Báo chí với phong trào thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Ngày 27/3/1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc, nhằm động viên mọi lực lượng phục vụ cho công cuộc kháng chiến và kiến quốc của dân tộc ta. Tiếp đến, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc, mở đầu cho phong trào thi đua yêu nước trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Lời kêu gọi của Bác được đăng trên Báo Cứu quốc ngày 24/6/1948 và đã đến với mọi tầng lớp nhân dân ở khắp mọi miền của Tổ quốc, đáp ứng với sự mong đợi và được nhân dân cả nước nhiệt tình hưởng ứng sôi nổi, rộng khắp, mang lại nhiều hiệu quả to lớn, thiết thực.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu dự Đại hội chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc ngày 1/5/1952 |
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thi đua mang tính cách mạng, tính nhân văn sâu sắc và có giá trị thực tiễn to lớn, lâu dài, bởi “mục đích của thi đua yêu nước là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công”; thi đua yêu nước là “dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân để gây hạnh phúc cho dân”. Bác căn dặn: Bổn phận của người Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh, bất kỳ làm việc gì đều cần phải thi đua… Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già trẻ, trai gái, bất kỳ giàu nghèo, lớn nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa.
Và Người kêu gọi: “Người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua…”. Trong quan điểm của Người, thi đua là một cách tốt nhất, hiệu quả nhất để khơi dậy lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự lực, tự cường của đông đảo quần chúng nhân dân và khí phách, lòng tự hào dân tộc.
Báo chí là một lực lượng trong đội quân xung kích trên lĩnh vực tư tưởng – văn hóa của Đảng. Báo chí làm tốt nhiệm vụ là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và là diễn đàn của nhân dân, đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới, góp phần hoàn thành thắng lợi những nhiệm vụ chính trị đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước; đóng vai trò tích cực trong việc phổ biến, tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao dân trí và thoả mãn nhu cầu thông tin, hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Đồng thời, cổ vũ những điển hình tốt, tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh tư tưởng, đấu tranh lý luận, chống âm mưu và thủ đoạn “diễn biến hoà bình”; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, giáo dục thẩm mỹ; góp phần vào việc phát hiện, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; sáng tạo những giá trị văn hóa mới, xây dựng con người Việt Nam hiện đại, phát triển và xã hội hóa giáo dục; góp phần tăng cường ổn định chính trị, tạo ra bầu không khí dân chủ, cởi mở trong xã hội; mở rộng quan hệ hợp tác, hữu nghị với bạn bè trên thế giới. Đồng bào Việt Nam ở nước ngoài cũng như bạn bè quốc tế nắm bắt thông tin kịp thời về Việt Nam, phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh, tăng cường công tác đối ngoại. Báo chí còn là công cụ có hiệu quả của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tệ nạn xã hội …
Báo chí còn là lực lượng góp phần tạo nên sức lan tỏa của phong trào thi đua yêu nước cả nước. Thông qua ngòi bút, ống kính của phóng viên, các phong trào thi đua yêu nước của cả nước đã phát hiện được những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, từ đó tuyên truyền, nhân rộng. Phong trào thi đua yêu nước của cả nước có được kết quả to lớn như thời gian qua có phần đóng góp rất quan trọng của báo giới. Thi đua giữ vững tôn chỉ mục đích trong báo giới không chỉ tác động tới riêng hệ thống báo chí mà còn thực hiện sứ mệnh cổ vũ tập thể, định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận, khuyến khích và nâng cao hiệu quả thi đua toàn xã hội.
