Bạo lực leo thang ở Myanmar
Đụng độ bạo lực tiếp tục diễn ra ở Myanmar trong bối cảnh người lao động hưởng ứng cuộc tổng đình công nhằm phản đối đảo chính của quân đội
Ít nhất 18 tổ chức nghiệp đoàn đại diện cho các ngành công nghiệp gồm xây dựng, nông nghiệp và sản xuất hôm 8-3 kêu gọi người lao động đình công để phản đối cuộc đảo chính hôm 1-2, đồng thời khôi phục chính quyền dân cử của nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi.
Các nhân chứng cho biết chỉ một số ít quán trà nhỏ mở cửa trong khi các trung tâm mua sắm lớn đã đóng cửa và không có hoạt động nào tại các nhà máy ở TP Yangon, động thái nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của các nghiệp đoàn đóng cửa nền kinh tế để phản đối chính quyền quân sự.
Lực lượng an ninh xịt hơi cay vào người biểu tình ở thủ đô Naypyitaw – Myanmar hôm 8-3 Ảnh: REUTERS
Cùng ngày, người dân Myanmar tập trung biểu tình tại các thành phố lớn như Yangon, Mandalay và một số thị trấn khác. Trong khi đó, Liên minh quốc gia Karen, một nhóm vũ trang dân tộc đã nhiều lần xung đột với quân đội, bảo vệ người biểu tình tại thị trấn Dawei. Vụ đụng độ với những người biểu tình chống đảo chính nổ ra khi lực lượng an ninh bắn hơi cay để giải tán khoảng 1.000 người ở thủ đô Naypyitaw. Hàng ngàn người biểu tình tuần hành ở TP Mandalay cũng nhanh chóng giải tán sau đó.
Các nhân chứng cho biết 2 người biểu tình thiệt mạng vì bị bắn vào đầu ở thị trấn Myitkyina, bang Kachin và một số người khác bị thương. Theo các nhân chứng, họ đang tham gia biểu tình thì bị cảnh sát ném lựu đạn khói và bắn hơi cay.
Lãnh đạo biểu tình Maung Saungkha kêu gọi phụ nữ mạnh mẽ phản đối cuộc đảo chính hôm 8-3. Ở nhiều nơi, người biểu tình treo htamain (xà rông truyền thống của phụ nữ Myanmar) trên các dây vắt ngang phố nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 và cũng để phản đối chính quyền quân sự. Trong một tuyên bố cùng ngày, quân đội cho biết đã bắt giữ 41 người và đang đối phó với các cuộc biểu tình một cách hợp pháp.
Theo hãng tin Myanmar Now, các binh sĩ được triển khai đến các tòa nhà công vụ trên khắp đất nước, làm gia tăng nguy cơ đối đầu với người biểu tình. Truyền thông nhà nước Myanmar cho biết lực lượng an ninh vẫn đang duy trì sự hiện diện tại các bệnh viện và trường đại học như một phần của nỗ lực thực thi pháp luật.
Trước đó, Liên Hiệp Quốc cho hay hơn 50 người thiệt mạng kể từ khi Myanmar chứng kiến các cuộc biểu tình phản đối đảo chính quân sự từ ngày 1-2. Theo số liệu của Hiệp hội Hỗ trợ tù nhân chính trị Myanmar, gần 1.800 người đã bị giam giữ tính đến hôm 7-3.
Các vụ đụng độ với lực lượng an ninh khiến người biểu tình thiệt mạng đã gây ra sự phẫn nộ trong cộng đồng quốc tế và thúc đẩy nhiều nước siết chặt các biện pháp trừng phạt đối với giới lãnh đạo quân sự Myanmar.
Trong động thái trừng phạt mới nhất, Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne thông báo nước này hoãn chương trình hợp tác quốc phòng với Myanmar bởi những căng thẳng leo thang tại quốc gia Đông Nam Á này.
Theo hãng tin Reuters, Úc thúc giục mạnh mẽ các lực lượng an ninh Myanmar kiềm chế và không hành động bạo lực với dân thường. Bộ trưởng Ngoại giao Úc hôm 8-3 cho hay Úc cũng sẽ chuyển hướng chương trình viện trợ nhân đạo của nước này sang giúp đỡ các nhu cầu cấp thiết của các cộng đồng thiểu số ở Myanmar.
Trung Quốc hôm 7-3 cho biết sẵn sàng can dự với tất cả các bên để xoa dịu cuộc khủng hoảng và không đứng về bên nào. Theo hãng tin AP, Mỹ, Anh và Canada đã tăng cường các hạn chế đối với quân đội Myanmar, các thành viên gia đình của họ và giới lãnh đạo quân sự cấp cao. Một số chính phủ đã ngừng viện trợ và Ngân hàng Thế giới cũng đang xem xét lại các chương trình tài trợ dành cho Myanmar.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.