Bão số 6 hướng vào Nghệ An – Quảng Bình

       Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, hồi 13 giờ hôm nay (4.10), vị trí tâm bão số 6 ở vào khoảng 18,6 độ vĩ bắc; 110,0 độ kinh đông, trên khu vực phía nam đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị – Thừa Thiên Huế khoảng 330 km về phía đông bắc.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km/giờ), giật cấp 10, cấp 11.


Đường đi và vị trí cơn bão số 6 – Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư (lúc 13 giờ chiều 4.10)

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 10-15 km. Đến 13 giờ ngày 5.10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,2 độ vĩ bắc; 107,3 độ kinh đông, cách bờ biển Nghệ An – Quảng Bình khoảng 100 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km/giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 10-15 km, có khả năng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó đi vào đất liền và suy yếu nhanh thành một vùng áp thấp.

Đến 1 giờ ngày 6.10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 17,8 độ vĩ bắc; 105,8 độ kinh đông, trên khu vực biên giới Việt – Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km/giờ).

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão kết hợp với đới gió đông bắc mạnh, nên vùng biển Vịnh Bắc Bộ, vùng biển các tỉnh Quảng Trị – Thừa Thiên Huế có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh.

Vùng ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị từ sáng mai (5.10) gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

* Khối không khí lạnh cường độ mạnh, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, đã tràn xuống nước ta khiến nền nhiệt độ tại các tỉnh miền Bắc giảm đáng kể, trời se se lạnh, vùng núi cao trở rét.

Không khí lạnh sẽ duy trì trong 2-3 ngày tới, nhiệt độ thấp nhất tại khu vực đồng bằng trung du Bắc Bộ ở vào khoảng 19 – 22 độ C, vùng núi phía bắc từ 16 – 19 độ C, riêng các vùng núi cao nhiệt độ thấp hơn, khoảng 14 – 16 độ C. (Quang Duẩn)

* Ngày 4.10, Trung tâm Phòng chống lụt bão khu vực miền Trung – Tây Nguyên tại TP Đà Nẵng cho biết, các sông ở Nam Trung Bộ đã xuất hiện lũ và đạt đỉnh.

Trong khi mực nước các sông Quảng Bình tiếp tục xuống dưới báo động (BĐ) 1, sông Kiến Giang duy trì ở mức trên BĐ1 (7,65 m) thì sông Cái ở Ninh Hòa (Khánh Hòa) xuất hiện lũ, đã đạt đỉnh 5,22 m, trên BĐ2 0,42 m (hồi 5 giờ ngày 4.10) và đang xuống chậm, duy trì mức trên BĐ2.

Lũ trên sông Cái (Phan Rang) tại Tân Mỹ xuống chậm, đạt 36,78 m, trên BĐ1 0,78 m và duy trì mức trên BĐ1.

Dự báo đến tối 4.10, nước lũ sông Cái Ninh Hòa tiếp tục xuống chậm và dao động ở mức BĐ1. Sông Cái (Phan Rang, Ninh Thuận), sông Kiến Giang (Quảng Bình) tiếp tục xuống chậm, duy trì ở mức BĐ1.

Mưa lũ đã gây ra ngập lụt cục bộ tại TP Phan Rang – Tháp Chàm tỉnh Ninh Thuận. Một số đường ngập nặng từ 0,3 đến 0,6 m như tuyến đường 21.8, đường Thống Nhất, đường Ngô Gia Tự…

Liên tục trong các ngày 2 và 3.10, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên có mưa vừa, một số nơi có mưa to đến rất to như Đồng Hới 115 mm, Tân Mỹ (Quảng Bình) 99 mm, Ninh Hòa (Khánh Hòa) 104 mm, Vạn Ninh (Khánh Hòa) 90 mm, Châu Ổ (Quảng Ngãi) 89 mm.


Các tỉnh miền Trung có mưa to đến rất to – Ảnh: Nguyễn Tú

Trong khi đó, một số hồ chứa thủy điện đã đầy và tiếp tục xả lũ điều tiết. Tính đến 23 giờ ngày 3.10, lượng nước xả về hạ lưu của thủy điện Sê San 4 và Sê San 4A (Gia Lai) cùng đạt 1.579 m3/giây, thủy điện Buôn Kuốp (Đăk Lăk) 346 m3/giây, thủy điện Sông Ba Hạ (Phú Yên) 500 m3/giây.

Các hồ chứa thủy lợi Phú Vinh (Quảng Bình), hồ Truồi, hồ Hòa Mỹ (Thừa Thiên – Huế), Định Bình, Núi Một (Bình Định), Sông Sắt, Tân Giang (Ninh Thuận) cũng đang xả lũ.

Đến 19 giờ ngày 3.10, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các địa phương từ Quảng Bình đến Phú Yên đã kiểm đếm và thông tin đến tổng số 35.393 tàu thuyền, trong đó có 1.945 tàu cùng 16.309 người hoạt động ngoài khu vực nguy hiểm, 33.448 tàu đã neo đậu và trú tránh ở nơi an toàn. (Nguyễn Tú)

Bình Định: Tàu bị đánh chìm trên đường trú bão 

Khoảng 17 giờ 30 phút ngày 3.10, tàu cá BĐ – 96504 TS (công suất 168 CV) do ông Nguyễn Gọn (69 tuổi, ở xã Hoài Hải, H.Hoài Nhơn, Bình Định) làm thuyền trưởng đã bị chìm tại cửa biển Tam Quan Bắc khi đang trên đường về trú bão.

Trên tàu có 6 ngư dân, trong đó có 3 người bị thương nặng là Nguyễn Đình Quốc (20 tuổi), Nguyễn Sơ (48 tuổi) và Trương Văn Phúc (34 tuổi).

Ngư dân Trương Văn Phúc bị rớt xuống biển, đập đầu vào đá, bị chấn thương sọ não phải chuyển gấp vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, đến nay vẫn chưa tỉnh lại.

Ông Gọn cho biết, tàu bị sóng lớn đánh mất lái, đâm thẳng vào bờ kè, vỡ ra rồi chìm hẳn.

Tổng tài sản thiệt hại trên 1 tỉ đồng.

Theo đồn biên phòng Tam Quan Bắc (xã Tam Quan Bắc, H.Hoài Nhơn), khu vực cảng vẫn còn sóng lớn nên chưa thể cho người lặn xuống tìm kiếm tài sản. (Trần Thị Duyên)

Đồng Tháp: Mở tuyến xe buýt lên huyện đầu nguồn lũ

Ngày 4.10, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có văn bản chấp thuận cho Sở Giao thông vận tải mở mới tuyến xe buýt đi từ thị trấn Thanh Bình (H.Thanh Bình) đến thị trấn Sa Rài thuộc huyện đầu nguồn lũ Tân Hồng và ngược lại với tần suất 30 phút/lượt xe xuất bến.

Mỗi ngày, tuyến xe này hoạt động từ 5 giờ đến 18 giờ.

Lộ trình xe đi như sau: Chợ thị trấn Thanh Bình – QL30 – Đường ĐT855 – Đường ĐT844 – Đường ĐT843 – Đường ĐT842 – Chợ Giồng Găng – Đường ĐT842 – Đường ĐT843 – Đường Nguyễn Huệ – QL30 – Bến xe Tân Hồng và ngược lại.

Giá cước áp dụng theo Thông tư liên tịch số 86/2007/TTLT/BTC- BGTVT ngày 18.7.2007 của 2 Bộ Tài chính, Bộ GTVT.