Chúng ta hiện có một hệ thống báo chí với đầy đủ các loại hình: Báo in, báo nói, báo hình, báo mạng điện tử với trên 17.000 hội viên người làm báo chuyên nghiệp được cấp thẻ nhà báo, hàng ngàn cán bộ, kỹ sư, nhân viên làm việc trong các cơ quan báo chí và hàng chục ngàn người khác là cộng tác viên, nhân viên, lao động tham gia các công đoạn in ấn, tiếp thị, quảng cáo, phát hành. Báo chí đã có nhiều bài viết, phóng sự cổ vũ, động viên kịp thời cho các phong trào thi đua yêu nước. Phương pháp đưa tin của đội ngũ phóng viên đã có nhiều đổi mới, cải tiến giúp phát hiện gương điển hình tiên tiến, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước trên toàn quốc.
Trong những năm qua, nhiều cơ quan báo chí đã xây dựng và kiên trì thực hiện những quy định mang tính nguyên tắc giữ vững tôn chỉ, mục đích, bảo đảm thông tin tích cực, lành mạnh; khuyến khích việc phát hiện và cổ vũ những gương điển hình tiên tiến; phát động và tổ chức nhiều phong trào hành động cách mạng, hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện có ý nghĩa, mang lại hiệu quả thiết thực. Nhiều phong trào thi đua yêu nước được tổ chức bằng hình thức đa dạng, phong phú, bám sát nhiệm vụ chính trị được giao. Trọng tâm thi đua thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đặc biệt trong đợt I (2011 – 2013), các nhà báo trên cả nước đã hưởng ứng, tích cực tham gia Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Các phong trào thi đua trong lĩnh vực báo chí đã được phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, đổi mới cả về nội dung và hình thức. Hầu hết các tờ báo lớn đều mở chuyên mục, chuyên trang tuyên truyền về xây dựng phong trào nông thôn mới, Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và gương người tốt, việc tốt… Điển hình như: Báo Nhân dân với chuyên mục “Gương sáng, việc hay Hà Nội”, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam với chuyên mục “Thi đua yêu nước”, Báo Hà nội mới với mục “Nét đẹp người Thủ đô”, “Xây dựng nông thôn mới Hà Nội”; Báo Lao động với chuyên mục “Bình dị mà cao quý”… Các cơ quan báo chí còn tích cực xây dựng, huy động, tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện nhằm quyên góp vào các quỹ nhân đạo, từ thiện hàng trăm tỷ đồng, xây dựng gần 1.000 nhà tình nghĩa, tặng hàng nghìn suất quà và sổ tiết kiệm… cho các đối tượng chính sách trên cả nước. Các phong trào thi đua nói trên đã thấm sâu vào các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo, đội ngũ phóng viên và hội viên, có sức lan tỏa to lớn, trở thành động lực, sức mạnh của tất cả các cơ quan báo chí Việt Nam.
Tuy nhiên, trong năm qua, công tác tuyên truyền về phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, giới thiệu và tuyên truyền các gương điển hình tiên tiến trên báo chí và các phương tiện truyền thông vẫn còn hạn chế, chưa thực sự đáp ứng theo tinh thần Chỉ thị 39 của Bộ Chính trị “về việc tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước”. Báo chí và các đài phát thanh truyền hình chưa chú trọng về thời gian, thời lượng đúng mức để tuyên truyền về công tác này…; còn thiếu những tác phẩm về phong trào thi đua, gương người tốt việc tốt. Những sáng kiến các phong trào thi đua hiện nay chưa phong phú. Các cơ quan báo chí, truyền thông cần quan tâm hơn, cân nhắc về thời lượng, thời gian, hình thức đưa tin phong phú, đa dạng trong công tác tuyên truyền về phong trào thi đua yêu nước. Một số báo xem nhẹ việc phát hiện, biểu dương nhân tố mới, điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt.
Ngoài ra, các cơ quan báo chí cần đề xuất, tham mưu cho Lãnh đạo Ðảng và Nhà nước những điểm cần đổi mới, tháo gỡ vướng mắc trong tổ chức, phát động phong trào thi đua, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong công tác thi đua yêu nước.
