Bảo vệ bản quyền sản phẩm truyền hình: Chặng đường dài gian nan
Tràn lan vi phạm bản quyền truyền hình
Là “tín đồ” trung thành của phim truyền hình Việt, chỉ thích xem phim Việt, nhưng chị Hoàng Thị Hồng ở Cầu Giấy, Hà Nội lại không có thời gian cho sở thích của mình. Công việc ca kíp, lại bận rộn con nhỏ, chị thường về nhà sau khoảng 11 giờ đêm, nên chỉ có thể dành thời gian rảnh vào buổi sáng hôm sau để xem lại các bộ phim truyền hình yêu thích. Chị Hồng chia sẻ, chị không bỏ lỡ tập nào của “Hoa hồng trên ngực trái”, “Về nhà đi con”, “Quỳnh búp bê”…, còn hiện nay là “Hãy nói lời yêu” hay “Hương vị tình thân”. Tuy nhiên, điều đáng nói là chị Hồng vô tư xem lại phim trên các nền tảng lậu, vi phạm bản quyền, sẵn sàng chấp nhận hình ảnh xấu, mờ, chèn quảng cáo dày đặc…
Những khán giả như chị Hồng không hề ít. Có thể thấy vấn đề vi phạm bản quyền đối với các chương trình truyền hình ngày càng nghiêm trọng, khó kiểm soát, trở thành rào cản lớn cho các nhà sản xuất và phát triển dịch vụ chính thống trong nước. Rất nhiều kênh youtube, facebook cũng như trang web lậu hay nền tảng OTT cắt những trích đoạn hấp dẫn nhất do nhà đài đăng tải, giật lại tít, chế lại sao cho thật hấp dẫn. Hoặc nhà đài vừa tung ra clip hậu trường, clip vui…, chỉ ít phút sau đã bị đăng tải lại và những clip “lậu” này thu hút hàng triệu người xem. Cá biệt, trên youtube cũng như mạng xã hội còn có nhiều bài đăng hướng dẫn cách lấy lại clip mà không dính bản quyền. Điều này khiến đội ngũ lao động chân chính, nhà sản xuất… chỉ biết “khóc dở mếu dở”. Không phải khán giả nào cũng để ý nền tảng của mình đang xem có đúng là của đơn vị sở hữu sản phẩm phim truyền hình hay không. Họ vô tư lựa chọn các website vi phạm bản quyền mà không biết rằng đang tiếp tay cho các đối tượng xấu kiếm tiền tỷ từ lượt view, quảng cáo…
Thống kê chỉ trong 7 ngày Tết Nguyên đán, chương trình Gặp nhau cuối năm – Táo quân 2021 của Đài Truyền hình Việt Nam đã có hơn 2000 trường hợp vi phạm bản quyền. Phim “Vua bánh mì” của Đài Truyền hình Vĩnh Long, “Em là để yêu”, “Hương vị tình thân”.. đang phát sóng trên VTV có tới hàng trăm, nghìn link lậu phát tán. Viện nghiên cứu chính sách phát triển truyền thông cho biết, với những trang mạng có lượt xem từ 70-80 triệu người xem, có thể gây thiệt hại cho đơn vị sản xuất số tiền lên đến hơn 23 tỷ đồng.
Mỗi ngày, Trung tâm sản xuất và kinh doanh nội dung số, Đài truyền hình Việt Nam xử lý hàng trăm tài khoản vi phạm bản quyền song tình trạng này chỉ như “muối bỏ biển”. Đại diện nhà đài cho biết, thực trạng này tác động mạnh đến việc kinh doanh trên nền tảng Digital của Đài, mặc dù hiện tại VTV đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin & Truyền thông trong việc bảo vệ bản quyền số. Điều đáng nói, vấn nạn vi phạm bản quyền sản phẩm truyền hình không chỉ gây tổn thất về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến uy tín của Đài với các đối tác. Đối với khán giả, thiệt hại có thể đến từ việc không được thưởng thức nhiều chương trình hay do lo ngại vấn đề vi phạm bản quyền từ đối tác. Ngoài ra, nếu vấn đề bản quyền sản phẩm truyền hình thường xuyên bị vi phạm, ý thức về quyền sở hữu trí tuệ còn kém thì việc tranh chấp với các đối tác nước ngoài chắc chắn sẽ xảy ra trong nay mai.
Mặc dù nhiều đơn vị đã và đang tiến hành nhiều biện pháp chặt chẽ và hiệu quả việc bảo vệ bản quyền sản phẩm truyền hình, song các thủ đoạn diễn ra ngày càng tinh vi, gây khó khăn cho chủ thể trong việc áp dụng biện pháp kỹ thuật để bảo vệ tài sản của mình.
Và những nỗ lực…
Ngày 14/12, Hội Truyền thông số Việt Nam đã tổ chức lễ ra mắt Trung tâm Bản quyền số, nhằm bảo vệ tác quyền trên môi trường số khi mà tình trạng vi phạm bản quyền trên mọi lĩnh vực đang diễn ra hết sức trầm trọng.
Có thể kể đến các giải pháp công nghệ mà Trung tâm đã áp dụng để bảo vệ chủ thể sở hữu tác phẩm như: DDC VDRM (giải pháp bảo vệ bản quyền nội dung video cho báo chí) và DDC Watcher: Hệ thống lắng nghe dò quét, phát hiện và cảnh báo vi phạm bản quyền báo chí, âm nhạc, ấn bản điện tử. Phạm vi dò quét của hai công nghệ đang phủ khoảng 600 đầu báo, forum, blog, 90 triệu profile Facebook, 2 triệu page và 3 triệu group trên các mạng xã hội như Facebook và YouTube và tương lai sẽ mở rộng ra nhiều mạng xã hội khác như Lotus, Gapo.
Tính riêng lĩnh vực điện ảnh truyền hình, Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam cũng đã ra đời nhằm ngăn chặn nạn xâm phạm bản quyền, góp phần bảo vệ bản quyền tác giả, tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình, bảo đảm môi trường lành mạnh cho hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh và truyền hình.
Đặc biệt, chế tài xử lý vi phạm bản quyền truyền hình nói riêng và sở hữu trí tuệ nói chung cần được kiện toàn và hoàn thiện hơn nữa. Tính đến nay vẫn chưa có một án phạt hình sự nào đối với các vụ việc vi phạm bản quyền đủ mang tính răn đe. Việc này đặt ra cho nước ta phải bổ sung hoàn thiện những các quy định pháp luật cho phù hợp với điều kiện môi trường chung. Đặc biệt phải có nhiều biện pháp khác về công nghệ để quản lý quyền của mình tốt hơn.
Để mang lại một không gian sạch, một môi trường trong lành ở cả phía nhà đầu tư, đơn vị sản xuất và khán giả cần sự nỗ lực chung tay của cả hệ thống, giải quyết đồng bộ nhiều nguyên nhân. Có thể kể đến việc nâng cao ý thức và hiểu biết của cộng đồng bằng các biện pháp truyền thông, siết chặt hơn nữa cơ chế quản lý, sử dụng hiệu quả các công cụ kỹ thuật để kiểm soát tối đa vấn nạn xâm phạm quyền tác giả. Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm những vụ việc mang tính thí điểm, đủ sức răn đe với những hành vi vi phạm quyền tác giả./.
Nguồn vov.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.