Bảo tồn và phát huy giá trị của nghi lễ chầu văn trong đời sống xã hội đương đại
Tọa đàm về Bảo tồn và phát huy giá trị của nghi lễ chầu văn trong đời sống xã hội đương đại với sự tham gia của các nhà nghiên cứu văn hóa, nhà khoa học, các nghệ nhân Chầu văn, và đại diện cơ quan quản lý văn hóa, đã diễn ra chiều 5/10 tại Hà Nội.
Hát văn (chầu văn) là sinh hoạt mang tính chất tín ngưỡng, văn hóa cộng đồng và là nghi lễ chính của tục thờ thánh Mẫu tam phủ – tứ phủ. Diễn xướng hầu đồng phải thực hiện trước các bàn thờ Tứ phủ với tượng Thánh, đồ thờ cúng, các lễ vật được trang trí với màu sắc rực rỡ, phù hợp với các đền, phủ. Hiện nay, chầu văn đã được những người làm nghệ thuật thực hiện sân khấu hóa để tạo ra những sản phẩm văn hóa phục vụ công chúng, có thế kể đến vở diễn “Ba giá đồng” của Nhà hát Chèo Hà Nội; vở diễn “Tâm linh Việt” của NSND Lan Hương (Nhà hát kịch Tuổi trẻ), nghệ sĩ Piano Phó An My đưa nghi lễ chầu văn lên sân khấu với tên gọi “Đồng”…
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ở nhiều địa phương, trình diễn hầu đồng và hát văn đã bị biến tướng theo hướng mê tín dị đoan, gây lãng phí và làm mất đi giá trị văn hóa, nghệ thuật của loại hình này; gây rối loạn ý nghĩa của nó trong đời sống xã hội.
Một tiết mục tham gia Liên hoan nghi lễ chầu văn Hà Nội 2013 |
Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng, để bảo tồn và phát huy giá trị của nghi lễ chầu văn trong xã hội đương đại cần nâng cao hơn nữa vai trò quản lý của cả nhà nước và sự tham gia đóng góp của cả cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của nghi lễ chầu văn. Bên cạnh đó, phải đưa ra một bộ tài liệu mang tính chất chuẩn mực về sứ mệnh của các thanh đồng và phép tắc hầu thánh trong Đạo Mẫu. Mặt khác, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội nên có văn bản hướng dẫn thực hành nghi lễ hầu đồng ở các đền, điện, phủ trên địa bàn Hà Nội. Đồng thời hướng dẫn cho các ban quản lý, thủ nhang, đồng đền thực hiện và tự quản, phối hợp cũng chính quyền xã, phường, kiểm tra để phát huy đúng giá trị quý của nghi lễ chầu văn, khắc phục các lệch lạc và tiêu cực. Các đoàn thể nhân dân cùng tuyên truyền để đoàn viên, hội viên hiểu biết rõ về tín ngưỡng thờ Mẫu và nghi lễ hầu đồng; hỗ trợ các ban quản lý, thủ nhang, đồng đền làm tốt hoạt động tín ngưỡng, nhất là nghi lễ chầu văn.
Và trong quá trình đánh giá, xem xét để trình UNESCO công nhận nghi lễ chầu văn là di sản nhân loại, vẫn còn nhiều vấn đề mà các nhà khoa học và quản lý văn hóa sẽ phải dành thêm nhiều thời gian để nghiên cứu.
Nguồn ĐCSVN
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.