Bão và áp thấp nhiệt đới cùng đổ bộ vào đất liền

Ngày 16-7, vùng áp thấp ở vịnh Bắc bộ đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và hướng thẳng vào các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh. Trong khi đó, sáng 16-7, một áp thấp nhiệt đới khác cũng xuất hiện tại phía Đông của Philippines, dự báo sẽ di chuyển vào biển Đông trong vài ngày tới.

Đường đi và vị trí của áp thấp nhiệt đới

Đường đi và vị trí của áp thấp nhiệt đới

Áp thấp nhiệt đới “nối đuôi” nhau

Trước tình hình mưa lũ, bão đang diễn biến rất phức tạp, chiều 16-7 tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì đã tổ chức cuộc họp khẩn để triển khai các phương án, kịch bản ứng phó.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia, cho biết, trên biển hiện nay hình thái thời tiết rất nguy hiểm. Chiều 16-7, vùng áp thấp nhiệt đới trên vịnh Bắc bộ đã ở gần bờ, có thể đổ bộ vào các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh vào ngày 17-7. Trong khi đó, một áp thấp nhiệt đới khác lại vừa hình thành ở sát đảo Luzon – Philippines, rất gần biển Đông, có thể mạnh lên thành bão và tiếp tục hướng thẳng về  các tỉnh Bắc bộ – Bắc Trung bộ, sau khi đi vào biển Đông trong vài ngày tới.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, những ngày qua, tại miền Bắc và miền Trung đã có mưa lớn buộc ban chỉ đạo phải tổ chức diễn tập phòng chống mưa lũ và chỉ đạo mở 1 cửa xả lũ tại thủy điện Hòa Bình ngay trong cuộc diễn tập (vào đêm 14-7). Sau đó, mở tiếp 1 cửa xả đáy vào sáng 15-7 và sáng 16-7 có lệnh mở thêm 1 cửa xả nữa. Thời điểm hiện tại, hồ thủy điện Hòa Bình đang mở 3 cửa xả đáy, thủy điện Sơn La mở 1 cửa xả đáy.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nhận định, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều ngày qua, trên thế giới cũng xảy ra mưa lũ rất nguy hiểm. Tại Trung Quốc, mưa lũ diễn ra trên diện rộng chưa từng gặp. Ngay cả Nhật Bản là nước có nhiều kinh nghiệm ứng phó thiên tai nhưng cũng vừa chịu thiệt hại nặng nề.

“Điều đó cho thấy, thiên tai trong thời gian tới rất khốc liệt, cần phải chủ động kịch bản ứng phó” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cảnh báo.

Bão và áp thấp nhiệt đới cùng đổ bộ vào đất liền ảnh 1Thủy điện Hòa Bình mở cấp tốc 3 cửa xả đáy và 8 tổ máy để tạo dung tích cắt lũ cho hạ du
Chuẩn bị kịch bản, kể cả cho dự báo sai

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, để chủ động phòng chống mưa lũ trong năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định hỗ trợ các địa phương 1.300 tỷ đồng để xử lý cấp bách sự cố đê điều xảy ra trong năm 2017. Hiện cả nước có tổng số 6.648 hồ chứa thủy lợi các loại với tổng dung tích trữ khoảng 13,5 tỷ m³ nhưng có 366 hồ xung yếu nên Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định hỗ trợ các địa phương 500 tỷ đồng để xử lý cấp bách.

Bộ NN-PTNT đang triển khai dự án cải tạo đập với kinh phí 443 triệu USD do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Trên phạm vi cả nước hiện có 2.055 điểm sạt lở với tổng chiều dài 2.710km, trong đó vùng đồng bằng sông Cửu Long có 562 vị trí bờ sông, bờ biển bị sạt lở với tổng chiều dài 786km.

Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định hỗ trợ các địa phương 1.500 tỷ đồng để xử lý cấp bách sạt lở và 1.000 tỷ đồng trong kế hoạch trung hạn 2016-2020… Đến nay, cả nước đã lắp đặt bổ sung 500 trạm đo mưa tại những khu vực thường xuyên xảy ra sạt lở đất, lũ quét (tại các thôn bản) ở khu vực miền núi phía Bắc; áp dụng thử nghiệm đê di động cao su, thiết bị cảnh báo mưa lũ tự động, thiết bị định vị tàu cá, nhà tránh bão lũ, thiết bị phòng chống tốc mái…

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị triển khai 3 nhiệm vụ lớn.

Thứ nhất, cơ quan khí tượng phải dự báo sát tình hình thực tế và “có thêm cả kịch bản dự báo sai để có tình huống xử lý”.

Thứ hai, Tổng cục Phòng chống thiên tai phải đề phòng kịch bản cho những tình huống xấu nhất như mất điện trên diện rộng.

Thứ ba, kiểm tra, rà soát phương án phân lũ nếu mưa lũ lớn; yêu cầu thủy điện Sơn La phải chạy tối đa 6 tổ máy, còn thủy điện Hòa Bình chạy 8 tổ máy không nghỉ, ưu tiên số một là phát tải để tạo dung tích cắt lũ cho hạ du một cách chủ động.

Sau khi nghe báo cáo, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu trước mắt cần triển khai ngay các phương án đảm bảo an toàn về tính mạng cho người dân và tài sản, các công trình sản xuất – dịch vụ, cơ sở hạ tầng như: giao thông, điện, trường – trạm, bảo vệ nhà ở của người dân, đặc biệt là đảm bảo an toàn cho các phương tiện trên biển, khẩn trương di dời người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm. Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cần thành lập ngay các đoàn công tác đi kiểm tra lại toàn bộ hệ thống công trình phòng chống mưa bão lũ, hồ đập và các phương án sơ tán dân khi có sự cố xảy ra. Các địa phương và các bộ có liên quan phải lên “kịch bản” ứng phó với các sự cố nếu xảy ra. Đồng thời, Văn phòng Chính phủ chủ động đôn đốc Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm triển khai các gói hỗ trợ cho công tác phòng chống thiên tai mà Thủ tướng đã có quyết định và đầu tư xây dựng trung tâm phòng chống thiên tai để chủ động ứng phó với mọi tình huống.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia dự báo áp thấp nhiệt đới di chuyển chậm theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 5km. Chiều 17-7, tâm áp thấp nhiệt đới sẽ nằm ngay trên bờ biển các tỉnh Thanh Hóa – Hà Tĩnh. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 50km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Còn áp thấp nhiệt đới ở phía Đông quần đảo Luzon – Philippines di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 30-35km. Đêm 16-7, áp thấp nhiệt đới đi vào phía Bắc biển Đông và mạnh lên thành bão. Chiều 17-7, vị trí tâm bão ở khoảng 20 độ vĩ Bắc – 115 độ kinh Đông, cách đảo Hải Nam khoảng 440km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 100km tính từ vùng tâm bão.

Nguồn SGGP