽ luôn có đông đảo bạn đọc, nhất là trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, mặt trái luôn rình rập và đã quật ngã không ít người mang danh phóng viên, nhà báo.
Mặt trái ấy đã làm nên những thông tin trái chiều, thậm chí nhiều khi thông tin sai sự thật không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan báo chí, mà còn gây bức xúc trong dư luận và làm tổn hại đến lợi ích của cộng đồng. Giờ người ta thấy nhan nhản các thông tin “cướp, giết” đăng tải trên báo chí (cả báo giấy và báo mạng). Người ta thấy nhiều thông tin làm xã hội bị “nhiễu loạn” về an toàn thực phẩm, về chất lượng sản phẩm hàng hóa… gây tâm lý bất an và hoang mang trong cộng đồng. Hẳn trong số chúng ta vẫn còn nhớ thông tin “bưởi chùm có thể gây ung thư làm điêu đứng làng bưởi Việt Nam” hay “cà phê Trung Nguyên dính nghi án có chứa thuốc sốt rét tăng vị đắng” làm ảnh hưởng đến một thương hiệu sản phẩm…
Một khía cạnh khác trong hoạt động của báo chí cũng đang nảy sinh không ít bất cập, đó là làm kinh tế báo chí. Phải khẳng định rằng, hoạt động kinh tế báo chí là phù hợp với quy định của pháp luật, nhiều tờ báo có uy tín đã không cần phải đi “xin quảng cáo”, mà các doanh nghiệp tìm đến tận tòa soạn để thực hiện hợp đồng đăng, phát quảng cáo. Nhưng, trong đó không ít cơ quan báo chí (nhất là báo in của một số ngành) do hạn chế về số lượng phát hành, cộng với nhân lực trong tòa soạn đông, nên áp lực xin quảng cáo để nuôi nhau là rất lớn. Nhiều cơ quan báo chí đã thành lập phòng quảng cáo, hoặc ký hợp đồng với các công ty truyền thông chuyên làm công tác quảng cáo. Thực tiễn đang diễn ra cho thấy không ít các cơ quan báo chí cùng với các đối tác (công ty truyền thông) đã rất lỏng lẻo trong việc quản lý nhân viên, dẫn đến tình trạng các nhân viên sau khi lấy được giấy giới thiệu của cơ quan báo chí đã có những biểu hiện gây nhũng nhiễu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp khác. Có những nhân viên quảng cáo suốt ngày quanh quẩn bên những hàng nước cạnh trụ sở UBND các phường, các doanh nghiệp để “thu thập thông tin”, chủ yếu là tìm những thông tin bất lợi rồi quay vào “vừa nài, vừa ép” chủ doanh nghiệp, kể cả việc “yêu cầu” lãnh đạo các phường, xã để xin quảng cáo…
Tât cả những mặt trái đó phần nào đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh của báo chí, làm sai lạc chức năng thông tin, tuyên truyền, giáo dục, tổ chức, phản biện vì lợi ích của nhân dân và đất nước của báo chí cách mạng hiện nay.
Để thực hiện tốt chức năng của mình, báo chí cần đưa thông tin nhanh, kịp thời nhưng điều quan trọng là thông tin được đưa ra phải chính xác. Khi đưa tin cần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng và chỉ công bố thông tin khi đã xác minh đúng sự thật. Làm báo không được phép hời hợt, đơn điệu, một chiều.
Các phóng viên hiện nay muốn làm báo tốt phải xông xáo, chịu khó rèn luyện “bút lực”, dấn thân, tìm tòi, học hỏi đồng nghiệp… và điều quan trọng là phải thật sự tâm huyết với nghề, say mê nghề. Khi đã yêu nghề là thường gắn với sáng tạo và chấp nhận dấn thân, mạo hiểm… Hơn thế, sự cẩn trọng và kiến thức của mỗi nhà báo là vô cùng quan trọng. Chính những điều đó không cho phép họ để sai sót vì sự tín nhiệm của bạn đọc đối với phóng viên và tờ báo.
Ngay từ những năm đầu của thế XIX, cụ Đồ Chiểu đã đúc rút “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm, đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” như là một phương châm cho người cầm bút. Thiết nghĩ, nếu làm được như vậy, chắc hẳn môi trường thông tin báo chí hiện nay sẽ trong lành hơn, gắn với cuộc sống và định hướng dư luận tốt hơn, vì lợi ích của nhân dân và đất nước./.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.