Năm 2013 là năm kỷ niệm 65 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2013), đồng thời cũng là năm Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01 về tổ chức sự kiện lớn này. Theo đó, các phong trào thi đua yêu nước sẽ tập trung vào chủ đề “Đồng thuận cao, thi đua giỏi, về đích sớm”, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Việc tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, gương điển hình tiên tiến cần đẩy mạnh hơn nữa với sự tăng cường chỉ đạo, phối hợp của cơ quan liên quan: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam… Mặt khác, tăng cường thời lượng, chuyên mục về gương người tốt, việc tốt, đặc biệt là những gương lao động trực tiếp như: Người lao công, hiệp sỹ đường phố… để cổ vũ, động viên, nhân rộng những điển hình tiên tiến, góp phần thực hiện mục tiêu đặt ra của đất nước.
Bám sát nhiệm vụ chính trị của báo chí Việt Nam, không ngừng đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo, gắn hoạt động thi đua của Hội Nhà báo với hoạt động thi đua của các cơ quan báo chí; lấy việc thực hiện nhiệm vụ của báo chí nói chung và của mỗi cơ quan báo chí làm mục tiêu và nội dung thi đua chính của mỗi cơ quan, tổ chức Hội; đưa phong trào thi đua của cơ quan báo chí, của Hội thật sự trở thành động lực thúc đẩy, động viên, cổ vũ các tổ chức Hội, hội viên, phóng viên phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của báo chí Việt Nam trong thời gian tới.
Nội dung thi đua thực hiện nhiệm vụ công tác thi đua – khen thưởng của báo chí tập trung vào các vấn đề chính như: Đổi mới và tăng cường các giải pháp, hình thức giáo dục, bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị cho cán bộ, phóng viên; không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho nhà báo, hội viên; tham gia có hiệu quả vào công tác quản lý và chỉ đạo báo chí; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phóng viên, hội viên. Đồng thời, các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo tiếp tục triển khai sâu rộng Cuộc thi đợt II (2013 – 2015) về sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam.
Tiến hành thường xuyên, liên tục công tác thi đua – khen thưởng, gắn với các hoạt động công tác của các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo; nâng cao chất lượng của giải Báo chí quốc gia; triển khai có hiệu quả công tác hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao hàng năm; góp phần động viên, cổ vũ các nhà báo thi đua sáng tạo nhiều tác phẩm hay, có tác động tốt đối với xã hội.
Cách mạng nước ta bước sang thời kỳ mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Bên cạnh những thuận lợi to lớn, chúng ta cũng đang đứng trước nhiều thử thách, khó khăn, đòi hỏi phải phát huy cao độ lòng yêu nước trong mỗi con người vì mục tiêu chung là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Vì vậy, việc đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong các cơ quan báo chí cần được nhận thức đầy đủ và thực hiện một cách sâu rộng, hiệu quả.
Đại hội XI của Đảng nhấn mạnh: “Tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…”. Với sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của Nhà nước và thực hiện tư tưởng của Bác về thi đua yêu nước, với ý thức thực hiện kiên quyết, đồng bộ những biện pháp đã đề ra của cơ quan báo chí và cơ quan chủ quản báo chí, nhất là việc vận dụng sáng tạo Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cơ quan báo chí Việt Nam tích cực tham gia công tác thi đua; tiếp tục khẳng định là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng – văn hóa của Đảng; nhất định sẽ có bước chuyển mạnh mẽ, tích cực, vững chắc, khắc phục nhanh các yếu kém, khuyết điểm, để báo chí nước ta luôn làm tròn chức năng và sứ mệnh cao cả của mình trên mặt trận chính trị, tư tưởng, nhất là tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước; đóng góp tích cực hơn nữa vào công tác thi đua của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; đi vào các mũi nhọn của đời sống xã hội để phát hiện các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; quyết tâm tạo ra phong trào thi đua sâu rộng trong cả nước, để lập nhiều thành tích, góp phần thúc đẩy sự nghiệp đổi mới, phát triển chung của cả nước, từng bước xây dựng đất nước ta ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ hằng mong muốn./.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.